Ấn phẩm “80 gương mặt văn nghệ sĩ quân đội” do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành vừa ra mắt bạn đọc. Đây là ấn phẩm do nhà văn Phùng Văn Khai tập hợp.
Cuốn sách mang đến những chân dung văn nghệ sĩ trong lực lượng quân đội. Họ nổi bật không chỉ ở sự lao động sáng tạo miệt mài mà còn ở tinh thần gắn bó, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Nhà văn Phùng Văn Khai đã mang đến cho người đọc không gian gần gũi, thấm đậm chất văn chương nghệ thuật khi viết về những người nghệ sĩ - chiến sĩ. Cuốn sách cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, hình dung lại một cách chân thật nhất những chặng đường và gương mặt văn nghệ sĩ trong quân đội với dấu mốc 80 năm.
Đặc thù của văn học viết về chiến tranh và người lính trong 80 năm qua là hầu hết nhà văn đều từng là người lính cầm súng trước khi cầm bút. Cuộc sống nơi chiến trường đã tôi luyện họ không chỉ dày dạn về kinh nghiệm chiến đấu, còn là sự dày dặn về cảm xúc, rung động sâu sắc trước cái đẹp.
Cuốn sách cuốn hút người đọc qua cách miêu tả sống động, giàu cảm xúc. Có thể chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ lớp nhà văn chống Pháp như Văn Phác, Siêu Hải, Hữu Mai, Phùng Quán, Nguyễn Khải, Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Phương, Phù Thăng, Nguyễn Chí Trung… Lớp nhà văn chống Mỹ: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo, Đỗ Viết Nghiệm, Chu Lai, Lê Lựu…
Và những nhà văn, nhà thơ tham gia quân tình nguyện giải phóng Campuchia, chống xâm lược phía bắc như Nguyễn Hữu Quý, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Anh Nông, Hồng Thanh Quang…
Tập sách này có rất nhiều “gương mặt Quảng Nam”. Các anh chị đến Khu 5 hay cả những người quê Quảng Nam, họ có rất nhiều tác phẩm viết về miền đất đặc biệt này và đoạt nhiều giải thưởng như: Nguyễn Chí Trung (Bút ký Đà Nẵng, Bức thư làng Mực, Hương cau, Khi dòng sông ra đến cửa, Tiếng khóc của nàng Út); Thu Bồn (Trường ca chim Chơ Rao, Tre xanh, Mặt đất không quên, Trường ca Campuchia hy vọng); Nguyễn Bảo (Thượng Đức, Đỉnh máu); Trung Trung Đỉnh (Lạc rừng, Lính trận); Nguyễn Trí Huân (Mặt cát, Họ đã sống như thế); Đỗ Viết Nghiệm (Đường đen nước đỏ).
Họ đã lột tả được cái ác liệt, dữ dội của chiến trường Khu 5, vừa cho thấy sự kiên cường lẫn sự hy sinh của người lính. Trong tập sách này, tôi chỉ tiếc là thiếu gương mặt nhà văn nữ - đại tá Vũ Thị Hồng.
Không chỉ là 80 gương mặt kể trên, lớp lớp văn nghệ sĩ quân đội là những người đồng hành với nhân dân và đất nước trong các cuộc chiến tranh. Họ đã góp phần tạo nên vẻ đẹp con người Việt Nam, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.