Nhờ đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến và đóng bao hạt lúa giống, HTX Nông nghiệp Bình Đào đã tăng giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Xã Bình Đào (Thăng Bình) có diện tích chuyên trồng lúa nước hơn 650ha nhưng lâu nay nông dân chủ yếu sản xuất theo truyền thống, thủ công. Từ năm 2016 đến nay, HTX Nông nghiệp Bình Đào thực hiện Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất lúa giống với một số công ty nhưng việc liên kết ở mức độ làm cầu nối để thu mua giống giữa công ty và người dân.
Do vậy, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất thâm canh đến chế biến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu hạt lúa giống Bình Đào theo chuỗi giá trị là nhu cầu hết sức cần thiết, đảm bảo tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và HTX.
Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào, xuất phát từ nhu cầu đó, từ vụ hè thu năm 2022, đơn vị đã thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ hạt lúa giống xác nhận theo chuỗi liên kết bền vững tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”.
Một hợp phần đáng chú ý trong dự án này là tiếp nhận chuyển giao quy trình chế biến và đóng bao hạt lúa giống. Theo đó, HTX đã lắp đặt một dây chuyền làm sạch, phân loại và đóng gói hạt giống theo quy trình như sau: Lúa tươi chuyển vào sấy được sử dụng bằng gầu tải, khi sấy xong (lúa khô) sử dụng máy tời lắp đặt tại cửa sấy, kéo nguyên liệu ra cửa vào thùng xuất nhập liệu và gàu tải chuyển lúa khô lên silo (thùng chứa) để chờ đóng bao hoặc chuyển sang máy làm sạch, phân loại và đóng gói sản phẩm... với công suất 2 tấn/giờ. Dây chuyền này đã giảm được chi phí và áp lực thiếu công lao động mùa vụ lúc thu hoạch.
Trong dự án này HTX đã được UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ đầu tư, trang bị hệ thống dây chuyền chế biến và đóng gói lúa giống với trị giá 291 triệu đồng. Qua thời gian vận hành và hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật phù hợp với quy mô sản xuất, HTX đã xây dựng, ban hành và hoàn toàn làm chủ đối với quy trình công nghệ chế biến và đóng gói hạt lúa giống.
Kết quả cụ thể: 8 kỹ thuật viên và 80 nông dân tham gia dự án nắm bắt và làm chủ được quy trình công nghệ từ khâu thu hoạch, sấy, chế biến, đóng gói sản phẩm hạt lúa giống cấp xác nhận HT1 và KD18.
Quy trình chế biến để cho ra sản phẩm hạt lúa giống cấp xác nhận đạt chất lượng phải bao gồm các công đoạn như thu hoạch thực hiện theo phương pháp “3 không” (không lẫn ruộng giống, không lẫn cơ giới, không lẫn bao bì); công đoạn sấy phải thực hiện “3 đạt” (đạt về thủy phần, đạt độ nảy mầm, đạt về màu sắc hạt giống)...
“Từ vụ hè thu năm 2023, HTX đã tiếp nhận và áp dụng quy trình vào vận hành, chế biến, đóng gói hạt lúa giống cấp xác nhận HT1 và KD18 với số lượng gần 60 tấn. Trong đó, sản lượng hạt lúa giống HT1 cấp xác nhận đã thu mua hơn 29,2 tấn được đưa vào chế biến, cho ra sản phẩm hơn 28,6 tấn (hao hụt 2%).
Sản lượng hạt lúa giống KD18 cấp xác nhận đã thu mua hơn 31 tấn, được đưa vào chế biến cho ra sản phẩm hơn 30,4 tấn (hao hụt 2%), cho thấy hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình này” - ông Võ Tấn Sanh cho biết.