Đã mấy lần bà Xuyến hỏi chồng “chừ ông tính răng, đi hay ở?”. Ông không nhìn bà, chỉ đăm đăm ra mấy rẫy bắp khô cằn, đáp gọn trơn “sống đâu, thác đó”.
Bà nghe vậy, chỉ ừ một tiếng rồi lại cặm cụi bên cơi trầu cũ mèm. Bà biết, có hỏi thêm thì câu trả lời cũng chừng ấy. Nhưng trong lòng ông thì mênh mang lắm. Tuổi già mà, ai chẳng muốn trở về quê cha đất tổ.
Bà còn nhớ, năm đó hai vợ chồng quyết định rời làng đi kinh tế mới, ai cũng nói rủi ro. Nhưng ông hay nói, người ta sống được thì mình cũng sẽ ổn thôi. Mấy năm đầu thích nghi chỗ ở mới, hai vợ chồng gặp không ít khó khăn. Khắp nơi là rừng cây bằng lăng, tre...
Cái nhà đầu tiên mà ông bà thực sự sở hữu cũng được dựng nên từ cỏ tranh. Ông bà quần quật suốt ngày, không dám một lời than vãn mệt nhọc. Có khi, trời đã sẩm tối, chiếc cuốc trên tay ông vẫn còn chưa nghỉ. Cứ thế, năm tháng qua đi, ông bà chắt chiu, dành dụm được chút vốn liếng. Mấy đứa con cũng lần lượt khôn lớn.
Ai ngờ, tụi nó vừa trưởng thành thì bao nhiêu vốn liếng tích cóp được, ông bà đều đổ dồn vào lo cho thằng Hai, thằng Ba và con Út. Đất đai không cánh mà bay.
Phải chi ngày đó, ông nghe lời khuyên của mọi người, đừng bán nốt cái nhà ở quê cũ. Ông cứ nghĩ “người còn thì của còn, không cứu thằng Hai thì cái nhà dù có giữ lại cũng chẳng ý nghĩa chi nữa”. Bà Xuyến thương chồng, thương con, ngậm ngùi bán cái nhà do cha mẹ của bà trước khi nhắm mắt đã di chúc để lại ở quê.
Lần đó, hai ông bà cầm giấy tờ nhà trao cho anh cán bộ để làm thủ tục sang tên đổi chủ mà tay run run, lòng không nỡ. Ông phải an ủi lắm thì bà mới thôi buồn. Ông biết bà cũng thương thằng Hai y hệt như ông vậy.
Ai ngờ đâu, nhà vừa bán chưa bao lâu, ông bà mới vỡ lẽ ra. Thằng Hai không phải làm ăn thua lỗ mà vì bài bạc nên mới lâm vào nợ nần. Bữa đó, ông siết chặt ngực mình, gục đầu bên cái phản gỗ đặt trước phòng khách. Tách trà vừa rót nằm ngả nghiêng. Nước trà chảy lênh láng. Ông không ngờ đã chừng ấy tuổi đời mà vẫn bị lừa. Kẻ lừa ông lại là đứa con mà ông bà thương nhất nhà.
Trả nợ cho thằng Hai vừa xong, còn dư chút đỉnh, ông bà tính dành dụm phòng thân. Rồi thằng Ba xin tiền lót cửa sau để chạy một chân biên chế. Con Út thì nài nỉ một chút vốn để nhập hàng Quảng Châu về bán trên mạng chứ không muốn đi làm công ăn lương.
Lý do của đứa nào cũng hợp lý. Dù ông bà có muốn dằn túi vài đồng, mong đến ngày trở về quê hương thì cũng phải mủi lòng trước cuộc đời của tụi nó. Thế là số tiền còn lại cũng trôi tuột đi. Giờ ông bà chỉ còn duy nhất mấy rẫy bắp cằn cỗi trước mặt. Trời hạn nặng. Đất chết khô. Lòng ông cũng héo rũ giống như đám lá bắp đang oằn mình trước gió.
*
* *
Đã mấy năm rồi, đứa nào cũng có cuộc sống riêng. Hai vợ chồng bà Xuyến ngày càng già đi. Ở ngưỡng tuổi này, không đau đáu về quê hương mới là chuyện hiếm. Có mấy bận, bà thấy ông cứ ngồi thẫn thờ ngoài sân, ngóng mãi về phía núi. Tiếng thở dài trôi tuột vào đám gió đại ngàn.
Một lần, vừa gắp một đũa rau lang lên chén, ông chợt buột miệng “phải chi có miếng mắm nêm chính gốc quê mình thì ngon phải biết”. Nói rồi, ông khựng lại. Thả chén cơm xuống, ông lụi hụi đứng dậy, bảo bà ăn trước đi, ông chưa đói.
Ông bước ra sân, ngồi trên cái giường tre cũ, y hệt lúc xưa khi còn chưa lên chốn này. Chỉ khác là, ánh mắt ông giờ cứ chớm ươn ướt. Bà Xuyến đọc thấy biết bao sự khắc khoải nằm sâu trong ấy. Thấy cái cách ông nhìn bâng quơ giữa chiều, bà biết ông nhớ quê mình dữ lắm. Bà cũng vậy, nhưng nào dám nói ra.
*
* *
Mấy hôm nay, làng trên xóm dưới xì xào bàn tán với nhau về chuyện ông đi cấp cứu. Tuy đã ngoài bảy mươi, nhưng nhìn ông rắn rỏi lắm. Có ai nghĩ một người chân lấm tay bùn, quen làm đồng áng nặng nhọc như ông lại có ngày ngã quỵ giữa nắng sớm như vậy.
Cũng may, bà phát hiện kịp thời. Chú Thức và vài người hàng xóm nghe tiếng bà hét thì chạy vội sang. Bà quýnh quáng, không dám đỡ ông lên. Bà vừa run run bấm điện thoại cho cấp cứu, vừa lầm rầm trong miệng “xin Trời Phật cứu chồng con”.
Mọi người trấn an bà. Họ chia người chạy ra đầu ngõ đón xe cấp cứu. Người này liên tục kiểm tra mạch của ông. Người khác lại thay bà lục tìm danh bạ để gọi cho thằng Hai, thằng Ba và con Út.
Tiếng chim lảnh lót trong sân lẫn với những tiếng tút tút kéo dài, không người bắt máy. Lòng bà nóng ran. Tụi nhỏ bận bịu quá. Ngày thường chúng ít khi về ăn chung một bữa cơm nhà. Đến lúc cấp bách, đáp lại nỗi lòng cồn cào của bà chỉ là những tín hiệu điện thoại ngắt quãng.
Kể từ dạo về làng xây lại lăng mộ của họ tộc, sức khỏe ông giảm hẳn. Một phần vì tuổi ngày càng lớn, phần vì ông cứ trăn trở mãi mấy lũy tre làng, mấy đầm sen cạn. Vốn ông đã nhớ quắt quay và thèm được trở về quê cũ. Ông hay nói “có chết cũng phải chết ở quê, phải được chôn trên đất họ tộc”. Bữa ấy trở về, nghe mọi người ôn lại chuyện cũ, gặp bà con họ hàng lại càng làm ông thêm quyến luyến.
Có lần bà Xuyến nói bóng gió khi mấy đứa con tập trung đông đủ vào ngày giỗ nội:
- Phải chi được về lại quê mình thì tốt quá.
- Về thì dễ. Mà về bao lâu? Rồi nhà đâu mà về? - Ông ngồi kế bên, vừa nhấp ngụm trà đắng chát, vừa quay sang đáp lời bà.
Thằng Hai nhìn ông bà ra vẻ đăm chiêu. Nó vỗ đùi, phủi phủi mấy vỏ hạt dưa bám trên ống quần rồi đứng dậy:
- Sống đâu chẳng được, có nhà là vui rồi, cần chi phải về quê.
Ông thả tách trà lên bàn cái cạch, đăm đăm nhìn. Thằng Hai biết ý nên im lặng. Thằng Ba nháy mắt, ra hiệu bảo anh nó ra sân rồi cả hai lẳng lặng đi mất. Hai ông bà nhìn nhau thở dài ngao ngán. Tụi nó lớn cả rồi nhưng chẳng đứa nào hiểu nỗi lòng của cha mẹ.
Sau đợt ấy, ông hay nghĩ ngợi. Mỗi lần ra trước sân, ông cứ nhìn hoài nhìn mãi về phía núi rồi thở dài. Lâu dần, ông sinh bệnh. Chỉ có bà biết. Mấy ngày gần đây ông hay thở mệt. Ông không còn thói quen mỗi sáng ra sân vườn tưới cây nữa.
Đột nhiên sáng nay, ông dậy sớm. Vác cuốc lên vai, ông vừa lầm rầm trong miệng, vừa đi ra sân. Bà Xuyến thấy ông khom người bên mấy luống rau, bảo trồng thêm vài dãy đậu Hà Lan, để khi nào ra trái sẽ hái vào nấu cúng ông bà. Bà lấy làm lạ, nhưng chưa kịp hỏi ngọn ngành thì ông đã ngất xỉu. Bà lo dữ lắm, không biết vì say nắng hay cơn bệnh âm ỉ lâu ngày đã đánh gục ông như vậy.
*
* *
Nắng chiều rọi thẳng vào cửa sổ. Trên cái phản gỗ chạm khắc tinh xảo mà ngày xưa hai vợ chồng chắt chiu lắm mới sắm được, ông ngồi tựa lưng vào tường, mệt nhọc thở. Cánh tay trái đặt trên chân, dọc theo thân người, không thể tự cử động được. Chốc chốc, ông nhìn ra cửa sổ. Bên cái giường tre cũ, lũ chim sâu đang bước từng bước thật chậm, thi nhau mổ mấy hạt gạo do bà vãi ra từ sớm. Ông nhìn mãi, hết bên này đến bên kia.
Cây mít phía góc vườn nay đã sai trái lắm rồi. Cây nhãn đằng sau nhà không thể nhìn thấy được, nhưng ông đoán chắc nó cũng lúc lỉu đầy cành. Chợt, ông thở dài. Nghĩ đến việc sắp rời khỏi đây mà lòng ông không nỡ. Từ lúc ra viện, ông cứ bâng quơ nghĩ ngợi mãi.
Có lúc, ông thấy mình thiệt ngộ. Uớc mơ được trở về quê hương sắp thành hiện thực thì ông lại lưu luyến cái nhà ba gian mấy mươi năm che mưa che nắng cho cả gia đình ông trên xứ này.
Khi mấy đứa nhỏ nghe tin căn nhà cũ ở quê đang được người chủ hiện tại rao bán lại, tụi nó mừng lắm. Không biết vay mượn thế nào mà tụi nhỏ đã mua lại nhà chỉ trong một tháng. Tụi nó nói muốn bù đắp cho cha mẹ. Ba anh em tụi nó sẽ cố gắng làm lụng để trả nợ dần cho người ta.
Ngày ông nhận được chỉ định của bác sĩ cho ra viện, cũng là ngày thằng Hai hoàn tất giấy tờ bên công chứng. Nước mắt ông rưng rưng. Đã hơn bảy mươi tuổi mà ông còn khóc trước mặt tụi nhỏ. Vậy mà giờ chỉ còn vài ngày nữa thôi, ông lại luyến lưu cái khoảnh sân, giếng nước và căn nhà đã mọc dày bao lớp rêu xanh trên mái ngói. Bà Xuyến từ chái bếp đi lên. Nhìn ánh mắt xa xăm của ông, bà lên tiếng:
- Ở đâu quen đó. Tui cũng nhớ dữ lắm. Nhưng đã quyết rồi thì ông đừng nghĩ nữa. Tuổi ni rồi, mình về cho gần họ hàng, bà con.
Ông quay sang nhìn bà, lặng im không nói. Ông đưa cánh tay phải, nâng ly trà lên nhấp một ngụm. Đắng chát. Nhưng ngọt hậu. “Đúng rồi, tuổi ni rồi, được trở về quê hương đã là một diễm phúc. Mấy ai được may mắn như ri” - ông nói, nhấp thêm một ngụm trà nữa.
Gió núi thoảng bay. Chiều chầm chậm tan ra. Hình bóng quê nhà chập chờn hiện lên sau luống rau xanh rì phía tầm mắt.