(QNO) - Đào tạo nghề cho lao động phổ thông, kết hợp khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là cách làm đang được huyện Nam Trà My triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả.
Tạo ra nghề
Nếu như trước đây, đót, dây mây... được chị Đinh Thị Diên (thôn 1, xã Trà Vân) khai thác, bán thô cho thương lái với giá rất thấp, thì vài năm trở lại đây, chị đã dùng chính những vật liệu ấy làm ra sản phẩm chổi, teo, nong, rổ... để bán trực tiếp ra thị trường.
"Đa số bà con ở đây đi hái đót, hái dây mây về bán cho tạp hóa, họ ưng trả giá thế nào cũng được. Chừ mình làm ra được cái chổi, cái rổ, có giá cố định hết, thu nhập cũng cao hơn xưa nhiều, có tháng mình kiếm được hơn 3 triệu đồng" - chị Diên nói.
Vốn có lợi thế là nghề "gia truyền", lại sống trên vùng nguyên liệu dồi dào, nhưng suốt nhiều năm qua, chị Diên chỉ đan các loại dụng cụ để dùng trong gia đình, vì vậy sản phẩm chưa có sự đầu tư về chất lượng cũng như thẩm mỹ, do đó chưa thể thương mại hóa sản phẩm làm ra.
Sau khi tham gia lớp làm chổi đót và đan mây tre, chị Diên đã học hỏi thêm được cách vót, uốn dẻo, tạo màu cho mây, tre, cũng như sáng tạo ra nhiều kiểu dáng mới lạ, ưa nhìn và nhiều công dụng hơn, như sàn, nia, giỏ đựng hoa quả, khay đựng ấm trà... Giờ đây, đan mây, tre đã trở thành công việc tạo thu nhập chính cho gia đình chị Diên.
[VIDEO] - Người dân xã Trà Vân thành thạo nghề mây tre đan
Theo ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Vân, đã có 35 phụ nữ Ca Dong ở xã tham gia lớp đào tạo nghề làm chổi đót và đan mây, tre. Sau khóa học, hầu hết chị em đều có khả năng tự làm ra sản phẩm đạt yêu cầu.
"Lớp học mở ra không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc truyền thống của người đồng bào thiểu số, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, về lâu dài, sẽ dần loại bỏ những sản phẩm không thân thiện môi trường để sử dụng sản phẩm truyền thống từ tre, nứa.
Chúng tôi cũng sẽ cố gắng mở rộng thị trường, bằng cách hướng dẫn người dân đăng các sản phẩm trên mạng xã hội để tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn" - ông Phương cho hay.
Hiệu quả kinh tế tập thể
Xuất phát từ thực tế giống heo đen đang có nguy cơ lai tạp, dịch bệnh nhiều, chất lượng thịt lại không cao, dẫn đến giá thành thấp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nông dân xã Trà Vinh (Nam Trà My) 20 con heo đen giống để chăn nuôi tập trung.
Trang trại chăn nuôi heo đen được xây dựng trên khu đất có diện tích 1.500m2, được đầu tư thiết bị gồm máy nghiền thức ăn, máy xắt cỏ, tách hạt ngô. Toàn bộ nguồn thức ăn đều được sản xuất tại chỗ, đảm bảo an toàn.
Tất cả các hạng mục xây dựng và quy trình nuôi nhốt, kỹ thuật chăm sóc... được thực hiện theo hướng dẫn của kỹ sư thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My.
Quá trình chăm sóc, các hộ dân thay phiên nhau trồng có, tỉa bắp rồi thu hoạch, phơi khô, nghiền bột, vệ sinh chuồng trại và kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn heo, khi phát hiện bệnh sẽ cho tách đàn, khử trùng và điều trị dứt điểm.
[VIDEO] - Mô hình nuôi heo đen tập trung của nông dân xã Trà Vinh
Qua 3 năm kiên trì chăm sóc, dàn heo đã tăng lên 50 con/năm, ngoài để làm giống, số heo bán ra thị trường đã mang lại thu nhập ổn định cho 7 hộ gia đình tham gia mô hình.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, huyện Nam Trà My đã ban hành Nghị quyết 05 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo.
[VIDEO] - Hiệu quả đào tạo nghề tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Kết quả, từ năm 2021 đến nay, từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, đã tổ chức 40 lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp để đào tạo các nghề như may công nghiệp, kỹ thuật mây tre đan, làm chổi đót, chăn nuôi, thú y, trồng cây dưới tán rừng...
Nhờ đó, số lao động qua đào tạo của huyện Nam Trà My năm 2024 hơn 7.600 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt gần 39%, vượt chỉ tiêu so với HĐND huyện giao.