Thời điểm này, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam đã về bờ an toàn và có được thu nhập khá với chuyến biển cuối năm. Theo ghi nhận, nghề khai thác mực xà thắng lớn, các nghề khác cũng đạt hiệu quả.
Thắng lợi đánh bắt mực xà
Ngày 22/1 (12 âm lịch), tàu vỏ thép QNa-91439 hành nghề lưới chụp của ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cập cảng cá Tam Quang sau chuyến khai thác hải sản 20 ngày với 10 bạn biển ở ngư trường Hoàng Sa.
Ông Nghị cho biết, với 4 tấn mực xà khô thu được, bán gần 600 triệu đồng, trừ chi phí còn gần 300 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 10 triệu đồng. Ngay khi bán xong hải sản, ông Nghị đã tất niên, cúng biển và cho hay sẽ vươn khơi bám biển sau Tết Nguyên đán. Các lao động trên tàu cá QNa-91439 cũng cho biết, với thành quả của chuyến biển đạt, có thu nhập để lo tết, sum vầy cùng gia đình.
Năm 2023, ngư dân toàn tỉnh khai thác được hơn 100 nghìn tấn hải sản. Các nghề chủ lực gồm câu mực khơi, lưới chụp, lưới vây thu được sản lượng khá. Các nghề câu cá hố, lưới rê hỗn hợp cũng đem lại thu nhập khá cho ngư dân. Đến nay, toàn tỉnh có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động tham gia; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia.
Ông Nguyễn Văn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Giang (Núi Thành) cho biết, trên địa bàn có 44 tàu cá hành nghề câu mực khơi và lưới chụp cùng khai thác mực xà ở ngư trường Trường Sa.
Đến nay, hầu hết tàu đã về bờ sau chuyến biển cuối cùng của năm. Chủ các tàu cá và ngư dân có thu nhập khá nhờ đạt sản lượng và mực xà khô đang có đầu ra ổn định với mực dao động 145 - 160 nghìn đồng/kg.
“Ngư dân theo nghề lưới chụp và câu mực khơi cùng thắng lớn, thu được giá trị kinh tế cao, góp phần tạo động lực để họ kiên tâm bám biển” - ông Lúc nói.
Theo các tư thương buôn bán mực xà ở xã Tam Quang, mọi năm mực xà chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc nên có lúc mất giá. Nay mực xà khô xuất khẩu sang nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á nên giá cả ổn định hơn.
Trong bối cảnh, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu khác tăng giá, chi phí chuyến biển cao, việc “ăn nên làm ra” với nghề lưới chụp và câu mực khơi đã mang lại tín hiệu tích cực cho nghề biển Quảng Nam vào thời điểm này.
Kỳ vọng bội thu
Không khí những ngày cuối năm tại bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) hay Thanh Hà (TP.Hội An) khá sôi động. Nhiều tàu cá đang chuẩn bị dầu, đá cây, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng cho chuyến đánh bắt cuối cùng của năm.
Ngư dân Trần Văn Chín (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu cá QNa-92378 hành nghề lưới rê hỗn hợp 3 lớp cho biết, trong năm 2023, anh cùng các bạn biển ra khơi được 12 chuyến biển, trong đó 8 chuyến đánh bắt có lãi, còn lại là hòa vốn.
Chuyến ra khơi cuối năm âm lịch này, anh dự định đi 10 ngày, khoảng 25 tháng Chạp sẽ vào bờ và nghỉ ăn tết cùng gia đình. “Mùa này biển thường có gió mạnh, thời tiết lạnh, thất thường nhưng hy vọng sẽ có nhiều cá nhám, cá thu, cá ngừ. Mong chuyến biển bội thu để chia vui cùng bạn biển và đón tết an lành, sung túc” - ông Chín nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo dự báo, thời tiết trên biển những ngày cuối năm không thuận lợi nên ngư dân ra khơi cần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ngư dân cần trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc hàng hải, nhất là radio, thiết bị liên lạc, giám sát hành trình để nhận biết các bản tin thời tiết trên biển và liên hệ với các ngư dân khác cùng ngành chức năng khi không may có tình huống bất ngờ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, thủy sản để theo dõi hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân vào những ngày cuối năm để kịp thời hỗ trợ khi cần, nhất là công tác cứu nạn, cứu hộ.
“Chúng tôi luôn khuyến khích ngư dân vươn khơi theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi biển động, thời tiết thất thường, nhất là thông tin về ngư trường có nhiều hải sản hoạt động cũng như giá cả bán ra khi về bờ” - ông Dũng nói.