(QNO) - Làm thế nào để doanh nhân - doanh nghiệp Quảng Nam bứt phá trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay là vấn đề được đặt ra và thảo luận ở chương trình đào tạo xây dựng doanh nghiệp giá trị cao với chủ đề "Hành trình khởi nghiệp từ địa phương đến vươn tầm thế giới". Chương trình do Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ tổ chức với sự tài trợ của doanh nhân Phạm Trọng Điều (quê ở huyện Nông Sơn) - Nhà sáng lập Hệ thống phòng khám sức khỏe - sắc đẹp KASA tại TP.Hồ Chí Minh.
Chương trình được dẫn dắt bởi diễn giả LEO Võ Thái Lâm - Nhà huấn luyện lãnh đạo, nhà huấn luyện doanh nghiệp, cố vấn xây dựng doanh nghiệp giá trị cao và doanh nhân Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food).
Thận trọng tài chính
Ông LEO Võ Thái Lâm thông tin, giai đoạn 2022 - 2024, nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ “ngủ đông”, rất nhiều doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, lãi suất tiếp tục tăng, bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn, tình hình thế giới không ngừng bất ổn, chiến tranh, “cháy” dầu… đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.
Khi dự báo nền kinh tế và xu hướng kinh doanh năm 2024, ông Lâm đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm tài chính. Doanh nghiệp cần thận trọng và am hiểu sâu sắc về những chỉ số tài chính. Bởi những quyết định dựa trên kiến thức, dữ liệu, chiến lược tài chính mới cho ra kết quả chắc chắn. Đồng thời, ông Lâm cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế những đầu tư mới trừ khi không có sự lựa chọn khác, học cách kiểm soát, tiết kiệm chi tiêu và chú trọng nhiều hơn đến việc tối ưu vấn đề tồn tại trong doanh nghiệp như chi phí, hiệu suất nhân sự.
"Bên cạnh những thách thức, năm 2024 cũng mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Nhất là sự xuất hiện của AI, chat GPT, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng về thị trường, nhân lực, nhạy bén với thời cuộc để bắt kịp xu thế thời đại" - ông Lâm nói.
Trả lời thắc mắc của chị Đinh Thuý Nga (một doanh nghiệp ở TP.Hội An) về vấn đề theo kịp xu hướng nhưng vẫn giữ tính truyền thống trong sản phẩm, ông Lâm nói: “Doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội xuất hiện trước công chúng, để quảng bá sản phẩm của mình và truyền thống địa phương là một lợi thế mạnh. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp cần một đội ngũ nhân viên sáng tạo, chú trọng phát triển sản phẩm, lồng ghép sản phẩm bản địa với đặc trưng văn hóa truyền thống chung của Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè thế giới”.
[VIDEO] - 3 nhóm vấn đề mà ông Lâm lưu ý các doanh nghiệp Quảng Nam trong năm 2024:
Ở vấn đề thị trường, ông Lâm đặc biệt quan tâm đến các nhóm khách hàng GenY và GenZ bởi đây là đối tượng khách hàng tiềm năng của tương lai.
“Doanh nghiệp cần tiếp cận nền tảng bán hàng mới, khai thác thế mạnh công nghệ, kinh doanh trực tuyến, xuyên biên giới bởi tệp khách hàng này chủ yếu hoạt động thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, giới trẻ ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường và sản phẩm tốt cho sức khỏe" - ông Lâm nói.
Vươn tầm thế giới
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp với Hệ thống phòng khám sức khỏe - sắc đẹp Kasa từ 0 đồng đến quy mô 50 tỷ đồng/năm, anh Phạm Trọng Điều cho rằng yếu tố quan trọng nhất là niềm tin từ nội lực. Bản thân anh từ một vùng quê vào TP.Hồ Chí Minh học tập, rồi dấn thân khởi nghiệp dựa trên hai bàn tay trắng, anh đã viết lên ước mơ vươn tầm thế giới bằng niềm tin vào bản thân, tư duy tích cực, ham học hỏi và biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
“Nhiều doanh nghiệp hiện nay không đánh giá cao vấn đề lập kế hoạch mà chỉ tập trung vào doanh số trước mắt. Đây là tư duy dễ mắc sai lầm dẫn đến thất bại. Thực ra việc lập kế hoạch cụ thể, từ kế hoạch năm chuyển thành kế hoạch quý, viết tiếp kế hoạch từng tháng và chi tiết cho kế hoạch mỗi tuần, mỗi ngày lại chính là chìa khóa giải quyết những bài toán khó của mọi doanh nghiệp” - anh Điều chia sẻ.
[VIDEO] - Anh Điều chia sẻ lý do tài trợ chương trình đào tạo lần này:
Đồng quan điểm với anh Điều, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm G.C cũng đánh giá cao việc các doanh nghiệp nên lập kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, khi chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện khởi nghiệp ở mảnh đất khắc nghiệt Ninh Thuận, ông Thứ cho rằng, Quảng Nam có nhiều nét tương đồng về mặt điều kiện tự nhiên và con người với vùng đất "bán sa mạc".
"Bản thân tôi lúc khởi nghiệp từ hơn 10 năm trước với số vốn cũng không nhiều, nhưng đã biến vùng khô cằn thành nông trại lớn nhất khu vực, đưa sản phẩm từ vùng đất đó xuất khẩu ra thị trường thế giới, trong đó có những thị trường khá "khó tính" như Nhật, Mỹ, Trung Đông...
Trong khi thời điểm này, chúng ta có quá nhiều thuận lợi, từ logistics đến sự quan tâm của các cấp chính quyền thì các doanh nghiệp Quảng Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh hơn GC Food" - ông Thứ nói.
Để thực hiện được mục tiêu vươn tầm thế giới, ông Thứ còn lưu ý các doanh nghiệp Quảng Nam phải có tư duy lớn, mạnh dạn thu hút đầu tư để nâng cấp nguồn vốn nội tại và tranh thủ những thế mạnh địa phương như nguồn nguyên liệu nông sản, dược liệu.
Phát biểu khai mạc chương trình đào tạo, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho rằng: “Hiếm có thời điểm nào, cộng đồng khởi nghiệp, doanh nhân có nhiều cơ hội phát triển như hiện nay. Khi chúng ta có môi trường học tập, chia sẻ, đồng hành với nhau trên hành trình khởi nghiệp, tại sao không học tập, không ước vọng, khát khao?"