Hội An gắn OCOP với dịch vụ du lịch

ĐỖ HUẤN 24/04/2020 06:01

TP.Hội An quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP năm 2020 đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, mang tính thương mại cao và gắn với ngành dịch vụ du lịch được hy vọng nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Dịch vụ du lịch trải nghiệm tại vườn rau Thanh Đông được Hội An chọn đăng ký sản phẩm OCOP năm 2020. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Dịch vụ du lịch trải nghiệm tại vườn rau Thanh Đông được Hội An chọn đăng ký sản phẩm OCOP năm 2020. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Năm 2019 Hội An có 7 sản phẩm đăng ký đều được xếp hạng cấp tỉnh, gồm 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao là Trà gừng Cù Lao Chàm (Công ty CP Tập đoàn Hiền Anh), Đèn lồng Hội An (Công ty Hoa Nam), tương ớt, mè (Công ty Đại Chí Foods); hạng 3 sao có 4 sản phẩm là Đĩa Chùa Cầu Hội An (Cơ sở Mộc truyền thống Kim Bồng Xuân Nguyên, xã Cẩm Kim), Nước mắm Tư Tài (Cơ sở nước mắm truyền thống Tư Tài, xã Cẩm Thanh), Sợi mỳ cao lầu (Cơ sở Tô Văn Bình, phường Sơn Phong) và Bánh đậu xanh (Cơ sở Nguyễn Thị Bông, phường Thanh Hà). Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại của chương trình và các sản phẩm OCOP chuyển biến tích cực.

Bà Nguyễn Thị Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố có 4 cửa hàng đã kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP của Hội An, các địa phương trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận. Năm 2019, Phòng Kinh tế thành phố duy trì và đưa hoạt động chợ phiên ổn định mỗi sáng Chủ nhật đầu tiên của tháng với hơn 30 gian hàng. Bên cạnh sản phẩm đặc trưng của Hội An, chợ phiên còn thu hút sản phẩm từ các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 3 sao trở lên.

Năm 2019, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình OCOP của TP.Hội An gần 2,4 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng, vốn của các chủ thể đầu tư gần 1,2 tỷ đồng.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể đầu tư và cộng đồng cư dân tham gia sản xuất được nâng lên đáng kể. Nhiều chủ thể đã tích lũy thêm kinh nghiệm, tìm được giải pháp nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và kết nối được các cơ sở sản xuất, các điểm bán hàng, hợp tác liên kết cùng có lợi, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chị Ngô Thị Thu - chủ cửa hàng “Xanh Xanh shop” cho biết, từ buổi đầu mở một shop bán hàng ở đường Cửa Đại vào năm 2015 với bộn bề khó khăn, nhưng nhờ kiên trì mục tiêu kinh doanh với các loại sản phẩm sạch, “Xanh Xanh shop” đã từng ngày phát triển, đến năm 2018 đã mở thêm cửa hàng thứ hai ở đường Lý Thường Kiệt. Hiện tại, “Xanh Xanh shop” giới thiệu, bán hơn 10 sản phẩm OCOP của Hội An và của tỉnh, như rau  hữu cơ Thanh Đông, gạo Phong Thử, dầu phụng Đất Quảng, bánh tráng Đại Lộc, nước mắm Cửa Khe Bà Lợi, tương ớt Đại Chí…, đồng thời nhập thêm nhiều sản phẩm từ những vùng miền khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Tăng số lượng, nâng chất lượng

Theo kế hoạch, năm 2020 TP.Hội An phát triển 10 sản phẩm OCOP mới, đồng thời nâng hạng sản phẩm Đĩa Chùa Cầu Hội An và Trà gừng Cù Lao Chàm. Các sản phẩm thành phố chọn đăng ký, ngoài đạt chất lượng, mang tính dịch vụ và thương mại cao, còn phải kết hợp quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Hội An, Quảng Nam.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Emic Travel, đơn vị phối hợp chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP “Dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp của Hợp tác xã Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông - xã Cẩm Thanh” cho rằng, với đặc trưng của các sản phẩm gắn với du lịch như điểm du lịch vườn rau Thanh Đông, cần chú trọng tính bền vững của sản phẩm.

“Để làm được điều đó, mong rằng Hợp tác xã Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông xây dựng quy trình, tổ chức những khóa tập huấn để làm cho các hoạt động du lịch được bài bản, quy củ và mang tính bền vững hơn. Bởi không dễ gì để điểm du lịch vườn rau Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh “Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu” vào năm 2018 và Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á bầu chọn “Điểm du lịch nông thôn bền vững” vào đầu năm 2020. Với Emic Travel, sẽ cam kết luôn đồng hành và sẵn sàng chia sẻ với hợp tác xã, tìm cách khai thác đem lượng khách đến với Thanh Đông ngày càng nhiều hơn” - ông Lê Hoàng Hà nói.

Đảm bảo chất lượng và tính bền vững của các sản phẩm OCOP cũng chính là góp phần nâng cao hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới Hội An có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trong chương trình OCOP năm 2020, điểm bán hàng OCOP của thành phố cũng như việc xúc tiến dự án hình thành Trung tâm OCOP cấp vùng tại Hội An theo chủ trương của tỉnh sẽ được thành phố tập trung tiến hành. Ý nghĩa của OCOP, tác dụng của sản xuất sạch rất lớn. Nếu kinh tế Hội An, trong đó có ngành công thương và ngành nông nghiệp, lựa chọn đi theo con đường đó, chắc chắn giá trị sản phẩm sẽ nâng lên gấp nhiều lần.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An gắn OCOP với dịch vụ du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO