Giáo dục - Việc làm

Gieo chữ ở non cao

VĂN TÂY 06/05/2024 14:11

Hơn 5 năm qua, cô Hồ Thị Thanh Thảo - giáo viên Trường Mẫu giáo Hướng Dương (xã Trà Dơn, Nam Trà My) đã mang con chữ đến cho trẻ em vùng cao Nam Trà My, hết lòng vì sự nghiệp trồng người nơi bản làng xa xôi.

z5393284383693_4ed28c1d0dd79e3674fbd8cf8fb1a368.jpg
Cô giáo Hồ Thị Thanh Thảo gieo chữ cho trẻ em vùng cao. Ảnh: VT

Đặt chân đến Trường Mẫu giáo Hướng Dương, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi gặp cô Thảo là một gương mặt xinh đẹp, giọng nói trầm ấm và luôn ân cần với các em học sinh. Dù là thời điểm cuối tuần, nhưng vẫn có khá đông học sinh tập trung đến trường để cùng nhau vui chơi, học tập.

Với những nơi thiếu thốn về cơ sở vật chất như nóc Ông Ngọc (xã Trà Dơn, Nam Trà My), cô giáo Hồ Thị Thanh Thảo phải luôn nỗ lực và tâm huyết mới có thể truyền đạt cho các em học sinh những kiến thức vừa bằng tiếng Việt, vừa bằng tiếng Ca Dong.

Cô Thảo cho biết, mỗi năm cô phải luân chuyển công tác đến những nóc xa của huyện Nam Trà My, nhưng điều này không làm cô nhụt chí. Với tình yêu thương trẻ, cô vẫn quyết tâm bám trụ trên hành trình gieo chữ của mình ở vùng cao.

“Đi dạy ở những nơi xa xôi, nơi mà cơ sở vật chất không đầy đủ đôi lúc tôi cũng cảm thấy chạnh lòng. Nhưng với tình yêu thương trẻ, tôi quyết tâm mang đến cho các em con chữ, những kiến thức mới lạ. Để gắn bó với công việc này, chỉ có tình yêu thương mới giúp tôi bền bỉ vượt qua khó khăn, việc truyền tải kiến thức đến các em dễ dàng hơn” - cô Thảo tâm sự.

Trường Mẫu giáo Hướng Dương hiện tại có 16 học sinh, tuy nhiên có hôm lại lên đến 20 học sinh. Giải thích cho điều này, cô Thảo cười bảo: “Đa số các em học sinh đều dẫn em của mình đến trường vì ba mẹ lên nương làm rẫy. Nhưng khi đến đây thấy được sự vui tươi của lớp học, các em lại càng muốn đến để gặp gỡ bạn bè và có được nhiều kiến thức bổ ích”.

Sinh năm 1992, ngay từ nhỏ cô Thảo đã nhận thấy quê hương mình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhiều em học sinh phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Từ đó, cô Thảo đã mong ước được đứng trên bục giảng, gắn bó nghiệp gieo chữ ở vùng cao, giúp các em trang bị kiến thức cho tương lai.

Nhiều em học sinh đến đây vì sự vui tươi thú vị của lớp học. Ảnh: VT
Nhiều em học sinh đến đây vì sự vui tươi thú vị của lớp học. Ảnh: VT

Mỗi ngày cô phải di chuyển một quãng đường dài, băng qua những cung đường đầy hiểm trở mới có thể đến được điểm trường. Mùa nắng nóng đi lại đã khó, mùa mưa bão càng gian nan, đường trơn trợt, khúc khuỷu.

Thế nhưng, những khó khăn đó vẫn không làm chùn bước chân của cô giáo trẻ. Bởi hơn ai hết, cô thấu hiểu được sự mong chờ của học trò nơi bản làng xa xôi. Với cô Thảo, mang lại con chữ cho các em học sinh là niềm hạnh phúc to lớn trong cuộc đời đi dạy của mình.

Ông Hồ Văn Sơn có con đi học tại Trường Mẫu giáo Hướng Dương, chia sẻ: “Điểm trường tại xã Trà Dơn rất xa xôi, đường sá thì khó khăn nhưng cô Thảo luôn gắn bó với các cháu học sinh, điều này khiến người dân chúng tôi rất quý mến. Đặc biệt cô luôn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các cháu có được những phần quà ý nghĩa, giúp các cháu có động lực, niềm vui để đến trường”.

Vừa qua, nhận thấy tại Trường Mẫu giáo Hướng Dương và người dân xung quanh không đủ nguồn nước sinh hoạt và không có đèn chiếu sáng, cô Thảo đã kết nối với các nhà hảo tâm và được hỗ trợ 1km điện chiếu sáng và nước sạch dẫn từ nguồn về đến bản làng.

Tấm gương của cô giáo Hồ Thị Thanh Thảo về lòng nhiệt huyết, năng động là động lực cho rất nhiều học sinh tại vùng cao noi theo. Đồng thời, cô Thảo còn lan tỏa cảm hứng học tập cho học sinh, giải quyết những vướng mắc để giúp học sinh vùng cao có được môi trường học tập tốt hơn.

Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gieo chữ ở non cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO