Xã hội

Giảm nghèo tại Đông Giang: Điển hình từ cơ sở

KHẢI KHIÊM 24/12/2024 08:10

(QNO) - Ở huyện Đông Giang, nhiều địa phương cấp xã triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có giảm nghèo bền vững đã đạt thành quả đáng ghi nhận.

1(3).jpg
Cây chanh cho sai quả trong khu vườn của hộ Võ Thị Lý. Ảnh: K.K

Cải thiện thu nhập

Dù bận rộn công việc, hai cán bộ trẻ của xã A Ting là chị Hôôi Chêm (công chức văn hóa - xã hội) và anh Clâu Bích (công chức nông nghiệp - giao thông - thủy lợi) vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế vườn.

Tại thôn A Liêng - Ra Vắh, khu vườn của hộ Võ Thị Lý trồng khoảng 80 cây sầu riêng đang vươn cao; xen kẽ là cây chanh, cây cam, măng cụt, mãn cầu, chuối… Dưới tán cây, bà Lý thả nuôi gà, ngỗng, vịt để bán đặng “lấy ngắn nuôi dài”.

[VIDEO] - Vườn nhà bà Hạnh trồng nhiều loại cây ăn quả:

Ghi nhận vườn nhà của con bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (thôn Ra Ê, xã A Ting), một số cây như chuối, bưởi da xanh, mít tiếp tục ra quả. Trên diện tích 3.000m2, bà trồng chen cây cam, quýt, lòn bon, vú sữa, dứa và nhiều nhất là cây sầu riêng. “Năm trước, nhiều cây sầu riêng đã cho quả, nhỏ nhất nặng 2kg. Giá mỗi ký bán ra thị trường 80 nghìn đồng” - bà Hạnh kể.

Theo cán bộ xã A Ting, địa phương có nhiều hộ đầu tư phát triển kinh tế vườn, bỏ dần tư tưởng làm ăn manh mún. Đây là tín hiệu vui về thay đổi tư duy làm kinh tế theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con, nhờ đó thoát nghèo như hộ bà Hạnh.

4(2).jpg
Một hộ dân xã A Ting sinh sống trong ngôi nhà vừa được hỗ trợ xây dựng kiên cố. Ảnh: K.K

Gần đây, người dân Đông Giang đã tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề; từ chế biến món ăn, pha chế đồ uống cho đến nghề nuôi cá nước ngọt, nhận biết trị bệnh cho gà, nuôi bò vỗ béo, nề hoàn thiện.

Chủ tịch Hội LHPN xã Zà Hung - bà Bnướch Thị Bượu cho hay, năm 2024 này, xã đã phối hợp tổ chức 2 lớp kỹ thuật chế biến món ăn với 70 học viên. Sau khóa học, chị em dự định sẽ mở dịch vụ ăn uống để phục vụ nhu cầu của khách, vừa có thu nhập cải thiện đời sống.

Dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị con hươu sao tại Đông Giang nói chung, xã Zà Hung nói riêng có chuyển biến đáng mừng. Chủ tịch UBND xã Zà Hung - ông Bnướch Bíp cho hay, xã có 10 hộ dân ở 2 thôn A Xanh Gố và Kà Dâu được hỗ trợ nuôi 50 con hươu sao lấy nhung. Hươu đã cho thu hoạch đợt nhung đầu tiên, thu hàng chục triệu đồng đã tạo niềm phấn khởi cho người nuôi, động viên tiếp tục nhân rộng mô hình này. Zà Hung cũng đang mở rộng diện tích trồng quế Yên Bái, để về lâu dài người dân có nguồn thu nhập cao hơn.

Nỗ lực giảm nghèo

2(4).jpg
Nuôi heo đen bản địa đang được nhân rộng ở Đông Giang. Ảnh: K.K

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang - ông Đinh Ngọc Thanh chia sẻ, công tác giảm nghèo năm 2024 đạt nhiều kết quả, vượt chỉ tiêu giảm số hộ nghèo so với kế hoạch mà tỉnh Quảng Nam và huyện giao. Nhiều địa phương làm tốt công tác này, điển hình như xã Ba. Được biết, hàng năm, xã Ba đều ban hành các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch giảm nghèo. Đưa kết quả hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo vào chỉ tiêu thi đua, làm cơ sở xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 cho từng thôn.

Ông Phạm Kim Thông - Chủ tịch UBND xã Ba chia sẻ, địa phương triển khai dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” vượt chỉ tiêu đặt ra. Theo đó, năm 2024, huyện Đông Giang giao cho xã phải có 15 lao động được đào tạo nghề. Địa phương đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Hội Nông dân huyện mở lớp đào tạo nghề nuôi bò vỗ béo với 59 học viên tham gia. Cạnh đó, huyện giao chỉ tiêu 8 người đi xuất khẩu lao động, gần cuối năm xã có 16 thanh niên đi theo diện này.

3(3).jpg
Nhiều hộ dân nghèo, khó khăn được đơn vị kết nghĩa với xã Ba trao tặng cây cau giống để trồng. Ảnh: K.K

Xác định hộ nghèo, cận nghèo mãi “an cư” nơi căn nhà tạm bợ, dột nát thì không thể bàn chuyện thoát nghèo bền vững, vì vậy, xã Ba tiếp tục phát động phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo, không ai bỏ lại phía sau” nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của xóa nhà tạm, giảm nghèo bền vững và các chính sách xóa nhà tạm khác. Năm nay, xã Ba xóa được 51 nhà tạm, vượt chỉ tiêu huyện đặt ra (50 nhà). Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhân rộng.

Thống kê năm 2024, xã Ba giảm được 110 hộ nghèo, vượt 52 hộ so với chỉ tiêu huyện giao (giảm 58 hộ). Toàn xã hiện còn 79 hộ nghèo (tỷ lệ 6,03%); trong đó 38 hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo thuộc bảo trợ xã hội (tỷ lệ 2,9%). Còn lại, 41 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo xã sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, lồng ghép các chương trình MTQG để phấn đấu giảm số lượng trong thời gian đến.

Phòng NN-PTNT huyện Đông Giang cho biết, mô hình phát kinh tế vườn được nhiều địa phương quan tâm vào cuộc như thị trấn Prao, các xã Tư, A Ting, Jơ Ngây... Đến nay, huyện đã phê duyệt 109 vườn, đạt 109% kế hoạch giao. Mô hình kinh tế vườn phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn đến kinh tế hộ gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo tại Đông Giang: Điển hình từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO