Vì các lý do khác nhau, Quảng Nam còn hàng trăm tàu cá “2 không”, tức là không đăng ký, không có giấy phép khai thác hải sản. Một chính sách vừa được ban hành đã tạo hướng mở để các tàu cá này hoạt động, đảm bảo sinh kế cho ngư dân.
Nhiều nguyên nhân
Nhằm ngăn ngừa phát triển nghề lưới kéo tận diệt nguồn lợi hải sản nên Quảng Nam không cấp thêm giấy phép khai thác hải sản cho các tàu cá “2 không”.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng ngư dân mua lại các tàu giã cào ở tỉnh khác về để đánh bắt hải sản, dù không được cấp giấy phép. Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã nhiều lần xử phạt các tàu lưới kéo không phép nhưng chế tài chưa đủ sức răn đe nên thực trạng này tồn tại dai dẳng.
Theo Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017, kể từ ngày 25/4/2019, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đóng mới hoặc cải hoán tàu cá phải có văn bản chấp thuận của Sở NN&PTNT. Thế nhưng, không ít ngư dân trên địa bàn tỉnh “không biết” quy định này, nên khi đóng xong tàu cá và đi làm thủ tục thì không được ngành chức năng cấp phép khai thác hải sản.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, căn cứ vào các hạn ngạch tàu cá Bộ NN&PTNT phân bổ cho tỉnh, ngành thủy sản rà soát, khi còn hạn ngạch mới tham mưu Sở NN&PTNT chấp thuận cho ngư dân đóng tàu cá. Do ngư dân không thực hiện đúng quy trình nên không thể cấp giấy phép khai thác thác hải sản.
Ông Lê Văn Hiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, trên địa bàn có 743 phương tiện đánh bắt hải sản có chiều dài 6-12m. Ngành thủy sản huyện đã cấp giấy phép khai thác hải sản cho 293 tàu, còn lại 450 tàu cá đang trong cảnh “2 không”.
Ông Hiệp nói: “Ngành thủy sản huyện vừa phối hợp với các xã có nghề cá thông báo cho chủ tàu phải đến UBND xã xác nhận sở hữu tàu cá, từng bước đăng ký và thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác hải sản. Ngư dân không xác nhận sẽ không có tên trong hệ thống quản lý tàu cá và sẽ bị xử phạt nặng nếu bị phát hiện đưa tàu cá không phép đi đánh bắt hải sản”.
Mở hướng xóa “2 không”
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói, tàu cá “2 không” là nỗi ám ảnh của ngành thủy sản trong thực hiện định hướng chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển ngành thủy sản bền vững của tỉnh.
Tàu cá “2 không” cũng là một trong những trở ngại lớn trong khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU. Ngày 6/5, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23, ngày 15/11/2018 quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
Thông tư số 06 với các quy định mới đã mở hướng để ngư dân đang sở hữu tàu cá “2 không” nếu làm đầy đủ giấy tờ theo quy định có thể đăng ký mới và được cấp giấy phép khai thác hải sản hợp pháp.
Ngành chức năng của tỉnh đang khảo sát để thống kê cụ thể số tàu cá không đăng ký, không có giấy phép khai thác hải sản ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký.
Theo đó, trong hồ sơ đăng ký tàu cá, tờ khai đăng ký phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú; bản sao chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá; bản chính Thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu và ảnh màu (9cm x 12cm) chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu.
“Yêu cầu phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, khắc phục tình trạng bỏ tàu hoặc chủ tàu bỏ trốn không thể tìm ra khi có vi phạm” - ông Long nói.
Qua Thông tư số 06, Bộ NN&PTNT yêu cầu rà soát, tổng hợp, trình UBND tỉnh công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương danh sách tàu cá đã được đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng, cho trước đây.
Mục đích là kêu gọi sự chung tay của nhiều thành phần trong xã hội giúp phát hiện, ngăn chặn những tàu “2 không” tiếp tục hoạt động trái phép.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các huyện, xã có nghề cá triển khai nhanh Thông tư số 06 để giải quyết quyền lợi và trách nhiệm cho các chủ tàu cá “2 không”. Theo kế hoạch, sẽ giải quyết xong tàu cá “2 không” vào tháng 9 tới, trước khi EC sang nước ta kiểm tra các khuyến cáo chống khai thác IUU về gỡ “thẻ vàng” thủy sản” - ông Long cho hay.