Giảm nghèo - An sinh

Giúp hộ nghèo biết cách làm ăn

LÊ DIỄM 16/07/2024 08:30

Bằng những cách làm thiết thực, xã Trà Don (Nam Trà My) đã hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, làm ăn hiệu quả và thoát nghèo bền vững.

ANH 3
Gia đình anh Nguyễn Hồng Thuấn đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Thiết thực hỗ trợ

Tại nóc Tắk Chanh (thôn 2, xã Trà Don), gia đình anh Nguyễn Hồng Thuấn là một trong số 117 hộ nghèo đã thoát nghèo trong năm 2023. Có được kết quả này là cả quá trình nỗ lực của gia đình anh Thuấn cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo đang được triển khai tại huyện Nam Trà My.

“Trước đây tôi luôn mong muốn thoát nghèo nhưng chưa biết cách triển khai sao cho hiệu quả. Từ các chính sách hỗ trợ, cộng với sự vào cuộc theo kiểu “cầm tay chỉ việc” của các hội, đoàn thể và chính quyền xã Trà Don khi trang bị kiến thức, chọn cây trồng, con vật nuôi phù hợp, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo” - anh Thuấn chia sẻ.

Sau khi đăng ký, anh Thuấn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, anh được xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi heo bản địa, trồng dược liệu và được xét hỗ trợ 1.000 cây quế giống. Để tác động tổng lực hỗ trợ hộ anh Thuấn thoát nghèo bền vững, xã Trà Don đã xét hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới.

Hiện nay, vườn quế của gia đình anh Thuấn đã phát triển lên hơn 2.000 gốc trồng trên diện tích 3ha. Ngoài ra, được chỉ cách lấy ngắn nuôi dài, 1ha đất quanh vườn đã được anh trồng sắn, mang về thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/vụ. Quanh vườn, anh Thuấn còn thả gà, vịt để cải thiện thu nhập.

Phát huy mọi nguồn lực

Nhận thấy việc hỗ trợ cho từng hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất hiệu quả mang lại không cao, thời gian qua, xã Trà Don đã yêu cầu các hội, đoàn thể phải trợ sức cho người dân, mạnh dạn đưa ra nhiều cách làm hay, sáng tạo.

ANH THUNG
Anh Nguyễn Hồng Thuấn chăm sóc những cây quế mới được trồng. Ảnh: D.L

Các hội đoàn thể địa phương xây dựng, hình thành nên các nhóm tổ cộng đồng phát triển chăn nuôi tập trung. Có thể nhắc đến mô hình chăn nuôi heo đen bản địa tập trung của tổ cộng đồng phụ nữ nóc Làng Lê được Hội LHPN xã Trà Don xây dựng và quản lý.

Mô hình này có 16 hộ tham gia, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thôn 2. Tham gia các mô hình chăn nuôi tập trung, các hộ gia đình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại khoa học, cách xa nơi ở.

Bà Trần Thị Cúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Don cho hay: “Với phương pháp đầu tư chăn nuôi nhóm tổ cộng đồng, hàng tuần các hộ tự phân công lịch, luân phiên nhau chăm sóc đàn vật nuôi, nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm.

Cách làm này giúp mỗi hộ gia đình vừa có thể nuôi heo đen bản địa, vừa có thời gian đi làm thêm các việc khác để cải thiện, gia tăng thu nhập trong thời gian chăn nuôi.

Tính cộng đồng, tương thân tương ái của người vùng cao được phát huy tối đa, hỗ trợ nhau trong sản xuất và trong cuộc sống. Nhờ đó, dù mới hình thành từ đầu năm 2024, đến nay, đàn heo bản địa của mô hình này đã phát triển lên 95 con. Hội LHPN xã sẽ kết nối đầu ra cho sản phẩm heo đen bản địa của bà con thông qua sự hỗ trợ của các ngành ở huyện Nam Trà My”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, thời gian qua, xã Trà Don đã đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng.

chan-nuoi-heo-den.jpg
Mô hình chăn nuôi heo đen theo nhóm hộ ở Trà Don do Hội LHPN xã xây dựng và quản lý. Ảnh: D.L

Năm 2023, xã Trà Don đã giảm được 117 hộ nghèo và cận nghèo (vượt chỉ tiêu UBND huyện giao 285%). Theo ông Đinh Văn Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, xã thường xuyên tổ chức các cuộc họp thôn, nóc để vận động các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo, làm cho người dân hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các chính sách giảm nghèo bền vững cùng với các chính sách khác đang được triển khai tại xã được lồng ghép, hạ tầng được đầu tư kèm với sinh kế người dân được quan tâm. Từ đó tác động đa chiều đến quá trình giảm nghèo của hộ nghèo, cận nghèo ở Trà Don.

Ông Vượng cho biết: “Mỗi năm xã đều lọc danh sách, xem xét hộ nghèo nào có lao động thì vận động đăng ký thoát nghèo để có cách thức hỗ trợ phù hợp thực tế. Các trường hợp không đăng ký thì kiên quyết không đưa vào danh sách hỗ trợ từ bất kỳ chương trình, dự án nào đang triển khai trên địa bàn xã.

Đảng ủy, UBND xã giao nhiệm vụ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cho từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã. Từng bước đưa kết quả giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trở thành tiêu chí chấm điểm thi đua hàng năm.

Khi hộ được giúp đỡ thì thường xuyên giám sát, hỗ trợ, có gì khó khăn vướng mắc phải báo ngay về xã để cùng tìm cách tháo gỡ. Cách làm bám sát, đúng hộ nghèo cần được tác động để giảm nghèo, đúng theo nhu cầu của người dân sẽ có hiệu quả trong thực tế”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp hộ nghèo biết cách làm ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO