Nông nghiệp - Nông thôn

Hiệu quả mô hình nuôi cá chình kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường ở Điện Bàn

QUANG HÀ 09/12/2024 18:33

(QNO) - Mô hình nuôi cá chình thương phẩm theo hệ thống lọc tuần hoàn (Recirculating Aquaculture Systems – viết tắt là RAS) được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn thí điểm đã cho thấy hiệu quả bước đầu khi vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Hiệu quả kinh tế

Nhiều năm lăn lộn với trang trại gà vịt, anh Cường luôn đau đáu tìm kiếm phương thức sản xuất mới khi Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh quy định không được phép chăn nuôi trong khu vực nội thị.

dsc09340.jpg
Mô hình nuôi cá chình trong bể tuần hoàn bước đầu cho thấy hiệu quả khi vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa hạn chế chất thải ra môi trường. Ảnh: QUANG HÀ

Đầu năm 2023, qua một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Cường được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn giới thiệu, chọn thí điểm mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước.

Ông Ngô Văn Tân – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn cho biết, mô hình này yêu cầu chủ hộ phải có tiềm lực kinh tế cũng như kiến thức nông nghiệp vững vàng. Chọn gia đình Nguyễn Hữu Quốc Cường (phường Điện Thắng Bắc) thí điểm mô hình, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí con giống, thức ăn, hộ tham gia đối ứng 50% kinh phí còn lại.

“Trước khi triển khai, đơn vị đưa anh Cường đến tham quan, học tập mô hình tại huyện Đại Lộc cũng như một số địa phương có nghề nuôi cá chình phát triển”, ông Tân nói.

Sau khi nắm bắt quy trình kỹ thuật, anh Cường quyết tâm đầu tư bể nuôi, hệ thống lọc cũng như máy móc thiết bị khác. Ban đầu anh Cường chọn giống cá chình bông trọng lượng 50g/con, từ hai bể nuôi ban đầu, đến nay anh đã xây dựng được 7 bể với diện tích trại nuôi hơn 1.200m2.

Qua hơn một năm vận hành, anh Cường cho biết cá chình khá dễ nuôi, phù hợp với nhiều loại thức ăn và điều kiện khí hậu của địa phương; hơn nữa, nuôi cá bằng hệ thống lọc tuần hoàn giúp tiết kiệm nước, duy trì môi trường nuôi ổn định, kiểm soát tốt các thông số chất lượng nước như độ pH, độ amoniac, nitrit, nitrat, oxy hòa tan… Vì thế nên cá ít nhiễm bệnh, tăng trưởng nhanh, nâng cao năng suất nuôi trồng, đặc biệt với những giống cá có giá trị kinh tế cao như cá chình.

Anh Cường chia sẻ, mỗi bể nuôi được khoảng 550 con cá, qua theo dõi, tỷ lệ cá sống, phát triển tốt đạt 90% với trọng lượng trung bình đạt 1,8kg. Đã có thương lái đến hỏi mua trọn bể với giá 480.000/kg, ước mỗi bể cho doanh thu 475 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, có thể thu lãi 240 triệu đồng.

“Nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng tôi chưa bán vì cá chình có thể lớn thêm được nữa. Đợi đến lúc cá đạt 2,5 – 3kg bán thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Cường nói.

Góp phần bảo vệ môi trường

Theo tìm hiểu, RAS như một “nhà máy xử lý nước”, giúp biến đổi nước thải từ bể nuôi thành nước sạch để tiếp tục sử dụng cho quá trình nuôi trồng. Hệ thống lọc hoạt động theo nguyên tắc tuần hoàn và xử lý nước thải liên tục. Nước thải từ bể nuôi được thu gom và xử lý qua các bước lọc cơ học, lọc sinh học, khử trùng bằng tia UV; sau đó được bơm vào bể, tiếp tục chu trình nuôi.

z6107969262702_f6aa00aa6f7abc47e8158f694eed322f.jpg
Drum filter - "linh hồn" của hệ thống RAS, liên tục lọc chất thải như phân, cặn, rong rêu và các tập chất khác. Ảnh: QUANG HÀ

Với khả năng tái sử dụng nước đến 90%, RAS giúp kiểm soát tốt chất lượng nước, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh, góp phần tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải và tái sử dụng nước giúp tiết kiệm; đồng thời, hạn chế tối đa xả thải ra môi trường, đặc biệt trong khu vực nội thị, đông dân cư.

sss.jpg
Cá chình phát triển tốt khi được nuôi trong bể tuần hoàn nước. Ảnh: QUANG HÀ

“Trước đây khi chăn nuôi gà, vịt lượng chất thải ra môi trường khá lớn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực. Từ khi chuyển đổi mô hình nuôi cá chình trong bể tuần hoàn, trại nuôi của tôi không gây ô nhiễm môi trường và cho giá trị kinh tế cao hơn”, anh Cường nói.

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể tuần hoàn nước. Theo đó, đây là là giải pháp lý tưởng đối với hình thức nuôi cá thâm canh, phù hợp với khu vực nội thị, nơi không có diện tích để đào ao.

Ông Ngô Văn Tân cho biết đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nông dân thấy được hiệu quả của mô hình; cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật. “Chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất UBND thị xã dành nguồn lực để nhân rộng mô hình, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp”, ông Tân cho biết thêm.

Mô hình nuôi cá chình trong bể tuần hoàn tại thị xã Điện Bàn bước đầu cho thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả mô hình nuôi cá chình kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường ở Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO