Tạp văn

Khi kỷ niệm đi qua

NY AN 07/07/2024 09:51

Hôm bữa, khi bạn tôi dọn dẹp phòng đã tiện tay lau bụi hộp đựng đồ kỷ niệm. Bạn nhìn thấy chiếc bảng tên hồi học lớp mười hai, liền chụp hình khoe với tôi.

Học sinh Quảng Nam tham gia tư vấn tuyển sinh. Ảnh: M.C
Kỷ niệm tuổi học trò. Ảnh: M.C

Thật trùng hợp, tôi cũng cất giữ chiếc nhãn in tên mình thời cấp ba như một báu vật. Đã có quãng đời, chiếc bảng thêu tên trên ngực trái là niềm tự hào vô bờ đối với chúng tôi.

Ngày trước, má tôi tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ thẳng tắp để may bảng tên lên áo trắng của mấy đứa con. Trong đường may gởi gắm ước mơ tương lai lẫn lo lắng về học phí mà má lặng lẽ giấu đi. Mỗi năm trôi qua, đứa con có thể vì nhà nghèo mà mặc lại áo cũ nhưng bảng tên luôn phải đổi.

Tôi vẫn nhớ, bài thực hành môn thủ công đầu tiên mà tôi hoàn thành xuất sắc ở trường tiểu học chính là tự tay thêu bảng tên lên áo của mình. Họ tên và lớp phải được thêu đầy đủ, đúng chỉ màu quy định.

Hồi đó, đứa nào chưa kịp may bảng tên cố định hoặc lỡ làm rơi mất sẽ bị “đội sao đỏ” nhắc nhở hoặc cô giáo ghi lỗi vào “sổ đầu bài”. Việc học hành cần chỉn chu, có mỗi cái nhãn định danh mình mà không chăm chút thì có thể làm được gì ra hồn ra dáng.

Tới khi học phổ thông, chiếc bảng tên thêu dần chuyển thành dạng in chữ có lớp keo phía sau, dùng nhiệt độ cao để dán dính lên vải. Thế là đứa con gái ở trọ học xa nhà phải gọi về cho má hỏi cách dùng bàn ủi, mày mò tự học cách ủi chiếc bảng tên sao cho thẳng thớm, bám chặt vào áo dài trắng mà không bị cháy.

Để rồi, khi kết thúc buổi lễ tri ân trưởng thành, có nhỏ học trò lau nước mắt gỡ chiếc nhãn in tên mình cùng phù hiệu ngôi trường thương nhớ, cất giữ vào hộp lưu niệm. Chẳng ai bảo ai, vậy mà người bạn của tôi cũng làm y chang thế.

Ngày lớn lên, rất nhiều lần tên tôi được in ở một nơi khác, có thể là thẻ sinh viên, thẻ nhân viên… Thế nhưng, chiếc bảng tên năm học lớp mười hai ấy vẫn luôn được trân quý như chưa hề bị thời gian làm cho phai màu mực.

Bởi lẽ, đó là cột mốc đáng nhớ nhất thời thanh xuân. Những ngày tháng học trò không thể quay trở lại ấy, những kỷ niệm buồn vui tuổi mộng mơ thơ dại, chúng tôi luôn khắc sâu trong tim mình.
Hơn mười năm sau ngày ra trường, thỉnh thoảng vẫn có đứa hoài niệm chuyện cũ. Khi chúng tôi cầm trên tay chiếc bảng tên in trường lớp đã mờ dần, thấy sống lại niềm kiêu hãnh thuở trước, biết rằng bản thân đã từng thuộc về một nơi có quá nhiều yêu thương và bao dung.

Một ngày cuối tháng 5 phượng vĩ nở đỏ trời, trong mùa bế giảng tri ân, tôi cùng đám bạn quay về thăm chốn cũ. Chợt thấy đứa học trò nhỏ cũng gỡ bảng tên trên ngực áo và đưa lên môi mình hôn nhẹ. Lòng bồi hồi nhớ biết mấy thầy cô, bạn bè. Đứng giữa trường xưa mà thầy tôi còn đâu nữa. Bên tai dường như vẫn văng vẳng câu thơ năm đó của thầy:

“Buổi con về bịn rịn trước trường xưa
lá che cho con buổi chiều bé lại
có một người bị nắng chiều đến hái
có một người bị kỷ niệm đi qua” .

(thơ Trương Vũ Thiên An)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi kỷ niệm đi qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO