Sở hữu nhiều “địa chỉ đỏ”, Hội An đang tìm cách thúc đẩy giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua việc phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn TP.Hội An” vừa qua.
Chứng tích của phong trào cách mạng
Hội An trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược là chiến trường ác liệt. Điều đó đã khiến vùng đất này còn lưu lại mạng lưới di tích về chủ đề chiến tranh cách mạng với số lượng khá nhiều, phân bố khá dày và phong phú loại hình.
Nổi bật trong số này là di tích nhà Đức An ghi dấu sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hội An vào tháng 10/1927; di tích Cây Thông Một ghi dấu sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam vào tối 28/3/1930; di tích Nhà ông Huỳnh Đủ ghi dấu sự kiện diễn ra hội nghị của Ủy ban khởi nghĩa Hội An vào ngày 17/8/1945, quyết định thời gian Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An trong Cách mạng tháng Tám năm 1945…
Đặc biệt, có 3 nhà lao do thực dân và đế quốc xây dựng ở Hội An, tồn tại kế tiếp nhau gồm: Nhà tù Faifo từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, Nhà lao Thông Đăng từ năm 1947 - 1959, Nhà lao Hội An từ năm 1960 - 1975.
Đây là 3 nhà lao quy mô lớn cấp tỉnh, ở mỗi nhà lao, địch giam cầm hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước trong tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh khác; trong đó, nhiều đồng chí sau này trở thành lãnh tụ của đất nước, cán bộ cao cấp của Trung ương, tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Quảng Nam - Đà Nẵng và các địa phương khác.
Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản Hội An cho hay, đặc điểm rất nổi bật về di tích cách mạng ở Hội An là có niên đại gần như xuyên suốt và phản ánh sinh động lịch sử Đảng bộ Hội An kể từ khi vận động thành lập tổ chức Đảng đến khi Đảng ra đời, lãnh đạo đấu tranh qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Sự kiện gắn với một số di tích cách mạng ở Hội An không chỉ là phản ánh phong trào cách mạng địa phương mà còn có tầm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng của vùng, quốc gia.
Truyền lửa đến thế hệ trẻ
Trong số khoảng 70 di tích lịch sử cách mạng tại Hội An, đã có 14 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 1 di tích đang trình hồ sơ để UBND tỉnh xem xét công nhận trong thời gian đến.
Riêng hệ thống nhà lao thời kỳ thực dân, đế quốc cũng đã được đề nghị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh lập hồ sơ để đề nghị cấp thẩm quyền xếp hạng cấp quốc gia. Có thể nói, đây là bộ phận di sản có ý nghĩa quan trọng cấu thành nên giá trị chung của di sản văn hóa Hội An.
Nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam cho biết, hiện nay các di tích lịch sử tại Hội An đều được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, dựng bia, được nhiều đơn vị, địa phương đánh giá cao.
“Thực tế ở khía cạnh xã hội, hầu hết học sinh có đam mê tiếp cận di tích lịch sử cách mạng đều suy nghĩ rất tích cực, học tập, làm việc có trách nhiệm. Do đó, cần lan tỏa rộng rãi việc giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn bộ học sinh. Từ lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước, các em sẽ hiểu và biết ơn gia đình, sống có trách nhiệm với xã hội” - ông Trần Văn An nói.
Cô Phan Thị Thanh Ly - giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (TP.Hội An) cho biết, ngoài việc dạy kiến thức lịch sử đảm bảo phẩm chất năng lực đã linh hoạt tích hợp giáo dục truyền thống qua di tích trong các tiết dạy.
“Đơn cử như việc mở rộng giới thiệu thêm cho học sinh về tổ chức Nghĩa hội và tiểu sử nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu (quê ở TP.Hội An) - một lãnh tụ trong phong trào Cần Vương tại Quảng Nam khi tìm hiểu về một số cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương tại Quảng Nam những năm 1885 - 1896; giải thích thêm về sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gắn với di tích Cây Thông Một (phường Tân An, TP.Hội An) khi tìm hiểu về Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; giới thiệu hình ảnh về nhà lao Thông Đăng (phường Cẩm Phô) gắn với hoạt động tìm hiểu cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954)…” - cô Thanh Ly chia sẻ.
Theo Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cần tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh học tập, tham quan, trải nghiệm.
Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết với Ban Quản lý các nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Thiếu Nhi Đà Lạt, Nhà tù Côn Đảo… tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, tuyên truyền, quảng bá, giao lưu, hợp tác phát triển; kết nối các điểm tham quan Nhà lao hội An - Cây thông Một - Rừng dừa Bảy Mẫu… để đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua di tích lịch sử cách mạng.
Với đặc thù là đô thị du lịch, thời gian qua một số di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Hội An cũng được đông đảo du khách quan tâm, tìm hiểu như: Di tích Rừng dừa Bảy Mẫu, Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh tại di tích nhà Đức An, Nhà lao Hội An… Hiện có 2 dự án trọng điểm là tu bổ, tôn tạo di tích Rừng dừa Bảy Mẫu và di tích Cây Thông Một đã có chủ trương và đang xúc tiến thủ tục triển khai trong thời gian đến.