Quảng Nam đang ráo riết gỡ từng nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng để tạo động lực, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cái không khí “xắn tay vào việc” đang tạo ra dòng chuyển động mạch lạc hơn tại cơ sở.
Giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng (GPMB) không hẹn mà gặp, thường xuyên cùng nhau có mặt trong những nhiệm vụ trọng tâm với các đặc điểm chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc cần gấp rút tháo gỡ.
Có thể nói đây là cặp nguyên nhân - kết quả gắn bó rất mật thiết lâu nay trong các báo cáo dự án đầu tư. Đặc biệt ở những tháng cuối năm, khi tốc độ giải ngân lại rơi vào nguy cơ “nước đã đến chân”, thì GPMB lại trở thành nguyên nhân chủ yếu.
Năm nay, tính đến ngày 20/9, tỷ lệ giải ngân mới chỉ xấp xỉ 39% so với tổng vốn đầu tư công năm 2024; và theo khảo sát, công tác GPMB kéo dài vẫn là lý do chính của việc chậm tiến độ.
Trong khi đó, các nguồn vốn đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia chưa thể trôi chảy tại các địa phương với nhiều nguyên nhân nảy sinh, cũng trở thành gói công việc rối rắm cần được giải quyết rốt ráo tại cơ sở.
Tốc độ phát triển của tỉnh sẽ có nguy cơ chậm lại nếu không kịp thời triển khai, hoàn thành các dự án đầu tư. Đây là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với việc đưa ra nguyên nhân chính rằng, do lãnh đạo điều hành chưa quyết liệt.
Bởi qua khảo sát và kiểm tra thực tế, lãnh đạo tỉnh đánh giá, chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền trong giải ngân nguồn vốn. Các cấp ngành cũng chưa vào cuộc, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
“Cùng một nội dung, một chương trình dự án, tại sao địa phương này làm được mà địa phương khác chưa làm được; đơn vị này làm được, đơn vị kia lại vướng mắc?”. Đây là câu hỏi mà Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra để các địa phương, đơn vị nhận thấy được trách nhiệm trước các nhiệm vụ tồn đọng cần giải quyết kịp thời, nhất là giải ngân vốn đầu tư công.
Để gỡ từng nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công và GPMB, cùng với việc đánh động trách nhiệm, chủ trương “xắn tay vào việc” để đưa ra hướng xử lý và thời hạn cụ thể cho từng dự án cũng được yêu cầu thực hiện quyết liệt.
UBND tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các tổ này đang “bám sát” ở từng địa bàn với những chỉ đạo cụ thể.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng - Tổ trưởng Tổ công tác số 3, đã đi thực địa từng địa phương, từng dự án, chỉ đạo giải quyết vướng mắc đến từng trường hợp hộ dân cụ thể.
Với tinh thần phải tự tháo gỡ, kết luận sau những cuộc làm việc của các tổ công tác với từng địa phương được đưa ra đã cụ thể đến từng dự án, thời hạn và cả “cơ chế” giải quyết tồn đọng.
Ví dụ: địa phương nào tỷ lệ giải ngân dưới 60%, yêu cầu thường trực huyện ủy địa phương đó phải giao ban 2 tuần/ lần, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng nguồn vốn. Hay sẽ mời các chủ đầu tư chậm giải ngân, giao trách nhiệm và yêu cầu cam kết, nếu không làm được phải chuyển nguồn về cho tỉnh...
Về gỡ vướng trong công tác GPMB, Quảng Nam cũng chỉ đạo khẩn trương thực hiện, nhất là tháo gỡ nút thắt về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích và đất ghi mục đích sử dụng là “đất thổ cư” (chữ T).
Sau hội nghị chuyên đề vừa qua, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu gấp rút triển khai các biện pháp tháo gỡ với quan điểm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh”; việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất công ích, đất thổ cư phải phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như yếu tố lịch sử trong quản lý, sử dụng đất đai của tỉnh.
Xem xét, đánh giá đối với từng trường hợp sử dụng đất cụ thể để xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan...
Với tinh thần “xắn tay vào việc” như vậy, những chiếc “chìa khóa” đang được tạo ra cho các nút thắt.