Ngày hội sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại huyện Tiên Phước năm 2023 đã diễn ra sôi động từ ngày 29/9 - 1/10 với nhiều hoạt động kết nối giao thương sôi nổi.
Hoạt động thiết thực
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Ngày hội sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại huyện Tiên Phước nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trên địa bàn tỉnh trưng bày, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp nông thôn đặc trưng của địa phương đến du khách, người dân trong và ngoài huyện.
Đồng thời quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên, quảng bá ẩm thực đặc trưng xứ Tiên khi ngày hội được tổ chức tại Tiên Phước.
Ông Minh cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến giao thương cho sản phẩm miền núi. Ngày hội sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác, tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tập trung chủ yếu vào các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhằm phát huy thế mạnh, tiềm lực của địa phương; đẩy mạnh phát triển tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, bền vững.
Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh nắm được năng lực cung ứng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, thị hiếu khách hàng về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để có chiến lược đầu tư, cải tiến và sản xuất phù hợp.
Tạo cơ hội để các chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo kết nối với các hệ thống bán hàng chuyên nghiệp trong nước để hướng tới tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài.
Tại ngày hội, có 110 gian hàng tham gia trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các huyện trong tỉnh, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Phước và các chủ thể sản xuất sản phẩm.
Đặc biệt, trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra hội nghị kết nối giao thương giữa các đơn vị cung ứng sản phẩm Quảng Nam với Tập đoàn Central Retail. Qua hội nghị này đã kết nối giao thương, nắm bắt nhu cầu, mong muốn và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu khi tham gia tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán hàng chuyên nghiệp.
Kết nối cung cầu
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail, đây là tập đoàn bán lẻ đang có hệ thống siêu thị trong cả nước và đưa hàng sang Thái Lan. Tại Quảng Nam có 2 siêu thị của tập đoàn tại TP.Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn.
Đại diện các bộ phận của tập đoàn đã giới thiệu đến các chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các quy trình cung ứng, đưa hàng vào hệ thống siêu thị, khả năng tổ chức các tuần tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong hệ thống siêu thị của tập đoàn.
Trao đổi với các chủ thể sản phẩm, bà Hiền nói: “Trước khi đưa sản phẩm vào siêu thị thì các chủ thể nên đi siêu thị, nếu bao bì sản phẩm không ấn tượng, bắt mắt thì rất khó tiêu thụ.
Chúng tôi đi nhiều nên thấy bà con có nhiều sản phẩm tốt nhưng chưa tiêu thụ được qua hệ thống siêu thị. Hàng vào siêu thị phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ chủ thể mọi thủ tục để đưa hàng vào siêu thị tiêu thụ. Hàng vào siêu thị không dễ, nhưng vào siêu thị tiêu thụ được thì siêu thị khác cũng khảo sát và đặt hàng.
Sản phẩm của Quảng Nam có thể đi đến các tỉnh thành khác, thậm chí đi thị trường nước ngoài mà cụ thể là Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan thông qua hệ thống siêu thị của tập đoàn.
Hiện nay hàng của Quảng Nam chưa thể đi xa vì không đủ năng lực sản xuất, năng lực vận chuyển. Ví dụ như nước rửa chén, tinh bột nghệ hiện nay trên thị trường tỷ lệ cạnh tranh là 1/1 triệu. Vì vậy cần kiên trì marketing cho hàng của mình”.
Các chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng đại diện của Tập đoàn Central Retail đã trao đổi, thông tin hai chiều nhằm tiến tới có những sự hợp tác sau hội nghị này.
Những lỗi về bao bì sản phẩm chưa bắt mắt, thủ tục vào siêu thị còn thiếu, kết nối với hệ thống thu mua của siêu thị và nhập hàng ra sao, năng lực sản xuất của chủ thể... đều được hai bên trao đổi khá kỹ.
Bà Lương Thị Mỹ Trinh - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Đất Quảng (Tiên Hiệp, Tiên Phước) nói, bà đã được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức rất bổ ích trong việc tìm cách đưa các sản phẩm của HTX vào siêu thị.
Không chỉ là hội nghị hôm nay, bà Trinh mong muốn Tập đoàn Central Retail sẽ tiếp tục dành thời gian tư vấn và hỗ trợ các chủ thể để có thể hiện thực hóa kết quả về sự hợp tác.
Hay như ông Hứa Đại Dương - đại diện HTX Bánh tráng lề Địch Yên (xã Tiên Phong, Tiên Phước) mong muốn Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP kết nối được với nhiều đơn vị như Tập đoàn Central Retail, các doanh nghiệp bán lẻ mạnh, vì đây là kênh tiêu thụ sản phẩm mong muốn hướng tới của các chủ thể OCOP.