(VHQN) - Tết của tuổi thơ khốn khó, tết của thời tem phiếu xếp hàng từ tờ mờ sáng… Tết nhọc nhằn, vất vả - nhưng sao tết bao cấp lại nhiều hương vị đến thế!
Những cái tết thời bao cấp mồn một trong trí tưởng người trung niên Hà Nội. Nhẩn nha hoài niệm. Và nhẩn nha... thương!
Nồi bánh chưng 26 tết
Mỗi tết đến, bố mẹ tôi thường lo tới “méo mặt”. Tết chẳng bao giờ là vui. Tết là hàng tỷ nỗi lo âu. Cuối năm, lo trả nợ trả nần, lo làm sao cho con cái ba ngày tết được “no” cái bụng, lo quà biếu ông bà... Lo là phải, bởi ngày thường còn lần hồi kiếm miếng ăn, nữa là ba ngày tết.
Cứ tầm 26 tết, mẹ tôi đong hơn chục cân gạo nếp. Hồi xưa, đói, khổ, ăn tết chủ yếu là con gà và bánh chưng. Lo xong nồi bánh chưng, nghĩa là lo xong tết.
Gạo nếp, dù ít tiền, không có tiền, nhưng cũng phải chọn gạo nếp cái hoa vàng loại ngon. Làm bánh mà không chọn nếp ngon, thịt ngon, đỗ ngon, thì có ra bánh, cũng là thứ bánh dở. Vậy là nồi bánh chưng bao giờ cũng là thứ trở nên quan trọng nhất!
Đêm, mẹ tôi nằm vắt tay lên trán. Nhẩm tính: Mười lăm cân gạo, thì tầm bao nhiêu cân đỗ. Gạo, đỗ đó, để dành một ít nấu xôi cúng các cụ vào hôm 30, hôm mùng 1, rồi hôm hóa vàng. Còn đâu, để gói bánh.
Các bài toán ấy, trước tết, tối nào mẹ tôi cũng lẩm nha lẩm nhẩm. Tay vắt lên trán nhưng được cái, tính người lạc quan, chẳng mấy khi thở dài như chúng tôi bây giờ!
Cái không khí trước tết, nó có mùi đặc trưng. Thời gian như nhanh hơn, se sắt, và bận rộn, dù chẳng ai hiểu vì sao cứ phải “quắn hết cả đít”, “vắt chân lên cổ”, “bạc cả mặt” chỉ vì cái tết đang cận kề.
Dưới kia, tiếng lợn kêu inh ỏi. Mấy đứa trẻ trong khu tập thể ngó đầu nhìn xuống. Thì ra, nhà thằng Cún Kiện đang mổ lợn. Thịt được chia ra, phần để gói bánh chưng, phần để nấu cỗ, phần để giã giò. Riêng cỗ lòng của con lợn được xử lý ngay. Đêm ấy, một nồi cháo được đặt ngay lên bếp sau khi luộc lòng.
Thời ấy, sau chiến tranh, chúng tôi đã ở nhà tập thể, cao những 5 tầng. Nhưng người ta vẫn phải chăm chỉ chăn nuôi trồng trọt ngay cả ở trên nóc nhà nhau. Nuôi gà, nuôi lợn, thành phố vẫn còn nhiều ao hồ, nhiều bèo tấm. Mỗi lần lũ lụt, vẫn có thuyền để đi giữa các khu nhà tập thể ấy.
Đôi dép của bố
Cái nồi đun bánh chưng to tướng, mà hình như đấy là cái thùng phuy thì phải. Khói củi mịt mờ. Ấy là sau này, cũng kha khá rồi các gia đình mới tự lo nồi bánh chưng chứa đầy “lo toan, tính toán”. Chứ trước thời này, muốn gói bánh chưng cũng chẳng phải đơn giản bởi lệ thuộc tem phiếu mua hàng của nhà nước phát.
Hồi đó, có lẽ quyền lực nhất, đáng “sợ” nhất, là các cô mậu dịch viên. Mặt các cô lạnh tanh. Tay thoăn thoắt, miệng không ừ không hử, chứ đừng nói dạ với vâng. Ai xếp hàng cũng phải rón rén xu nịnh cô, kẻo lỡ cô phật ý thì mình khỏi được mua hàng. Điều ấy ngang với trời sập đấy!
Nhà nào cũng phải cử người xếp hàng từ tờ mờ sáng. Mặc kệ thiên hạ cứ nhâu nhâu ngoài kia, các cô mặt lạnh hơn tiền, cắt tem phiếu, ghi sổ, thu tiền rồi trịch thượng ném hàng cho người mua.
Túi hàng tết sẽ có ít thịt, ít măng khô, miến, bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương, mì chính, hộp mứt tết, gói chè mạn, bao thuốc lá, một chai rượu, bao diêm… Là những thứ thiết yếu để các bà nội trợ làm mâm cỗ tết và bày biện thắp hương, tiếp khách. Tùy theo tem phiếu loại gì, được cung cấp bao nhiêu món thì sẽ có từng đó, chứ hiếm nhà nào có đủ đầy.
Nhà đông con, cái túi tết kia không thấm vào đâu. Tiền cuối năm chẳng có, khó khăn, mẹ tôi về nhà vét xem còn ít vải nào không (chẳng là mẹ tôi làm công nhân may, cuối năm được thưởng vải mới). Vải thì chẳng nấu lên ăn được, nhưng mang vải ra chợ bán tống bán tháo, có khi lại gom thêm được ít tiền mua đồ tết.
Chưa đủ tiền mua con gà cúng giao thừa nên bố tôi đành tháo nốt đôi dép nhựa trắng mới mua hôm bán được hàng. Làm thế nào thì làm, kiểu gì cũng phải xoay đủ tiền mua con gà cho mấy cái tàu há mồm ở nhà. Dép thì chỉ để diện được một mình, tết mà không có thịt gà thì thôi gọi gì là tết. Thế nên bố tôi đành “hy sinh” đôi dép ấy để gom tiền mua một con gà cho nhà ăn tết. Vậy là bán cả vải, bán cả dép, để gom tiền mua đồ ăn tết tàm tạm là.
Giao thừa bên mâm cỗ tết
Các cụ thường răn: “Đói quanh năm no ba ngày tết”. Tết là phải được ăn các món ngon, mà cứ tết mới làm, tết mới nấu, tết mới có.
Hồi ấy, người ta vẫn được quyền đốt pháo. Chưa đến tết, bọn trẻ con đã ra nhà bà Biểu đầu xóm, mua ít pháo tép, dùng que hương châm, rồi vứt vào người nhau, cười như nắc nẻ.
Ngoài trời lạnh tê tái. Và giao thừa hình như thường hay mưa phùn lây rây…
Mẹ mặc cho tôi cái áo len mới, rồi ngồi nghiêm chỉnh bên bàn uống nước. Ở trên bàn, đã có sẵn một lọ hoa violet màu tím, hoa thược dược và hoa lay-ơn. Mẹ tôi loay hoay cả chiều để cắm lọ hoa, cho dù nó cũng không nhiều lắm, mỗi thứ một tí, nhưng đầy đủ cả.
Sau này tôi biết, đó là nỗ lực hết sức của mẹ - bởi cái sở thích tết phải có lọ hoa của người Hà Nội. Bố bật ti-vi, lúc nào cũng vang lên bài hát của ban nhạc Abba “Happy new year” với bài “Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ”.
Ăn một chút cơm sau giao thừa, lúc ấy cũng phải hơn 1 giờ sáng. Mùng Một tết, mặc thật đẹp, cả nhà đi xe điện lên bờ Hồ qua hiệu ảnh Quốc Tế chụp kiểu ảnh rồi đi lễ chùa, xong xuôi mới đi thăm ông bà. Phố phường lúc ấy quang vắng, cảnh vật yên tĩnh, trầm mặc.
Rồi những cái tết thời bao cấp cũng đi qua. Nhưng hương vị của ngày tết xưa cũ vẫn ùa về. Tới tận bây giờ, có ăn hàng trăm lần bánh chưng, cũng không thể nào thấy ngon bằng hồi nghèo khổ ấy. Bát canh bóng, canh măng của mẹ, ngon thấm tới định kiến rằng, chẳng ai nấu ngon bằng mẹ.
Tết nay, tết xưa, tết trong ký ức, trong tâm tưởng, nó cũng giống như làn khói mờ - tưởng rằng đã tan biến nhưng vẫn còn lưu hương, phảng phất khó quên. Hoài niệm của một thời không quên!