Giảm nghèo - An sinh

Hiệp Đức nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo

L.KHUÊ - H.NAM 20/12/2024 11:28

(QNO) - Thông qua các chính sách và chương trình đầu tư từ Trung ương, tỉnh, huyện Hiệp Đức đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững và hiệu quả, hỗ trợ đúng đối tượng, nhất là tại ba xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ những nỗ lực này, huyện Hiệp Đức đã ghi nhận kết quả giảm nghèo đáng kể trong năm 2024.

Nha D 2
Ngôi nhà mới của anh Hồ Văn Đim và chị Hồ Thị Bé ở thôn Gia Cao, xã Phước Gia (Hiệp Đức). Ảnh: K.N

Phước Gia là một trong ba xã miền núi của huyện Hiệp Đức, với địa hình đồi núi khó khăn và giao thông đi lại gặp nhiều trở ngại. Đây là những thách thức lớn trong việc phát triển kinh tế và giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nhờ vào sự quyết tâm của hệ thống chính trị và việc đầu tư hỗ trợ đúng đối tượng, xã Phước Gia đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo năm 2024.

[VIDEO] - Anh Hồ Văn Đim- xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức chia sẻ:

Gia đình anh Hồ Văn Đim và chị Hồ Thị Bé ở thôn Gia Cao, xã Phước Gia (Hiệp Đức) là một trong 28 hộ vừa đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Mặc dù đang trong độ tuổi lao động, nhưng nguồn thu nhập chủ yếu từ làm thuê và khai thác keo không ổn định đã khiến gia đình anh Đim vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Thông qua công tác khảo sát và đánh giá, xã Phước Gia đã thực hiện những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để giúp gia đình anh Đim và chị Bé thoát nghèo. Với sự linh hoạt trong việc kết hợp nhiều nguồn lực và chính sách khác nhau, xã Phước Gia đã hỗ trợ gia đình anh Đim 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới, trao tặng hai con bò giống trị giá 33 triệu đồng, và hỗ trợ 3 triệu đồng để xây dựng hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, anh Đim cùng nhiều bà con khác còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi và trồng trọt do xã tổ chức.

Anh Hồ Văn Đim chia sẻ: “Những năm trước, gia đình tôi rất khó khăn, chỉ có một căn nhà gỗ xiêu vẹo. Năm nay được nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà mới cùng cặp bò, vợ chồng tôi thấy yên tâm hơn về nơi ở và tập trung cho sản xuất.”

nuoi bo D
Xã Phước Gia hỗ trợ 2 con bò cho gia đình anh Hồ Văn Đim để phát triển kinh tế. Ảnh: K.N

Phước Gia là một địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tương đối cao. Người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng, trồng cây keo và canh tác nương rẫy.

Trong thời gian qua, địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo, tìm kiếm những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm hỗ trợ người dân trong việc phát triển chăn nuôi và trồng trọt, từ đó từng bước cải thiện đời sống kinh tế và giảm nghèo bền vững. Nhờ những nỗ lực này, đến năm 2024, xã Phước Gia đã có thêm 28 hộ gia đình thoát nghèo, giảm 6,7% so với năm 2023.

[VIDEO] - Chị Hồ Thị Hạnh (xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức):

Chị Hồ Thị Hạnh, một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà mới chia sẻ: "Trước đây, tôi không có nhà ở, mỗi khi mưa gió bão đến, nhà dột ướt hết, không thể nấu ăn được. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước với 60 triệu đồng, tôi đã có căn nhà mới. Sau này, khi có bão hay mưa lớn, tôi yên tâm hơn".

Ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết, hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo tại Phước Gia vẫn còn cao. Năm 2023, tỷ lệ này là 21,9%, hiện nay đã giảm xuống còn 15,2%. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục lồng ghép các chính sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tuyên truyền và vận động người dân, phát huy vai trò của họ trong việc thoát nghèo. Cấp ủy và hệ thống chính quyền cũng đã phân công nhiệm vụ cho các tổ chức hội đoàn thể trong việc hỗ trợ các hộ nghèo thông qua việc đánh giá nhu cầu cụ thể của từng hộ.

"Công cuộc giảm nghèo bền vững là một hành trình dài, nhưng với định hướng đúng đắn và những biện pháp hiệu quả, chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, xã Phước Gia sẽ đạt được những kết quả tích cực trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững". Ông Nguyễn Thành Liêm nói.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã Phước Gia chia sẻ hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới:

Trong năm 2024, tổng nguồn vốn dành cho chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại huyện Hiệp Đức đạt trên 8,5 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chuyển tiếp từ giai đoạn 2022 - 2023 là hơn 3 tỷ đồng, và vốn dự kiến cho năm 2024 là hơn 5,5 tỷ đồng. Huyện Hiệp Đức sẽ tập trung đầu tư vào các chương trình và dự án nhằm đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như giải quyết vấn đề việc làm.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Đức nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,83% xuống dưới 5%. Để thực hiện mục tiêu này, hàng năm, Huyện ủy Hiệp Đức ban hành các chương trình công tác và chỉ đạo mạnh mẽ về chương trình giảm nghèo bền vững.

UBND huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo cho các chương trình mục tiêu Quốc gia, bao gồm cả Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong Ban Chỉ đạo, chúng tôi đã phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng thành viên, phụ trách các địa phương cụ thể. Các thành viên sẽ thường xuyên theo dõi tình hình tại địa bàn, hỗ trợ các xã trong việc rà soát đối tượng, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực cho hộ nghèo hàng năm.

Nhờ thực hiện tốt những công tác này, tình hình giảm nghèo đã có nhiều tiến triển khả quan. Một số chính sách hỗ trợ dành cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo, như cơ chế phát triển sản xuất theo Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ đã được huyện Hiệp Đức triển khai hiệu quả. Đến nay, huyện đã hỗ trợ 20 dự án liên kết chuỗi giá trị cho 450 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, cung cấp 600 con giống heo bò. Nhờ đó, người dân tập trung vào sản xuất chăn nuôi, từ đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Ngoài ra, các thành viên trong Ban Chỉ đạo cùng với Ban quản lý tại địa phương cũng đã phân công nhiệm vụ theo dõi, giám sát từng nhóm hộ. Điều này giúp cho chuỗi liên kết giá trị của huyện Hiệp Đức hoạt động một cách chặt chẽ, đảm bảo rằng các con giống cung cấp cho người dân đều phát triển tốt và sinh sản.

mung lua moi
Đời sống của người dân tại ba xã vùng cao huyện Hiệp Đức có nhiều đổi thay tích cực. Ảnh: K.N

Trong năm 2024, huyện Hiệp Đức đã tổ chức 7 lớp đào tạo nghề cho 220 học viên, nhằm nâng cao kỹ năng lao động cho bà con. Huyện cũng tích cực hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với 54 trường hợp được hỗ trợ sang làm việc tại các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2024. Qua đó, giúp tăng thêm thu nhập cá nhân và góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Ngoài các chính sách hỗ trợ, huyện Hiệp Đức còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Các buổi gặp gỡ, đối thoại với các hộ nghèo và hộ cận nghèo được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho lãnh đạo huyện và chính quyền ba xã vùng cao lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách.

[VIDEO] - Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức:

Từ đó, huyện có thể đưa ra những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho từng trường hợp, giúp họ yên tâm lao động sản xuất và phấn đấu thoát nghèo. Nhờ sự phối hợp đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, trong năm 2024, huyện Hiệp Đức đã giảm được 158 hộ nghèo, vượt 43 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao, đạt tỷ lệ 137,3%.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO