(QNO) - Từ khi mở cửa tham quan hơn 20 năm trước, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, trở thành hình mẫu du lịch làng nghề không chỉ của Quảng Nam mà trong cả nước.
Nằm bên bờ sông Thu Bồn, mỗi ngày làng gốm Thanh Hà lại nhộn nhịp thuyền xe. Trên bến dưới sông tiếng nói cười rộn rã. Từng đoàn xe điện chở khách nối đuôi nhau ra vào làng.
Từ sau dịch COVID-19, lượng khách đến làng không ngừng gia tăng. Năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt hơn 550 nghìn lượt (doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng), tăng hơn 317% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành một trong những mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay ở Quảng Nam và cả nước.
Du khách tham quan làng gốm, ngoài trực tiếp trải nghiệm quy trình ra đời sản phẩm thủ công hoàn chỉnh, còn có thể cùng tham gia chế tác với người dân làm ra sản phẩm cho riêng mình. Niềm vui còn được nhân lên khi kết thúc hành trình mỗi du khách đều được tặng một con tò he bằng gốm mang về làm lưu niệm.
Ông Võ Phùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An nhìn nhận, giá trị tạo nên sức hút làng gốm Thanh Hà bên cạnh bề dày lịch sử văn hóa hơn 500 năm còn là nét nguyên sơ và lòng mến khách của cộng đồng.
“Làng gốm Thanh Hà hấp dẫn trước hết chính là nghề gốm. Thứ nữa là nơi đây đảm bảo các tiêu chí của một làng cổ với các yếu tố cấu thành như cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ, nghề truyền thống. Ngoài ra, còn có nếp sống, phong tục, người dân yêu nghề, yêu làng” - ông Phùng phân tích.
[VIDEO] - Du khách tham quan làng gốm Thanh Hà:
Với 32 cơ sở sản xuất, 68 lao động tham gia trực tiếp, làng gốm Thanh Hà hiện có số cơ sở làm nghề khá đông đảo. Đặc biệt, tất cả lao động này đều được nhận lương dựa trên mức độ đóng góp, tham gia vào hoạt động du lịch của làng.
Theo ông Ngụy Trung – chủ Cơ sở gốm sứ Ngụy Trung Hầu, tùy tay nghề và mức độ đóng góp, các lao động sẽ được chia theo 3 mức hỗ trợ gồm mức A (nghệ nhân), B (thợ lành nghề), C (thợ học việc) tương ứng số tiền 3 – 4,2 - 6 triệu đồng/tháng (số tiền này được trích lại từ vé tham quan 35 nghìn đồng).
“Ngoài tiền lương và tiền phường trả mua con tò he tặng khách, thỉnh thoảng tôi còn bán được hàng nên thu nhập ổn định, đủ lo cuộc sống và con cháu ăn học” - ông Trung chia sẻ và cho biết thông qua du lịch thúc đẩy các cơ sở tạo ra sản phẩm mới phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn làng nghề.
Hiện tại, làng gốm Thanh Hà là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch khám phá di sản Hội An. Đạt được kết quả này ngoài những giá trị nổi bật của làng nghề thì công tác quảng bá, xúc tiến, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm, hình ảnh điểm đến, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, vận chuyển… đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, các làng nghề Hội An đều có những giá trị và lợi thể nổi bật để phát triển du lịch. Tuy nhiên, với làng gốm Thanh Hà phát triển du lịch mang lại hiệu quả rất tích cực nhờ biết khai thác những thế mạnh về không gian văn hóa và câu chuyện sản phẩm của những người thợ trình diễn thủ công, qua đó tạo nên hấp lực thu hút khách.
Cạnh đó là sự đầu tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp đã giúp thương hiệu điểm đến làng gốm hoàn thiện hơn. Tháng 6/2023, bãi đổ xe bên ngoài làng gốm (diện tích 2.500m2, kinh phí đầu tư khoảng 3 tỷ đồng) đã đầu tư hoàn thành. Cùng với việc nâng cấp hệ thống đường nội bộ, xây dựng điểm check-in, bố trí xe điện vận chuyển khách tham quan…, làng gốm Thanh Hà ngày càng trở nên mới mẽ và chuyên nghiệp hơn trong mắt khách du lịch.
Năm 2024, theo kế hoạch làng nghề gốm Thanh Hà sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạng mục hạ tầng, đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm, dịch vụ mới lạ hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo hơn lượng khách đến tham quan, trải nghiệm nơi đây.