Thủy sản

Gấp rút khắc phục hạn chế, Quảng Nam chung tay gỡ "thẻ vàng" thủy sản

NGUYỄN QUANG 29/10/2024 09:43

Dự kiến đầu tháng 11 tới, đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến nước ta kiểm tra chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Nghề cá Quảng Nam gấp rút khắc phục bất cập, kỳ vọng cùng cả nước vượt qua đợt sát hạch cuối cùng để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

the vang
Quảng Nam đang khắc phục các bất cập để cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" thủy sản. Ảnh: Q.VIỆT

Lo với tàu cá chưa cấp phép

Mặc dù UBND tỉnh đã 3 lần công bố danh sách tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, cấp phép (tàu cá “3 không”) để giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn còn phát sinh.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành thủy sản đang tổng hợp bổ sung lần thứ 4 từ các địa phương với khoảng 83 tàu cá “3 không” để trình Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh công bố lần cuối, qua đó quyết tâm xóa sổ tàu cá “3 không”.

Tính đến ngày 25/10, Quảng Nam còn 71 tàu cá “3 không” chưa giải quyết; trong đó nhóm tàu thứ nhất (có chiều dài từ 6m đến dưới 12m) là 50 chiếc, nhóm tàu thứ 2 (có chiều dài từ 12m đến dưới 15m) là 21 chiếc.

Ông Long cho biết, đối với nhóm tàu thứ nhất, các huyện, thị xã, thành phố sẽ giải quyết xong vào cuối tháng 10, trước thời điểm đoàn công tác của EC sang Việt Nam. Cái khó là giải quyết nhóm tàu thứ 2.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã cử công chức trực tiếp xuống các địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn ngư dân giải quyết tàu cá “3 không”. Ngành thủy sản đã liên hệ các cơ sở đăng kiểm để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân thực hiện hồ sơ thiết kế, kiểm định máy thủy...

Hiện nay, các chủ tàu cá đang chờ thiết kế nên chưa thực hiện xong đăng kiểm, cấp đăng ký, giấy phép. Việc này kỳ vọng sẽ giải quyết xong vào đầu tháng 11. “Khi giải quyết xong 154 tàu cá “3 không”, Quảng Nam sẽ hoàn tất cập nhật tàu cá hợp pháp vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia” - ông Long nói.

the vang 2
Ngư dân nghề câu mực khơi cập cảng cá Tam Quang bán hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

Toàn tỉnh, số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định Luật Thủy sản là 2.414 giấy phép/2.830 tàu cá (tỷ lệ 85,3%). Trong đó, cấp phép cho tàu cá vùng khơi 591 giấy phép/618 tàu cá (95,63%); vùng lộng 280 giấy phép/419 tàu cá (66,83%); vùng bờ 1.543 giấy phép/1.793 tàu cá (86,06%).

Nguyên nhân tàu cá chưa được cấp phép là tàu cá đã thực hiện mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ; chủ tàu đã tự ý thay máy, cải hoán tàu nên không đủ điều kiện đăng kiểm. Tàu cá đã bị hỏng không thể hoạt động, chìm, xả bản nhưng chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký theo đúng quy định.

Đáng lo ngại là nhiều chủ tàu cá hoạt động ở các bãi ngang, khi đi khai thác hải sản đã không qua trạm kiểm soát của biên phòng, không chủ động thực hiện thủ tục cấp phép.

Còn một số chủ tàu cá chưa kích hoạt lại hệ thống giám sát hành trình (GSHT), hết hạn đăng kiểm nên chưa thực hiện các thủ tục để cấp lại giấy phép theo quy định.

Giải quyết các hạn chế

Mới đây, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá QNa-91676TS với số tiền 135 triệu đồng về hành vi vượt qua vùng được phép khai thác hải sản trên biển.

the vang 3
Hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu bốc dỡ hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

Nguy cơ tàu cá Quảng Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ rất cao. Từ đầu năm đến nay, các tàu câu mực khơi của ngư dân các xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành), Bình Minh (Thăng Bình) liên tục mất tín hiệu GSHT khi đánh bắt hải sản ở vùng biển giáp ranh với các nước bạn.

Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức các buổi làm việc, thông báo tình hình, phổ biến các quy định pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm và yêu cầu chủ tàu cá khẩn trương mở lại máy GSHT và trở về vùng biển Việt Nam khai thác hải sản.

Hiện nay, sản lượng hải sản ngư dân khai thác được giám sát qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh (đạt 26,56%). Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo (phía bắc của tỉnh hiện chưa có cảng cá chỉ định).

Sản lượng hải sản bốc dỡ qua các bến cá Thanh Hà, Cù Lao Chàm (Hội An), An Lương (Duy Xuyên), Tam Tiến (Núi Thành), Tân An (Thăng Bình) chưa được kiểm soát. Sở NN&PTNT có công văn yêu cầu các địa phương có nghề cá thống kê sản lượng hải sản bốc dỡ ở các bến cá tư nhân, truyền thống từ tháng 4 đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Đại tá Phan Văn Thí - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá ở các trạm biên phòng tuyến biển; tuyệt đối không cho tàu cá vượt trạm đi biển, không cho xuất bến đối với tàu cá không đảm bảo quy định.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU của ngư dân; phối hợp với Công an tỉnh nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, các tổ chức, cá nhân đưa tàu cá và ngư dân Quảng Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ Sở NN&PTNT xử lý nghiêm tàu cá vô hiệu hóa GSHT khi khai thác hải sản trên biển và vượt ranh giới sang vùng biển nước bạn.

Các địa phương có nghề cá triển khai ngay giám sát sản lượng khai thác hải sản ở bến cá tư nhân, truyền thống; nắm bắt vị trí neo đậu của các tàu cá để kiểm tra tình trạng tắt GSHT.

Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử lý 150 vụ ngư dân khai thác IUU, xử lý vi phạm hành chính 107 vụ, xử phạt, nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng. Các lỗi chủ yếu của ngư dân là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị GSHT tàu cá (62/107 vụ).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gấp rút khắc phục hạn chế, Quảng Nam chung tay gỡ "thẻ vàng" thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO