Gìn giữ hồn xưa của phố

NGUYỄN ĐIỆN NAM 29/10/2023 11:47

Giữa lòng phố thị Tam Kỳ có nhiều di tích, di sản ký ức cần gìn giữ cho mai sau. Như chỉ cần mấy bước qua sông Bàn Thạch, rồi đến núi Cấm, đi dọc làng Quảng Phú, Ngọc Mỹ xưa… là thấy bóng tiền nhân thấp thoáng nhắc gợi những trang sử hào hùng hay huyết lệ thư tịch, ghi dấu hồn cốt vùng đất con người.

Trên vùng đông Tam Kỳ từng có những tên đất, tên làng gắn với sử sách, trong đó làng Quảng Phú nổi danh là vùng đất hiếu học, có nhiều người tài giỏi.

Hiện trạng xuống cấp của Khu lăng mộ sĩ phu yêu nước Tam Kỳ. ảnh: P.V
Hiện trạng xuống cấp của Khu lăng mộ sĩ phu yêu nước Tam Kỳ. ảnh: P.V

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Lê Đình Cương, trên văn bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” có ghi 9 Nho sĩ làng Quảng Phú, gồm: Doãn Văn Đổ, đỗ Sinh đồ năm 1813, là người đầu tiên đỗ Tú tài ở làng Quảng Phú và cả huyện Lễ Dương; Doãn Văn Xuân đỗ Hương cống năm 1819, là người đầu tiên đỗ Cử nhân của cả huyện Lễ Dương;

Trương Văn Tuyển đỗ Tú tài năm 1831; Nguyễn Văn Hưng (sau đổi tên là Xán) đỗ Tú tài năm 1842, đỗ Cử nhân năm 1848; Trương Văn Tố đỗ Tú tài năm 1842; Trương Công Liêm đỗ Tú tài năm 1846; Trương Phổ đỗ Tú tài năm 1867; Nguyễn Văn Đạt đỗ Tú tài năm 1870; Nguyễn Nhượng đỗ Tú tài năm 1873.

Cách không xa làng Quảng Phú là Ngọc Mỹ, có thể xem là mảnh đất giàu truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm. Nơi đây tọa lạc “Khu lăng mộ sĩ phu yêu nước”, hiện diện danh tính 5 nhân vật mà lịch sử Tam Kỳ không thể nào quên là các sĩ phu: Trần Thu, Nguyễn Thược, Lương Đình Thực, Trịnh Uyên, Trần Can.

Đó là những người từng tham gia phong trào chống sưu thuế 1908 và tiếp đến là cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội hồi 1916. Và cũng không xa khu lăng mộ sĩ phu yêu nước còn có di tích làng kháng chiến và địa đạo Ngọc Mỹ, từng vang danh thời chống Mỹ cứu nước.

Củng cố hồ sơ và khoanh vùng bảo vệ

Dù đã có nhiều tài liệu để tham chiếu lập hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có mộ danh nhân, chí sĩ yêu nước, tuy nhiên đòi hỏi căn cơ và có ý nghĩa lâu dài là xây dựng bộ dữ liệu từ tổng quan đến chi tiết về các di sản ký ức.

Thời gian qua, Tam Kỳ cũng đã xúc tiến công tác này, theo phương cách “cuốn chiếu”, làm dần từng bước. Hồ sơ di tích được thiết lập trên cơ sở các công trình nghiên cứu khoa học, các hội thảo, các sách báo tư liệu tập hợp từ nhiều nguồn. Chẳng hạn với di tích “Khu lăng mộ sĩ phu yêu nước Tam Kỳ” hay với mộ Cử nhân Doãn Văn Xuân đã được lập hồ sơ di tích, đề xuất tỉnh xếp hạng di tích và khoanh vùng bảo vệ.

Từ bộ hồ sơ “Khu lăng mộ sĩ phu yêu nước Tam Kỳ”, có thể phác thảo về giá trị di sản của 5 nhân vật lịch sử, góp công lao to lớn trong phong trào yêu nước chống ách thống trị của thực dân Pháp hồi đầu thế kỷ 20.

Đó là những sĩ phu có khí tiết lẫm liệt, tham gia tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình kháng thuế cự sưu năm 1908, các cuộc đấu tranh của Việt Nam Quang phục hội ủng hộ cụ Phan Bội Châu, rồi tiếp đến khởi nghĩa Duy Tân.

Các chí sĩ Trần Thu (1870), Nguyễn Thược (1871), Lương Đình Thực (1871), Trịnh Uyên (1875), Trần Can (1878), đã vị nước vong thân, bị thực dân Pháp và tay sai Nam Triều bắt cầm tù tra tấn cho đến chết. Nhà tù Lao Bảo còn in dấu những trang sử máu, lưu lại tinh thần bất khuất, hy sinh vì đại nghĩa của các sĩ phu xứ Quảng nói chung, Tam Kỳ nói riêng.

Hay nói đến di tích mộ cụ Doãn Văn Xuân, không thể nào quên được dấu ấn tự hào về đất học. Trở lại hồ sơ khoa cử của làng Quảng Phú, nên nhớ Lễ Dương xưa bao gồm cả đất Thăng Bình và Tam Kỳ ngày nay, vậy mà làng này có đến 9 người được vinh danh trên bia, trong đó có 2 người “đầu tiên” khai khoa của huyện với học vị Tú tài (Doãn Văn Đổ) và Cử nhân (Doãn Văn Xuân).

Theo hồ sơ về cụ Doãn Văn Xuân, hành trạng cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử đáng kính hiện rõ không chỉ ở giá trị của việc hiếu học, học giỏi, là người “đầu tiên” đỗ Hương cống (tương tự Cử nhân) của vùng đất Lễ Dương - Hà Đông -Tam Kỳ, mà đó còn là người từng làm thầy dạy các hoàng tử con vua Minh Mạng, sau làm Lang trung bộ Lễ, rồi Án sát sứ Quảng Yên…

Không mấy người như cụ Doãn Văn Xuân, được Quốc Sử quán triều Nguyễn dành những lời tốt đẹp cho vị quan cả đời sống cẩn trọng, hiền lương, hết mình vì việc nước, rằng: “Xuân vi nhân thuần cẩn, dữ vật vô cạnh, nhân phục kỳ lượng…”. (Nhà nghiên cứu Lê Đình Cương dịch nghĩa: “Doãn Văn Xuân sống cẩn trọng, hiền lương; không hề biết bon chen cạnh tranh; tấm lòng và tư cách của ông được mọi người mến phục”).

Tôn tạo và xiển dương giá trị di tích

Mới đây, khi dẫn chúng tôi cùng lãnh đạo các ngành liên quan khảo sát hiện trạng một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Tam Kỳ, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, chủ trương của địa phương là luôn cố gắng giữ gìn những di sản ký ức trong hành trình chỉnh trang, mở rộng đô thị. Điều đó hẳn nhiên nhận được sự đồng tình của đông đảo lãnh đạo và nhân dân, bởi hồn cốt của phố có bền sâu gốc rễ văn hóa mới có thể vươn xa, vươn cao.

Quang cảnh um tùm xung quanh mộ danh nhân Doãn Văn Xuân.
Quang cảnh um tùm xung quanh mộ danh nhân Doãn Văn Xuân.

Tại khu mộ của danh nhân Doãn Văn Xuân, nhờ sự góp công của gia tộc nên bước đầu đã trùng tu, nâng cấp di tích từ mộ đất lên mộ xây. Tuy nhiên khu vực di tích này, thuộc phường An Phú, vẫn ùm tùm nhiều cây dại, chưa có đường sá phong quang để vào mà phải leo trèo băng cắt vườn hoang.

Nhìn cảnh ấy, ai cũng chạnh lòng. Theo ông Nguyễn Minh Nam, khi hồ sơ di tích được cấp tỉnh công nhận, xếp hạng, thành phố sẽ thực hiện ngay việc lập dự án bảo tồn tôn tạo lăng mộ danh nhân Doãn Văn Xuân. Như vậy, nếu trùng tu tôn tạo được ngôi mộ danh nhân này, nơi đây sẽ thành một trong những di tích có giá trị biểu trưng của đất học Tam Kỳ.

Khác với di tích mộ danh nhân Doãn Văn Xuân, “Khu lăng mộ sĩ phu yêu nước Tam Kỳ” đã sớm được thành phố quy hoạch thành một khuôn viên rộng 2.500m2, tọa lạc ở thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, cách trung tâm thành phố 7km.

Nơi đây đã có tam quan, hàng rào bảo vệ, cùng các ngôi mộ sĩ phu được quy tập xây dựng. Muốn tham quan khu di tích này có thể chạy ô tô tới nơi. Tuy vậy, để nơi đây thực sự trở thành một địa điểm giáo dục truyền thống, phát huy các giá trị di tích, thành phố Tam Kỳ dự kiến đề xuất tỉnh cho chủ trương lập dự án khắc phục tình trạng di tích đang xuống cấp nặng, bằng cách trùng tu nâng cấp toàn bộ khu lăng mộ, có mẫu hình như một công viên danh nhân.

Nếu thực hiện ý tưởng đó, hẳn sẽ cần đầu tư nâng cấp lăng mộ các sĩ phu, cùng cảnh quan, minh bia giới thiệu hành trạng nhân vật lịch sử, phối cảnh kiến trúc, bảng biển chỉ dẫn, các công trình phụ trợ…

Bao giờ thì các công việc trùng tu tôn tạo cho các di tích kể trên được triển khai? “Không lâu nữa đâu, dự kiến sẽ triển khai từ quý II/2024” - ông Nguyễn Minh Nam cho hay. Mong lắm thay, với ý tưởng làm đẹp cho phố bằng các công trình văn hóa, tri ân tiền nhân và giữ được hồn xưa đẹp đẽ trong lòng những mới mẻ đô thị đang lên!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gìn giữ hồn xưa của phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO