Chính trị

Khe Cổng - chứng tích vượt thời gian

HOÀNG LIÊN 22/06/2024 07:47

Trên mảnh đất Đại Hồng (Đại Lộc), công trình Nhà bia di tích lịch sử Khe Cổng vừa được trùng tu, tôn tạo trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ.

khe-cong-4.jpg
Khe Cổng trở thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: H.LIÊN

Theo các nguồn sử liệu của xã Đại Hồng và huyện Đại Lộc, ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Thực hiện đường lối của Đảng, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Hồng đã cùng nhân dân toàn huyện bước vào cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, mà trước mắt là đấu tranh chính trị để thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng.

Lúc này, địch tiếp quản địa bàn từ Đà Nẵng đến bắc sông Thu Bồn, trong đó có Đại Hồng. Phong trào cách mạng của ta cũng gặp nhiều tổn thất nặng nề; 5 đồng chí của ta gồm Ngô Lưu, Phan Thanh Long, Nguyễn Đức Tám, Trần Xưởng, Phan Thanh Thủ lần lượt rơi vào tay giặc.

Theo ông Nguyễn Quốc Mên (SN 1936, thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng), một cán bộ lão thành cách mạng chia sẻ, khoảng 22 giờ ngày 11/12/1954, địch đem 5 đoạn vải trắng dùng để bịt mắt 5 đồng chí, trước khi xử bắn. Trước đó, chúng đã đào sẵn 2 cái huyệt cách nhau 10m.

Đồng chí Nguyễn Đức Tám và Phan Thanh Long bị bắn hy sinh tại chỗ. Đồng chí Phan Thanh Thủ không chết mặc dù đạn trúng vào tay trái và ngực. Các đồng chí Trần Xưởng và Ngô Lưu bị bắn trượt. Khi địch bỏ đi, hai đồng chí chạy vào khe Hóc Chùa, rồi trèo núi chạy qua Đại Thạnh, được quần chúng bí mật cứu chữa.

“Địch chọn Khe Cổng làm nơi thủ tiêu 5 đồng chí bởi địa điểm này khá thuận lợi cho chúng dễ ra tay thủ tiêu, phi tang về tội ác. Tuy nhiên, vừa bắn xong, sợ quần chúng phát giác, những tên sát nhân vội vàng mang súng bỏ đi, không kịp lấp hố phi tang. Nhờ đó một vài đồng chí của ta có cơ hội sống sót” - ông Mên kể lại.

khe-cong-1.1.jpg
Nhà bia tưởng niệm Khe Cổng vừa được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: H.LIÊN

Di tích lịch sử Khe Cổng - chứng tích tội ác của giặc cho tới nay vẫn còn nguyên vẹn. Bà Hứa Thị Mận (công chức văn hóa - xã hội xã Đại Hồng) chia sẻ, tháng 7/2004, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Hồng đã xây dựng nhà bia di tích cách Khe Cổng khoảng hơn 100m theo hướng Nam bên trên bờ đông của Khe Hóc Chùa.

Vừa qua, UBND xã Đại Hồng khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo nhà bia di tích với tổng kinh phí 650 triệu đồng, từ nguồn kinh phí của huyện Đại Lộc và xã Đại Hồng.

Ông Phạm Ích Khiêm - Chủ tịch UBND xã Đại Hồng chia sẻ, UBND xã Đại Hồng tiếp tục chỉ đạo ngành văn hóa - thông tin phối hợp với các hội - đoàn thể chăm sóc, quản lý, tổ chức trồng cây xanh, bảo vệ không để xâm hại đến khuôn viên di tích.

Di tích đã được Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đại Lộc lập hồ sơ khoa học đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, xếp hạng di tích cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khe Cổng - chứng tích vượt thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO