Nông nghiệp

Hành trình gian nan của cây lúa

LÊ MUỘN 24/01/2025 15:57

(Xuân Ất Tỵ) - Quảng Nam có cơ cấu cây trồng phong phú nhưng lúa vẫn là cây trồng chính. Kết quả sản xuất lúa ảnh hưởng rõ nét đến đời sống nông dân, nhất là những gia đình thuần nông. Những thay đổi về mùa vụ, thời vụ với cây lúa là một hành trình đầy gian nan, cũng một nắng hai sương như nông dân vậy.

trong-51.jpg
Chuyển đổi canh tác từ 3 vụ sang 2 vụ giúp giảm sức ép suy thoái đất do canh tác lúa ngập nước liên tục. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Lúa 3 vụ của những ngày gian khó

Thành tựu lớn nhất có tính quyết định đến sản xuất, đời sống là ngay từ những năm 1976, 1977 trong bộn bề khó khăn của thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam - Đà Nẵng đã huy động sức dân và mọi nguồn lực xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh và nhiều công trình thủy lợi khác; đến cuối thập niên 1980, đã tưới chủ động cho phần lớn diện tích lúa của tỉnh.

Những năm 1970 về trước, Quảng Nam chủ yếu gieo cấy bằng các giống lúa địa phương, lấy thời gian thu hoạch theo âm lịch đặt tên cho vụ lúa, là lúa Tháng Ba, lúa Tháng Tám và lúa Tháng Mười.

Cạnh đó, từ những năm 1970, những vùng ruộng có nước tưới đã sử dụng giống mới Thần nông 8 (IR8), sau đó có thêm Thần nông 20 (IR20) cho cả hai vụ trong năm. Vụ đông xuân gieo mạ từ giữa tháng 11, cấy vào hạ tuần tháng 12 và thu hoạch vào hạ tuần tháng 4. Vụ hè thu gieo mạ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, cấy vào trung tuần tháng 6 và thu hoạch vào thượng tuần tháng 9.

file9316.jpg
Mùa vàng xứ Quảng. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Từ đầu những năm 1980, khi có nước tưới, diện tích thâm canh bằng các giống mới tăng lên đã tạo sự nhảy vọt về năng suất, sản lượng lúa của tỉnh. Mặc dù vậy, do nhiều tác động tiêu cực của cơ chế quan liêu bao cấp, đã thủ tiêu động lực sản xuất của nông dân, dẫn đến tình trạng cả nước thiếu lương thực. Để giải quyết tình thế này, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã nghiên cứu đề xuất và hoàn thiện dần thời vụ của hệ thống canh tác 3 vụ lúa trong năm.

Chủ trương sản xuất 3 vụ lúa được nông dân đón nhận và nhanh chóng mở rộng diện tích. Sản xuất 3 vụ lúa dựa vào tăng diện tích gieo trồng, nhờ các tiến bộ kỹ thuật về giống mới và các biện pháp thâm canh để tăng sản lượng thóc; tạo nên điển hình năng suất 21 tấn/ha/năm được cả nước biết đến của xã Đại Phước (Đại Lộc).

Ở góc nhìn lịch sử, cần ghi nhận tinh thần dám nghĩ dám làm của các thế hệ cán bộ nông học trong vai trò “khuyến nông” lúa 3 vụ.

Quay lại canh tác 2 vụ

Để có được những tấn thóc tăng thêm, cái giá phải trả cho rủi ro của sản xuất 3 vụ là quá lớn. Do quỹ thời gian ít nên khung thời vụ cho 3 vụ lúa đòi hỏi rất nghiêm ngặt.

5.jpg
Chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ giúp năng suất lúa tăng lên. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Vụ đông xuân phải gieo sạ trong nửa sau tháng 11 để lúa trổ từ hạ tuần tháng 2 đến thượng tuần tháng 3 nên dễ bị lũ lụt trôi giống và gặp lạnh lúc đòng trổ.

Vụ xuân hè sạ từ ngày 5 - 15/4, trổ 5 - 15/6, dễ bị nắng nóng lúc đòng trổ. Vụ 3 sạ ngay sau khi thu hoạch xuân hè, từ 5 - 15/7; yêu cầu phải kết thúc thu hoạch xong trước ngày 15/10 nhưng thực tế nhiều năm, sau 20/10 vẫn còn khoảng 15 - 20% diện tích chưa thu hoạch kịp, thường xuyên bị lũ lụt gây hư hại.

Theo dõi diễn biến sản xuất lúa những năm 3 vụ cho thấy chưa có năm nào được mùa lúa trọn vẹn cả 3 vụ và dường như mất mùa theo chu kỳ 3 năm một lần. Vì thế, từ sau “khoán 10”, sức ép thiếu lương thực đã được giải quyết, từ những năm 1995 - 1996 đã có nhiều cán bộ nông học đề xuất bỏ canh tác 3 vụ để trở về với lúa 2 vụ.

Mặc dù sản xuất 3 vụ dễ rủi ro nhưng một số nơi ở Thăng Bình nông dân còn tự phát sản xuất thêm lúa vụ đông (vụ 4). Địa phương này sau khi tuyên truyền, vận động không được, phải mạnh tay cưỡng chế phá bỏ; cho thấy sẽ không thể bỏ 3 vụ lúa nếu chỉ tuyên truyền, vận động.

Các biện pháp chủ động can thiệp được áp dụng, vào năm 1999 ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh chỉ thị chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ; cùng với đó, đợt lụt lớn tháng 11/1999 gây ngập kéo dài không thể gieo sạ đông xuân và tiếp tục không cấp nước tưới để gieo sạ đông xuân, xuân hè theo khung 3 vụ lúa. Thế nhưng đã có không ít ý kiến phản đối, phê phán chủ trương chuyển đổi sang 2 vụ, và phải đến năm 2003 mới cơ bản chuyển đổi sang 2 vụ.

Lợi ích của canh tác 2 vụ lúa thì đã quá rõ ràng, lợi ích trực tiếp là giảm thiểu những rủi ro do thời tiết xấu gây hại; diện tích gieo trồng giảm, chi phí đầu tư giảm nhưng sản lượng chỉ giảm nhẹ những năm đầu và tăng dần ở những năm về sau.

Giảm sức ép suy thoái đất do canh tác lúa ngập nước liên tục, tình trạng lúa bị vàng đỏ sinh lý do ngộ độc giảm hẳn. Canh tác 2 vụ còn tạo điều kiện cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng tăng hiệu quả sản xuất...

Trong xu thế sản xuất nông nghiệp ngày càng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc cơ cấu giống và các biện pháp kỹ thuật được áp dụng, nhưng vẫn còn đó những thách thức. Và hành trình của cây lúa lại tiếp tục đối mặt thêm một chặng gian nan...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình gian nan của cây lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO