Những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Tiên Phước có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Trên địa bàn huyện Tiên Phước, phụ nữ khu vực nông thôn chiếm gần 50% lao động toàn huyện (27.777/56.796), trong đó có nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề, nhất là những chị lớn tuổi, dẫn đến không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
Từ thực tế trên, cùng với định hướng của địa phương, Hội LHPN huyện xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập là một trong những điều kiện để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hằng năm, dựa vào nhu cầu học nghề của phụ nữ, các cấp hội xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngành chức năng, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em.
Trong 3 năm qua, các cấp hội phụ nữ toàn huyện đã phối hợp mở 29 lớp dạy nghề về chế biến món ăn, pha chế, thú y, chế tác sản phẩm từ mo cau, an toàn sinh học trong chăn nuôi, nghề may công nghiệp..., thu hút hàng nghìn lượt chị tham gia.
Qua các lớp đào tạo nghề giúp hội viên phụ nữ áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng triển khai các mô hình rau sạch (hiện có 839 mô hình), tham gia các dịch vụ cưới hỏi, mở quán, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát, làm công nhân tại các công ty may trên địa bàn…
Nhiều chị em tham gia phát triển du lịch sinh thái, như Hợp tác xã (HTX) du lịch sinh thái Làng cổ Lộc Yên, mô hình trải nghiệm du lịch ẩm thực Bánh xèo Xứ Tiên. Hỗ trợ HTX cau xanh Đất Quảng mở 2 lớp đào tạo nghề cho 50 thành viên, chị em vừa học vừa làm sản phẩm bán lại cho HTX, bước đầu tạo thu nhập cho học viên.
Tham gia chương trình của HTX cau xanh Đất Quảng, chị Đào Thị Hồng Niên cho biết, từ khi được đào tạo nghề và làm sản phẩm bán cho HTX, tôi có thêm nguồn thu nhập 3-4 triệu đồng mỗi tháng.
Hay các lớp may công nghiệp đã giới thiệu, hỗ trợ gần 2.900 lao động nữ làm việc tại các công ty ở Cụm công nghiệp Tài Đa - Tiên Phong, Công ty May Tuấn Đạt - Tiên Cảnh, Đồng Lợi - Tiên Thọ và các nhóm, tổ hợp may gia công tại địa phương,...
Áp dụng chính sách theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, các cấp hội còn phối hợp mở 18 lớp tập huấn cho 1.532 hội viên về quy trình thực hành nông nghiệp tốt - Vietgap trong trồng lòn bon, chăn nuôi bò ngoại lai; trị bệnh héo trên cây keo; cách trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh, măng cụt; chỉnh trang vườn nhà, tường rào, cổng ngõ…
Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng được các cấp hội gắn với thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, bằng các hoạt động cụ thể như: Tập huấn, đào tạo, trưng bày, giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hội thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ phương tiện khởi nghiệp tạo điều kiện cho 48 hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thành lập mới 5 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, nhiều HTX hoạt động hiệu quả như: HTX Hoa quế trầm hương, HTX Qna Farm, HTX Duyên Hà...; thành lập câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với hơn 20 thành viên tham gia.
Bà Lê Thị Na Vi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước cho biết, thời gian đến tổ chức hội tiếp tục phối hợp triển khai các lớp đào tạo nghề, tập huấn cho lao động, chú trọng những ngành nghề phù hợp phụ nữ nông thôn. Qua đó từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng lao động trong các ngành nghề phi nông nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch.
Hội tiếp tục liên kết, phối hợp với các công ty, xí nghiệp, tổ hợp may, HTX trên địa bàn huyện vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết lao động tại chỗ; đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần hỗ trợ thiết thực giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn trên địa bàn huyện trong giai đoạn hiện nay.