(VHQN) - Tộc Phạm và tộc Nguyễn ở làng Đồng Tràm và Hương Quế (huyện Quế Sơn) đang sở hữu hai bộ gia phả thuộc loại “cổ” nhất của vùng Nam Quảng Nam. Hai bộ gia phả được phát hiện và công bố rộng rãi trong một tình huống “đặc biệt”, cách đây trên 65 năm.
Cuốn sách giới thiệu gia phả
Năm 1959 sách “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân” được ấn hành tại Sài Gòn. Tác giả là Lâm Hoài Nam. Đây là bút danh của Nguyễn Lê Thọ, lúc này đang là Quận trưởng quận Quế Sơn.
Nội dung chủ yếu của sách là giới thiệu hai bộ gia phả của tộc Phạm và Nguyễn, hai “cự tộc” của Quảng Nam thời ấy. Hai bộ gia phả chiếm gần 70 trang trong số 109 trang của sách.
Nguyên nhân và mục đích ra đời của sách được tác giả “giải trình” một cách cụ thể trong lời tựa: “Nhân một dịp kêu nài về ruộng tư điền hai tộc Phạm, Nguyễn (họ Phạm có 500 cử tri, họ Nguyễn có 350 cử tri) xã Phú Hương, quận Quế Sơn vì Hội đồng xã rút bớt số ruộng tự điền, viện lẽ rằng công điền trong xã rất ít và dưới thời trước không cấp thì sao?
Để thấu triệt vấn đề, sau khi tiếp xúc những vị đại biểu của hai tộc, chúng tôi có ngỏ ý nhờ các vị này lục cho xem tôn đồ, gia phả hai tộc Tiền hiền còn lưu giữ (ghi chép từ đời Phạm tộc Triệu tổ Phạm Ngũ Lão) (...).
Chúng tôi cũng rất hân hạnh được cái may mắn đem ra ánh sáng những sự nghiệp lẫy lừng của những bậc chiến sĩ tiền phong, những vị khai quốc công thần mà bấy lâu nay trải qua thời kỳ ly loạn, hầu như quốc dân không được biết đến để thờ phụng”.
Nhờ quyển sách mà hai bộ gia phả quý hiếm được giới thiệu rộng rãi, được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Đây là hai bộ gia phả thuộc loại “cổ” nhất và được “công bố” sớm nhất ở vùng Nam Quảng Nam.
Dòng dõi công thần
Bộ gia phả tộc Phạm không rõ do ai chấp bút, chỉ biết một người ở đời thứ 14 đã “phụng sao” do gia phả cũ “bị rách nát”. Theo bộ gia phả thì Cao thủy tổ của tộc Phạm (ở làng Hương Quế và Đồng Tràm) là Phạm Nhữ Dực, thuộc dòng dõi Phạm Ngũ Lão.
Ông được Hồ Quý Ly cử vào Nam năm 1402 làm Chánh Đô vũ sứ phủ Thăng Hoa, lo việc vỗ an người Chiêm, di dân người Việt đến định cư trên vùng đất mới.
Ông mất năm 1409, táng tại làng Đồng Tràm (xã Hương An).
Gia phả cho biết con trưởng của Phạm Nhữ Dực là Phạm Đức Đề - từng cầm quân chống lại người Chiêm sau sự cố 1407.
Con trai lớn Phạm Đức Đề là Phạm Nhữ Dự từng theo giúp Lê Lợi và được cử làm Lưu trấn phủ Thăng Hoa.
Con của Phạm Nhữ Dự là Phạm Nhữ Tăng (đời thứ 4), là người theo Lê Thánh Tông đi bình Chiêm vào năm 1471, sau đó quản lĩnh Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
Con trai của Phạm Nhữ Tăng là Phạm Nhữ Triều từng làm Chánh Đề đốc lãnh lục viện trung cơ dưới triều Lê Thánh Tông.
Theo gia phả thì tộc Phạm có hai nhánh. Nhánh thứ nhất ở làng Đồng Tràm do Phạm Đức Đối là Tiền hiền. Nhánh thứ hai ở làng Hương Quế do Phạm Nhữ Tăng là tiền hiền.
Bộ gia phả của tộc Nguyễn làng Hương Quế cho biết: Thủy tổ của tộc là Đề lãnh Nguyễn Văn Lang (1496 - 1573) còn có tên là Nguyễn Văn Giàu, nguyên ở xã Tiên Bào, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An, di cư vào Nam, sống ở làng Hương Quế. Gia phả ghi ông mất ngày 17 tháng Chạp năm Quý Dậu, thọ 78 tuổi (trang 70). Như vậy là sinh năm 1496 mất năm 1573.
Bộ gia phả do Nguyễn Văn Dinh là cháu đời thứ 8 của dòng tộc viết trong khoảng 1774-1777 (thời chúa Nguyễn Phúc Thuần). Thực ra đây là bộ “Nguyễn tộc sử ký lược biên” hơn là gia phả.
Tài liệu ghi: “Tiền hiền tộc ta là người có công lớn được triều đình phong tặng. Nếu không lưu lại sự tích gì thì chẳng khác nào ở trong nhà ban đêm mà không có đuốc sáng nên ta phải làm tập sử ký này để con cháu ngày sau xem khỏi bị sai lạc”.
Nguyễn Văn Lang có 4 con trai, con thứ hai là Nguyễn Ngọc Thanh được dân làng Hương Quế tôn làm một trong ba vị tiền hiền của làng. Cả 4 người đều làm quan dưới thời các chúa Nguyễn.
Ngoài ra các đời kế tiếp có Nguyễn Ngọc Diệm (đời thứ 3), Nguyễn Ngọc Chánh (đời thứ 4), Nguyễn Văn Vĩnh (đời thứ 7), Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hy (đời thứ 8)… đều là những người có công dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Hai bộ gia phả của tộc Nguyễn và tộc Phạm được đánh giá là hai bộ gia phả sớm nhất, đầy đủ nhất, được con cháu lưu giữ cẩn thận.
Tuy còn nhiều vấn đề cần “khảo chứng” để làm sáng tỏ thêm nhưng đây là tài liệu lịch sử quý giá, cung cấp một số thông tin về thời kỳ bình Chiêm mở cõi gian khó của cha ông ta, về thời kỳ đầu lập làng xã ở vùng Quảng Nam.
Đây cũng là cơ sở cung cấp hồ sơ cho việc công nhận và bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn.