Hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp gặp khó

TRUNG VĨNH 15/12/2023 09:10

Ngày 17/12/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị. Ảnh: T.V
Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị. Ảnh: T.V

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 9/2023 toàn tỉnh đã có 77 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó có 1 dự án liên kết cấp tỉnh được UBND tỉnh ủy quyền Sở NN&PTNT phê duyệt và 76 dự án do UBND cấp huyện phê duyệt.

Việc triển khai số dự án nêu trên đã thu hút 78 HTX và 35 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp; trong đó có 71 HTX và 6 doanh nghiệp làm chủ trì dự án.

Từ năm 2021 - 2023, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh cho các địa phương từ nguồn vốn ngân sách tỉnh là 70 tỷ đồng (gồm 35 tỷ đồng vốn sự nghiệp và 35 tỷ đồng vốn đầu tư). Dự kiến, giải ngân từ năm 2021 - 2023 là hơn 40 tỷ đồng, đạt 57,27%.

Vừa qua, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, Nghị quyết số 17 đã tạo động lực, góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí đầu tư trang thiết bị máy móc, xây dựng nhà xưởng, ứng dụng khoa học công nghệ...

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Một số ý kiến khác đánh giá, thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 17, doanh nghiệp và HTX đều nhiệt tình hưởng ứng những chương trình, dự án liên kết sản xuất nông nghiệp. Cơ chế hỗ trợ này là cầu nối giúp các doanh nghiệp, HTX, người nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất...

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương cũng cho rằng, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 17, đã phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Theo đó, việc hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất với mức 30% là còn thấp, chưa tạo động lực thu hút các chủ trì dự án tham gia. Quy mô dự án liên kết sản xuất của một số loại cây trồng, con vật nuôi lớn nhưng mức hỗ trợ giống, vật tư thấp.

Mối liên kết sản xuất trong thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX với nông dân hay giữa HTX với các doanh nghiệp chưa bền chặt.

Vấn đề đáng chú ý là giá cả thị trường luôn biến động, hợp đồng liên kết sản xuất theo từng năm, trong khi đó dự án liên kết yêu cầu phải đảm bảo điều kiện thực hiện ổn định với sản phẩm hằng năm là 3 năm và sản phẩm lâu năm là 5 năm nên doanh nghiệp cũng như HTX khó khăn trong việc ký hợp đồng lâu dài với nông dân.

Ngoài ra, tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục thanh quyết toán các nguồn kinh phí, tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp. Thời gian đến, cần xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể về định mức, thủ tục, trình tự hỗ trợ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 17...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO