|
Để đạt chỉ tiêu nâng số doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 của Quảng Nam lên con số 7.500, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, đó không phải là một chiến dịch nhất thời mà là một hành trình dài hơi, hướng đến chiều sâu, lan tỏa rộng trong nền kinh tế.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các cuộc tiếp xúc, hỗ trợ vốn, tài trợ phần mềm kế toán... là những động lực, xúc tác phát triển doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ảnh: T.D |
Tiếp tục đột phá
Bức tranh phát triển doanh nghiệp tại Quảng Nam sôi động kể từ năm 2017 dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Những cuộc điều tra mới đây của Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Cục Thống kê cho biết khoảng 11% doanh nghiệp dự báo sẽ tăng vốn đầu tư, tăng quy mô lao động, số doanh nghiệp báo lãi đã tăng hơn 80% và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng. Theo Sở KH&ĐT, ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù hấp dẫn, thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông tại một cơ quan đầu mối duy nhất, thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung, nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ…, thì sự đồng hành của địa phương, kịp thời giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các kênh đối thoại khác nhau sẽ là động lực để phát triển doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp liên tục gia tăng lợi nhuận, mở rộng quy mô, khẳng định được vị thế trên thương trường đã trở thành “chất xúc tác” cho những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Kỷ lục 1.260 doanh nghiệp mới thành lập năm 2017 của Quảng Nam tiếp tục gia tăng thêm 1.200 doanh nghiệp năm 2018 (vượt kế hoạch 200 doanh nghiệp). Cho dù chính quyền thừa nhận trong số đó có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực yếu, thiếu khả năng thích ứng thay đổi của thị trường, quá ít doanh nghiệp đủ mạnh, cạnh tranh ngang ngửa trên thương trường, bình quân số vốn đăng ký vào thị trường chỉ khoảng 5,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, đóng góp cho ngân sách chỉ khoảng 0,46 tỷ đồng/năm, nhưng số lượng doanh nghiệp gia tăng đột biến như hiện tại cho thấy đây là tín hiệu khá tốt trong đời sống kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, điểm lạc quan nhất của “đột phá” này là hầu hết doanh nghiệp mới thành lập đều nhanh chóng triển khai kinh doanh. Chính điều này đã xác thực thương giới kỳ vọng vào cơ hội kinh doanh. Nếu không có niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện, sẽ không thể có những kỷ lục về số doanh nghiệp gia nhập thị trường như hai năm qua.
Hỗ trợ kịp thời
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp không phải là một chiến dịch nhất thời mà là một hành trình dài hơi, hướng đến chiều sâu, lan tỏa rộng trong nền kinh tế. Cuộc đua cạnh tranh, nâng điểm số hay cải thiện thứ hạng PCI chưa bao giờ kết thúc. Kích thích doanh nghiệp phát triển, chính quyền đã đưa ra nhiều sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí. |
Theo số liệu công bố của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, đến ngày 31.12.2018 toàn tỉnh có đến 7.377 doanh nghiệp đang hoạt động. Kế hoạch sẽ tăng thêm 1.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường vào năm 2019. Có thể, không cần đợi đến năm 2020 mà ngay trong năm 2019 Quảng Nam sẽ chính thức vượt qua con số 7.500 doanh nghiệp hoạt động.
Như vậy, chỉ tiêu 7.500 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 có thể không phải là chuyện khó. Song, không ít người cho rằng, thành lập một doanh nghiệp quả dễ hơn vạn lần so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để vận hành hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp biến mất sau vài cuộc rà soát mới đây cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp cũng đã yếu đi rõ rệt. Đó cũng là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế. Sự lo lắng ấy không thừa. Tuy nhiên, theo phân tích của Sở KH&ĐT, tại sao có rất nhiều doanh nghiệp ra đi nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thành lập. Chấp nhận doanh nghiệp phá sản, đào thải theo quy luật khắc nghiệt của thị trường là chuyện đương nhiên, nhưng điều này cũng là một cuộc lọc máu, chỉ để tồn tại những doanh nghiệp mạnh khỏe trong cơ thể của nền kinh tế. Ông Trần Văn Ẩn cho hay, cơ quan này đã phối hợp với nhiều cơ quan hữu trách khác hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thông qua các lớp tập huấn chính sách kế toán, thuế, những thông tin, kỹ năng quản lý, phân tích dự án, thị trường, thương thuyết, ký hợp đồng, hỗ trợ phần mềm kế toán, cấp miễn phí cẩm nang “Những điều doanh nghiệp cần biết và thực hiện sau khi thành lập”, “những lợi ích cần biết khi chuyển đổi loại hình hoạt động từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp” và tư vấn giải pháp để cải thiện hiệu quả kinh doanh khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chính quyền, cơ quan quản lý Quảng Nam đã “trình bày” một kế hoạch hỗ trợ, truyền lửa doanh nghiệp gần như hoàn hảo để phát triển doanh nghiệp đúng như kế hoạch. Quan điểm của Quảng Nam kể từ năm 2018, phấn đấu luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất nước; việc kiến tạo, phát triển, phục vụ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phải được thực thi tại địa phương ngày càng sâu rộng hơn. Ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, chính quyền, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả...; định danh, nhận diện những yếu tố bất ổn, tìm ra phương thức giải quyết để dưỡng nghiệp, giảm thiểu số doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhằm đạt tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp hoạt động bình quân ít nhất 10% năm.
TRỊNH DŨNG