Dự kiến tháng 9 tới, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang nước ta kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU, Quảng Nam cần khẩn trương khắc phục để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Còn nhiều nỗi lo
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định).
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về nghề cá bền vững được các sở, ngành, địa phương chú trọng thực hiện, nhận được hưởng ứng, lan tỏa từ cộng đồng ngư dân.
Quản lý, theo dõi địa bàn; điều tra, xác minh thông tin ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài được tỉnh tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã cấp 7 giấy xác nhận và chứng nhận nguyên liệu hải sản. Về xác nhận, sản lượng xác nhận là 79.606kg gồm cá ngừ sọc dưa, cá ngừ vây vàng, ngừ chù, cá dũa, cá thu nhồng.
Về chứng nhận, sản lượng chứng nhận hơn 57.429kg, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa. Đây là công đoạn quyết định truy xuất nguồn gốc hải sản để chế biến xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu.
Tuy vậy, nỗi lo khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn hiện hữu. Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Quảng Nam hiện còn 1.084 tàu cá “3 không” (không đăng ký, đăng kiểm và cấp phép), 860 tàu cá chưa được cấp phép (6 tàu cá hoạt động vùng khơi, 854 tàu cá hoạt động vùng lộng, ven bờ).
Từ đầu năm đến nay có 6 tàu cá vi phạm ranh giới không được phép khai thác hải sản. Nguyên nhân do thời tiết xấu, thúng câu mực của ngư dân câu mực khơi bị trôi tự do trên biển, thuyền trưởng cho tàu chạy theo để kịp vớt thúng lên. Một số tàu cá không có cảnh báo vượt ranh giới trên hệ thống GSHT nên thuyền trưởng không biết để xử lý.
“Chúng tôi khép hồ sơ, không xử lý 2 tàu cá vì lý do bất khả kháng. Có 2 tàu cá đang né tránh trách nhiệm, đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định. Còn 2 tàu cá khác sẽ làm việc khi họ về bờ” - ông Long nói.
Theo hệ thống GSHT tàu cá của Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay có hơn 100 tàu cá từ 15m trở lên mất kết nối hơn 6 giờ trên biển. Sau khi về bờ, tất cả tàu trên đều được xác minh và xử lý theo quy định.
Sở NN&PTNT và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 44 tàu cá vi phạm với số tiền xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Đối với 56 tàu cá không sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác để báo cáo vị trí tàu cá về trạm bờ khi mất kết nối GSHT tàu cá, ngành chức năng đang lưu hồ sơ để xử lý.
Khắc phục nhanh để gỡ “thẻ vàng”
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, còn rất nhiều trường hợp ngư dân không đáp ứng các quy định chống khai thác IUU.
Ngư dân ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác hải sản và nhật ký thu mua chuyển tải hải sản; sử dụng công cụ kích điện để khai thác hải sản; tàu cá có chiều dài 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hải sản; thuyền viên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên…
Việc giám sát sản lượng hải sản qua cảng chỉ định mới đạt 10% tổng sản lượng do cả tỉnh chỉ có một cảng cá Tam Quang (Núi Thành) được chỉ định.
Ngư dân tắt kết nối GSHT để câu mực do nguồn lợi suy giảm mạnh. Nghị định số 38 ngày 5/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính cao, khi áp dụng ngư dân khó có đủ tiền nộp phạt.
Theo ông Ngô Tấn, những việc phải làm ngay của nghề cá Quảng Nam là khẩn trương đăng ký, đăng kiểm, cấp phép tàu cá “3 không” và cập nhập 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hoàn thành trước tháng 9/2024.
Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Thủy sản, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá nhanh chóng hoàn thành hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác điện tử (eCDT). Nhiệm vụ quan trọng là xử lý nghiêm tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa GSHT tàu cá khi đánh bắt hải sản.
“Quảng Nam kiên quyết 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi cập, rời cảng đảm bảo đầy đủ giấy tờ, quy định GSHT tàu cá. Tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi bốc dỡ hải sản sau khai thác phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc” - ông Ngô Tấn nói.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh và làm việc với Quảng Nam về chống khai thác IUU.
Ông Phùng Đức Tiến nói, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 32, Chính phủ đã ra Nghị quyết 52, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo, hàng loạt công điện về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện đã đầy đủ.
Nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Quảng Nam rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an... Xử lý vi phạm hành chính cần phải thực hiện thật nghiêm và đồng loạt.
“Quảng Nam cũng như cả nước nhất định vào tháng 9 khi EC sang thanh tra lần thứ 5 phải chứng minh chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, nhất là quản lý chặt đội tàu, giám sát nghề cá bền vững, trách nhiệm” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói.