Cuộc sống thường ngày

Hai mươi năm, xóm nhỏ bị... treo

Ghi chép của HOÀNG ĐẠO 07/09/2024 08:06

Áng chừng đã 20 năm, người dân tổ 1 thôn Trung Toàn (Tam Quang, Núi Thành) vẫn sống giữa cảnh thiếu thốn hạ tầng thiết yếu. Hễ có cơ hội là họ lại đề đạt nguyện vọng nhưng dường như xóm nhỏ quá nên dễ bị... lãng quên.

dscf3986.jpg
Hai mươi năm qua người dân nơi đây vẫn mong ngày con đường này được đầu tư. Ảnh: H.Đ

Tôi trở lại ngôi làng này sau 10 năm. Và nó vẫn vậy. Con đường đất hun hút bởi bụi cây dại, lùm tre già. Có khác chăng là cạnh những ngôi nhà cũ kỹ đã mọc lên nhiều căn nhà mới.

Gần 20 năm đi “kêu”

Tôi hỏi chuyện một người đàn ông trung niên. Khi đã rõ ý định lần trở lại này của tôi, ông chắp tay sau lưng, hắt tiếng thở dài: “Đã 20 năm rồi nên chẳng muốn “kêu” nữa, bao giờ giải tỏa thì đi. Còn không thì chấp nhận hoặc chờ đợi khu này xóa bỏ quy hoạch treo”.

Khoảng năm 2003, dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà đi vào thực hiện, 50 hộ dân tổ 1 được thông báo sẽ giải tỏa và tái định cư nơi ở mới.

Họ khấp khởi mừng khi nghĩ về một cuộc sống an cư lạc nghiệp nhưng niềm vui chẳng tày gang khi chỉ khoảng 20 hộ dân được giải tỏa để di dời. Tình cảnh giải tỏa “da beo” nên họ sống trong quang cảnh khá hoang tàn bởi xen kẽ giữa những ngôi nhà đổ nát.

Vô tình, tổ 1 trở thành điểm đến của những con nghiện. Đó là nỗi sợ hãi lớn nhất cho những người dân nơi đây. “Ngay cả thanh niên còn không dám ra đường vào buổi tối chứ huống chi phụ nữ, trẻ em. Cứ tối đến là cửa đóng then cài, nhà ai ở yên nhà đó cho chắc ăn” - ông L.T.N kể.

Họ sống giữa cảnh thiếu thốn các hạ tầng phục vụ đời sống. Ảnh: H.Đ

Càng trớ trêu hơn khi nhiều người lầm tưởng tổ 1 đã giải tỏa nên họ vô tư mang rác đến vứt bỏ nơi đầu con đường dẫn vào tổ dân cư, làm môi trường sống càng thêm ô nhiễm, nhếch nhác.

Chưa kể, không có hệ thống thoát nước và mùa mưa trở thành nỗi ám ảnh khi con đường đắp dẫn vào tổ dân cư này ngập liên tục, đi lại khó khăn.

“Học sinh đi về ban đêm cứ té ngã miết rất nguy hiểm nhưng giờ nằm trong quy hoạch nên xã trả lời là không thể làm cho người dân. Chưa kể chẳng được đầu tư hạ tầng cho sản xuất nên toàn làm ăn nước trời bằng trồng rau, khoai” - ông Nguyễn Hoàng nói.

Hồi mới rơi vào tình cảnh khốn khó, người dân tổ 1 cũng kiến nghị khắp nơi từ cấp xã lên đến cấp tỉnh về chuyện giải tỏa họ đến nơi ở mới. Suốt cả chục năm chẳng được gì.

Trong khi những ngôi nhà xuống cấp cũng không thể sửa sang để ở, chẳng có đường đi, điện đóm chập chờn… nên người dân tổ 1 đổi sang kiến nghị về việc đảm bảo các hạ tầng thiết yếu để phục vụ đời sống. “Mà rồi có được đâu, thêm 10 năm đi kêu với chính quyền cũng chẳng thấy được hướng giải quyết cho dân” - ông L.T.N lắc đầu.

Mới đây, cử tri Núi Thành tiếp tục kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương giải quyết bồi thường, đảm bảo điều kiện sống (đường giao thông, công trình dân sinh…) cho 28 hộ dân tại tổ 1, thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành bị ảnh hưởng (hơn 20 năm qua) bởi dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà.

Mong có đường, điện an toàn

Nhà của bà Lê Thị Lệ ở ngay đầu tổ dân cư. Căn nhà xây từ năm 1967 đến nay đã xuống cấp nhưng bà chẳng thiết tha sửa sang. Bà Lệ bảo sửa làm gì khi tuổi đã già và chẳng còn hy vọng về một cuộc sống mới đầy đủ hạ tầng thiết yếu.

Người dân tổ 1 thôn Trung Toàn sống xen lẫn giữa những căn nhà đổ nát. Ảnh: H.Đ
Người dân tổ 1 thôn Trung Toàn sống xen lẫn giữa những căn nhà đổ nát. Ảnh: H.Đ

Nhưng chứng kiến cảnh những đứa trẻ trong xóm cứ chong đèn pin rọi đường khi đi học về tối, rồi té ngã ướt mèm vào những đêm mưa gió, bà Lệ mong ước một con đường khá hơn.

“Chỉ thương cho thế hệ con cháu phải sống trong cái xóm khốn khó này. Trong khi chúng bạn ở các tổ dân cư khác, thôn khác thì bê tông đến tận ngõ nên học hành không vất vả như trẻ em xóm này” - bà Lệ nói.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng bảo rằng gần 30 hộ dân còn lại của tổ 1 giờ chỉ cần đường liên thôn, xóm được bê tông.

“Đất nơi đây là đất đỏ nên mùa mưa nhầy nhụa lắm và rất dễ trượt ngã. Và nơi đây là vùng trũng thấp nên nước mưa khắp nơi đổ ùn về gây lầy lội. Mỗi năm vào dịp Tết thì xã có đổ cho xe đá sa bồ (đá bụi) để trải lên mặt đường cho dễ đi. Nhưng sau đó lại bị cuốn trôi hết” - ông Hoàng cho biết.

Đồng thời họ cũng bị lãng quên khi hệ thống điện chiếu sáng không được đầu tư. Những người dân buộc lòng dựng các trụ điện tạm bằng tre hoặc vắt lên các cây xanh để kéo điện về dùng. Họ biết nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác.

“Tôi dựng 3 trụ tre và móc dây điện nương theo các cây kéo dây gần 500m mới tới nhà. Nó rất nguy hiểm và chập chờn mỗi khi có mưa gió. Nên rất mong chính quyền, ngành điện lực có hướng giải quyết tạm thời để đảm bảo an toàn điện, tránh các sự cố” – ông Hoàng kiến nghị.

Nỗi buồn liên thế hệ

Ông Phan Vĩnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, câu chuyện của người dân tổ 1 thôn Trung Toàn đã trở thành “nỗi buồn” của nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương.

dscf4001.jpg
Khung cảnh đìu hiu của tổ 1 thôn Trung Toàn. Ảnh: H.Đ

Chính quyền nơi này không đủ thẩm quyền giải quyết những bức xúc của người dân. “Một con đường, hệ thống thủy lợi thì địa phương vẫn đủ khả năng xin vốn để đầu tư nhưng không thể được khi khu vực này là đất dự án thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh.

Ngoài việc đề xuất hướng giải quyết đến UBND huyện Núi Thành thì chúng tôi cũng vừa làm việc với Ban quản lý nhưng họ cũng chỉ có thể ghi nhận chứ không có hướng giải quyết. Riêng với hệ thống điện thì phía điện lực cũng chẳng thể làm vì vướng quy hoạch” - ông Tiến cho biết.

Những vướng mắc trong cơ chế đã khiến chính quyền loay hoay với câu chuyện quản lý. Sau 20 năm, những gia đình trẻ vì nhu cầu đã xây dựng thêm vài căn nhà mới và người dân cơi nới, sửa sang nhà cửa để đủ nơi trú ngụ cho các thành viên trong gia đình. Dù biết sẽ thiệt hại, không được bồi thường khi giải tỏa nhưng họ chấp nhận.

“Muốn chia đất, tách thửa cho các con làm nhà cũng chẳng được. Thằng út nhà tôi cũng đến tuổi thanh niên rồi, nếu cưới vợ thì cũng đành ở chung trong căn nhà cũ, chật chội này thôi. Ở đây nhiều gia đình cũng báo chính quyền về việc xây nhà mới rồi dựng lên mà ở tạm. Chứ đợi giải tỏa thì không biết khi nào” - ông Nguyễn Hoàng nói.

Bà Lệ tiếp lời: “Những gia đình trẻ họ chấp nhận cơi nới để có chỗ cho con cái ăn ở. Và nhiều nhà vì nhu cầu sản xuất cũng tự xây dựng trên mảnh vườn để trồng rau, trồng hoa... Bí bách mới làm chứ không ai muốn”.

Ông Phan Vĩnh Tiến nói, trước nhu cầu bức thiết này, địa phương chỉ biết vận động người dân thực hiện xây dựng nhà ở đúng theo quy định pháp luật. Nhưng ông vẫn mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm để có thể giải quyết nhu cầu về nhà ở, đất ở cho người dân tổ 1.

“Chỉ những trường hợp đã giải tỏa mà quay về lại nơi ở cũ xây dựng nhà thì xã sẽ lập biên bản xử lý. Còn lại địa phương sẽ giải quyết thấu tình đạt lý cho nhân dân.

Điều chúng tôi cần nhất là câu chuyện của tổ 1 thôn Trung Toàn khép lại để nhân dân tin tưởng, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” – ông Tiến đề nghị.

Đã có những người khá giả một chút rời đi, tìm nơi ở mới. Người khó khăn hơn ở lại và vẫn khoanh tay chờ đợi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai mươi năm, xóm nhỏ bị... treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO