Quảng Nam kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU) để giải quyết các bất cập, cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Nhiều hạn chế
Toàn tỉnh hiện nay còn 12 tàu cá không đăng ký, cấp phép, đăng kiểm (tàu cá “3 không”). Trong đó, huyện Núi Thành còn 8 tàu cá, huyện Duy Xuyên còn 3 và TP.Hội An còn 1 tàu.
Nguyên nhân không thể giải quyết tàu cá “3 không” ở thời điểm này là do không thể lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chứng thư giám định máy và chất lượng tàu cá không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Các cơ sở đăng kiểm không thể cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá dẫn đến không thể cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bốc dỡ hải sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo. Phía bắc của tỉnh hiện chưa có cảng cá chỉ định. Do đó, giám sát sản lượng hải sản qua cảng cá trên địa bàn Quảng Nam đạt thấp.
Sản lượng hải sản ngư dân Quảng Nam khai thác được trong năm 2024 đạt hơn 91 nghìn tấn nhưng giám sát qua cảng cá Tam Quang (cảng cá chỉ định duy nhất của tỉnh) đạt hơn 21 nghìn tấn.
Một hạn chế khác là giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá liên tục bị ngắt kết nối trong thời gian qua dẫn đến nhiều trường hợp ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển tranh chấp, vùng biển nước bạn.
Cuối năm 2024, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đinh Văn Tân là chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng tàu cá QNa-91676 với số tiền 135 triệu đồng về hành vi này.
Hiện nay, nhóm tàu chụp mực và câu mực khơi có nguy cơ cao bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Đây là khó khăn lớn nhất của nghề cá Quảng Nam trong đồng hành cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Vi phạm IUU nghiêm trọng khác của ngư dân trên địa bàn tỉnh là nhiều tàu làm nghề lưới chụp, lưới vây, nghề câu… không mở máy GSHT để khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng lộng, vùng bờ.
Xử lý nghiêm sai phạm
Dự kiến trong tháng 3 tới, Ủy ban châu Âu sẽ sang nước ta để kiểm tra thực hiện các khuyến cáo về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ NN&PTNT về khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ lực lượng biên phòng tỉnh bố trí đủ nhân lực ở các đồn, trạm biên phòng thực hiện cao điểm kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng; kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập cảng đi khai thác hải sản.
Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm 100% vi phạm IUU; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện sớm, khẩn trương ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm IUU.
Ngành biên phòng cùng với Công an tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đưa tàu cá và ngư dân Quảng Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Công an tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cá gửi, nhận thiết bị GSHT tàu cá.
Các địa phương ven biển được giao quản lý chặt, không để các tàu cá “3 không”, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt GSHT đi biển. Các địa phương phối hợp với Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền vận động ngư dân khai thác hải sản đúng quy định; phối hợp với ngành thủy sản cập nhật số liệu vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhiệm vụ trọng tâm ngành chức năng đang triển khai là xử lý triệt để 100% tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối GSHT và tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển không thuộc nước ta.
Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ ngành thủy sản kiểm tra chặt chẽ nhật ký khai thác hải sản của ngư dân, không chấp nhận các trường hợp hồi ký; nghiêm túc xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác trên hệ thống điện tử (eCDT), đảm bảo minh bạch, hợp pháp phục vụ chế biến hải sản xuất khẩu. “Lâu nay các địa phương ven biển lơ là giám sát sản lượng hải sản khai thác thì nay phải chú trọng thực hiện ở các bến cá tư nhân, vùng bãi ngang” - ông Vũ nói.
Trong năm 2024, Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt hành chính 128 vụ vi phạm IUU với tổng số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng. Các hành vi sai phạm của ngư dân gồm ngắt kết nối GSHT tàu cá; sai phạm quy định về vùng khai thác hải sản; sai phạm quy định về giấy phép khai thác hải sản; về nhật ký, báo cáo khai thác hải sản, quy định về nghề, ngư cụ…