Quản lý chặt tàu cá khi xuất, cập cảng; kiểm soát hoạt động của tàu cá khi đang khai thác hải sản trên biển là các giải pháp căn cơ để Quảng Nam cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Quản lý chặt ở cảng cá
Ngày 2/5, tàu cá QNa-90343 hành nghề hậu cần trên biển của ngư dân Đỗ Hữu Hương (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản.
Ông Hương cho biết, tàu cá xuất cảng ngày 28/4, hướng thẳng ra vùng biển Hoàng Sa. Ông Hương đã bán dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống, gas cho ngư dân đang đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa rồi thu mua hơn 4 tấn cá nục để về bờ bán lại cho tư thương.
Theo ông Hương, đang vụ cá chính, ngư dân đánh bắt hải sản rất năng động, cần cù. Cá nục nổi rất nhiều nên các tàu lưới vây thu được sản lượng khá. Với chuyến biển 4 ngày, tôi có nguồn thu khá nhờ giá cá bán được và lãi từ cung ứng các nhu yếu phẩm để ngư dân bám biển.
Trước khi cập cảng cá Tam Quang, ngư dân Đỗ Hữu Hương đã thông báo trước 1 giờ để Trung tâm Khuyến nông & quản lý cảng cá (Sở Nông nghiệp và Môi trường) biết.
Ông Hương cho biết, đó là quy định bắt buộc, ngư dân phải tuân thủ. Theo ông Hương, ở chuyến thực hiện hậu cần nghề cá vừa qua, ông đều ghi nhật ký thu mua hải sản. Ở mỗi lần thu mua hải sản của ngư dân trên biển, ông đều ghi rõ, cụ thể thời điểm mua, vị trí tàu, sản lượng hải sản mỗi lần mua..., để khi cập cảng cung cấp cho ngành chức năng.
“Khi làm thủ tục xuất cảng đi biển, tôi xuất trình đầy đủ giấy tờ để làm hồ sơ chuyến biển, gồm giấy đăng ký khai thác hải sản; giấy phép khai thác hải sản; giấy đăng kiểm tàu cá; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; bằng thuyền trưởng hạng 4; máy trưởng tàu cá; danh sách các thuyền viên đi biển. Trong suốt thời gian thực hiện chuyến biển, máy giám sát hành trình tàu cá của tôi đều được kết nối để ngành chức năng nắm được tọa độ tàu cá, dễ theo dõi, quản lý” - ông Hương nói.
Ông Bùi Mai - cán bộ Phòng điều độ cảng cá (Trung tâm Khuyến nông & quản lý cảng cá) cho biết, suốt trong những ngày nghỉ lễ, ngư dân Quảng Nam dù khai thác hải sản hay thực hiện hậu cần nghề cá trên biển đều miệt mài đi biển.
Nhờ tuyên truyền vận động hiệu quả thời gian qua nên ngư dân tuân thủ đúng các quy định của nghề cá khi xuất cảng, cập cảng, đánh bắt hải sản, thu mua hải sản trên biển.
Qua thực hiện kiểm tra, khớp nối các nội dung của nhật ký khai thác, thu mua với dữ liệu tại phần mềm giám sát hành trình tàu cá, quản lý tàu cá, các số liệu về sản lượng hải sản, nghề khai thác, thời gian khai thác, thu mua, thành phần loài, ngư cụ đánh bắt hải sản đều bảo đảm chất lượng, tin cậy.
Giám sát, kiểm soát chặt tàu cá
Ngành thủy sản Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đã bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” thủy sản từ năm 2017. Đến nay, đoàn công tác của EC đã 4 lần kiểm tra thực hiện các khuyến cáo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU) nhưng ngành thủy sản nước ta vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Dự kiến, sắp tới đây, đoàn công tác EC sẽ lần thứ 5 sang nước ta kiểm tra các khuyến cáo về IUU để gỡ “thẻ vàng” hay nâng mức phạt lên thành “thẻ đỏ” thủy sản. Vì thế, chống IUU, thực hiện nghiêm các quy định về khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm đặt ra cấp thiết trên phạm vi cả nước cũng như Quảng Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đánh giá, công tác chống IUU của cả nước đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy vậy, nghề cá cả nước còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Ông Phùng Đức Tiến giao nhiệm vụ các địa phương có nghề cá khẩn trương triển khai đợt cao điểm quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý các sai phạm của tàu cá ngư dân, nhất là áp dụng Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để ngăn chặn ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các tỉnh, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ chống IUU được giao, đặc biệt là tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác hải sản trái phép của ngư dân, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “thẻ vàng” của cả nước.
Thượng tá Đỗ Xuân Trinh - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như thủy sản, cảnh sát biển, công an, kiểm ngư tăng tần suất kiểm soát tàu cá trên biển, nhất là các vùng bãi ngang bởi nơi đây không có trạm kiểm soát biên phòng, ngư dân không tuân thủ các quy định nghề cá.
“Các lực lượng sẽ xử phạt mạnh các hành vi ngư dân đưa tàu cá 3 không (không đăng ký, cấp phép, đăng kiểm) đi đánh bắt hải sản; ngắt kết nối giám sát hành trình khi đang sản xuất và đưa tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ vào khai thác hải sản ở tuyến lộng và ven bờ” - ông Trinh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ Sở Nông nghiệp và Môi trường cử cán bộ trực 24/7, theo dõi sát tín hiệu của các tàu cá khi hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình, kịp thời cảnh báo chủ tàu cá không vượt ranh giới vùng biển khai thác.
Hằng ngày, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, cập nhật dữ liệu lên hệ thống giám sát tàu cá, vận động ngư dân tuân thủ quy định, xử phạt mạnh để răn đe nếu ngư dân cố tình sai phạm. Các địa phương có nghề cá kiểm soát chặt các tàu cá không đủ điều kiện đi biển, cập nhật vị trí, hình ảnh tàu cá về ngành thủy sản tỉnh, kiên quyết không để các tàu cá này đi biển khai thác hải sản.