Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi chuyển đổi số. Vì thế, sự đồng hành, hỗ trợ từ Nhà nước là rất cần thiết để doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh và hiệu quả.
Nhiều rào cản
Diễn đàn “Kết nối - hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (KN) Quảng Nam thực hiện chuyển đổi số (CĐS)” do UBND tỉnh vừa tổ chức là một trong những hoạt động mở đầu Tuần lễ khai mạc Năm quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023.
Là doanh nghiệp KN hoạt động trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Công ty TNHH TM&DV Phú Hiển Lighting (Tam Kỳ) đã đạt những dấu ấn, thành công trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình CĐS tại doanh nghiệp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Phú Hiển - Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Phú Hiển Lighting thừa nhận, việc tiếp cận CĐS còn mơ hồ do nhận thức chưa đúng và đủ; trong khi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, các công cụ tiếp cận CĐS khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp... Đó là những rào cản khiến doanh nghiệp chưa ứng dụng CĐS mạnh mẽ.
Theo bà Trịnh Thị Hương, trước thực trạng “trăm hoa đua nở” của ứng dụng, công nghệ số phục vụ CĐS doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) đang phối hợp các chuyên gia khảo sát, đánh giá các giải pháp CĐS doanh nghiệp hiện nay, từ đó công bố “trang vàng” các giải pháp CĐS ấn tượng để giới thiệu đến doanh nghiệp.
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong lựa chọn giải pháp và chi phí CĐS phù hợp. Bởi hiện nay có nhiều nhà cung cấp với nhiều giải pháp CĐS khác nhau.
“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ là phải mất tiền mua về những công nghệ số mà không dùng được. Mỗi công nghệ thì mua của một nhà cung cấp khác nhau nên khi cần kết nối không được. Những điều đó khiến CĐS chưa tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp” - bà Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng cần thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. CĐS mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giảm chi phí vận hành, tiếp cận thị trường, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên...
Theo ông Hưng, hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Quảng Nam, trong đó doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều rào cản khi CĐS như lo ngại về chi phí đầu tư, thiếu nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Một điều quan trọng khác là cần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về CĐS.
“CĐS là một quá trình tất yếu, mỗi doanh nghiệp cần phải tự nhận thức rõ dù muốn hay không, sớm hay muộn thì CĐS vẫn sẽ diễn ra, chúng ta không muốn tụt hậu thì bắt buộc phải CĐS” - ông Hưng nói.
Cần sự đồng hành của Nhà nước
Công ty CP EUBIZ Việt Nam là một doanh nghiệp điển hình cho thấy hiệu quả của ứng dụng CĐS. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Giám đốc Công ty CP EUBIZ Việt Nam cho biết, từ những năm 2020, doanh nghiệp đã ứng dụng CĐS mạnh mẽ giữa bối cảnh hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.
Trong đó tập trung CĐS nhằm mở rộng thị trường theo 3 nội dung: truy xuất nguồn gốc trong quá trình sản xuất, thương mại điện tử quốc tế và marketing online. Việc tiếp cận khách hàng bị thu hẹp khi ứng dụng kênh online, offline. Tuy nhiên, khi áp dụng CĐS qua kênh Digital marketing thì khả năng chuyển tải thông điệp đến khách hàng mang giá trị cao hơn.
Theo bà Hoa, hiện nay việc tiếp cận các kênh thương mại điện tử quốc tế dễ dàng, còn trước đó doanh nghiệp của bà phải tự mày mò, tìm hiểu và tiếp cận các sàn Amazon, Alibaba. Việc tiếp cận các kênh thương mại điện tử quốc tế sớm đã giúp sản phẩm đến với nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…
Bà Hoa cho biết: “CĐS bị hạn hẹp về nguồn lực con người, tài chính, do đó doanh nghiệp cần xác định thiếu cái gì thì phải xoáy vào để giải quyết. Hiện nay Nhà nước có nhiều kênh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CĐS. Tuy nhiên quan trọng vẫn là năng lực nội tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mạnh dạn CĐS, phải bắt tay làm và bước đi thì mới biết vấp ngã để đứng dậy”.
Bà Trịnh Thị Hương cho biết năm 2021, Bộ KH-ĐT đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là 100% doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ chương tình và nâng cao kiến thức về CĐS; 100.000 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ các chính sách của chương trình; 100 doanh nghiệp là điển hình về CĐS từ “Doing Digital” đến “Being Digital”; hình thành mạng lưới chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp CĐS…
Ông Đỗ Hoàng Hải - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Wicom và là chuyên gia CĐS cho biết, CĐS là quá trình từ cách thức vận hành doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh truyền thống chuyển lên nền tảng công nghệ cho kinh doanh và quản trị vận hành.
Đó là quá trình không phải ngày một ngày hai nên doanh nghiệp cần lên kế hoạch bài bản để vừa dịch chuyển nhưng đồng thời không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cần ưu tiên, sắp xếp công việc, hoạt động CĐS nào trước, sau cho phù hợp, hiệu quả...