Y tế

Khó khăn bủa vây y tế cơ sở

XUÂN HIỀN 22/08/2024 09:15

Tự chủ tài chính khi nguồn thu sụt giảm sâu khiến nhiều cơ sở y tế, đặc biệt ở tuyến huyện rơi vào tình thế khó khăn. Chưa kể, các trung tâm y tế luôn trong cảnh thiếu hụt nhân lực.

dscf0433.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu phải có phương án cụ thể để gỡ khó cho các TTYT hiện nay. Ảnh: X.H

Nguồn thu giảm sâu

Đại diện Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thăng Bình chia sẻ, hiện đơn vị đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là việc tự chủ một phần về tài chính.

Từ tháng 5/2024 về sau với tình hình nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp, đơn vị dự báo không đảm bảo nguồn trả lương và không trả được các chế độ cho viên chức, người lao động kịp thời. Do hệ điều trị thực hiện tự chủ nhóm 3 nên nguồn thu tại đơn vị luôn thu không đủ chi.

Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại TTYT giảm sâu, nên từ năm 2021 đến nay, TTYT Thăng Bình chỉ tập trung chi trả lương để đảm bảo mức thu nhập cơ bản cho cán bộ viên chức. Các khoản chi khác theo chế độ, đơn vị này chưa chi trả kịp cho cán bộ viên chức.

Thu không đủ chi, trong khi đứng trước quy định về tự chủ tài chính đã đẩy các TTYT vào tình thế khó khăn. Đặc biệt với các địa phương miền núi, hệ điều trị phải xoay xở mới có thể “giữ chân” cán bộ y tế.

Đại diện TTYT huyện Nam Giang cho rằng, nên chăng bãi bỏ cơ chế tự chủ tài chính cho các TTYT miền núi. Đây cũng là mong muốn của TTYT huyện Tiên Phước khi cho rằng, các đơn vị bệnh viện hạng III trên địa bàn tỉnh không đảm bảo nguồn thu, do vậy không đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ viên chức.

Đại diện TTYT huyện Tiên Phước mong muốn ngân sách nhà nước chi trả tiền lương cho cán bộ viên chức của hệ điều trị.

Đối với các huyện miền núi, cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn không phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương vùng cao. Đại diện TTYT huyện Tây Giang cho biết, nguồn thu hiện nay không đủ để hoạt động và thanh toán các khoản công nợ, chi trả các chế độ cho người lao động, tái đầu tư để phát triển.

Việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ khám chữa bệnh. Thế nhưng, năm 2022, nhiều TTYT được giao tự chủ tài chính nhóm 2 theo phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025.

Mới đây, TTYT huyện Đông Giang và TTYT huyện Hiệp Đức được UBND tỉnh điều chỉnh sang mức độ tự chủ nhóm 3 (tỷ lệ 39%) với thời gian thực hiện tự chủ ổn định trong 2 năm 2024 - 2025.

Hiện nay, nhiều TTYT ở miền núi đề xuất được điều chỉnh sang mức độ tự chủ nhóm 4, thậm chí đề nghị bãi bỏ thực hiện phương án tự chủ tài chính.

Thiếu hụt bác sĩ

Năm 2014, Quảng Nam ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế với việc thu hút bác sĩ, bác sĩ có trình độ sau đại học về làm việc tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2015. Từ đó đến nay chưa có chính sách bổ sung, thay thế.

Các ca nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cũng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: PHAN VINH
TTYT huyện Duy Xuyên đã tìm cách thu hút bác sĩ về làm việc để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: PHAN VINH

Ông Đinh Hữu Long - Giám đốc TTYT huyện Quế Sơn cho biết, khi phân công nhiệm vụ khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội (theo Nghị định 146/52021/NĐ-CP) thì gặp vướng mắc, chỉ được thực hiện chuyên khoa đã được cấp giấy phép hành nghề, trong khi nhân lực ngành y đang thiếu hụt trầm trọng, đơn vị không đủ nhân lực để bố trí đủ các chuyên khoa.

“Nhiều năm qua, tại TTYT Quế Sơn hầu như các bác sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp không đăng ký thi tuyển vào làm việc. Trong khi số cán bộ cũ tại đơn vị đã lớn tuổi.

Chỉ cuối năm 2024 và năm 2025 nhiều cán bộ sẽ đến tuổi nghỉ hưu, do đó trong thời gian đến sẽ không có bác sĩ để thay thế đảm nhiệm chức năng này” - ông Long chia sẻ.

Đây cũng là thực trạng của hầu hết TTYT khi nhiều năm nay, số lượng bác sĩ về đơn vị rất ít. Đề nghị có cơ chế thu hút bác sĩ về làm việc tại TTYT tuyến huyện là yêu cầu của nhiều đơn vị hiện nay.

Báo cáo của Sở Y tế cho biết, nhân lực hiện có của ngành là 6.273 người. Trong đó, bác sĩ có 1.125 người (đạt 7,5 bác sĩ/vạn dân), dược sĩ 440 người (đạt 2,93 dược sĩ/vạn dân)…

Về hướng giải quyết tình hình thiếu hụt nhân lực hiện tại, đại diện Sở Y tế cho biết đang rà soát, đăng ký nhu cầu tuyển dụng viên chức năm 2024 để xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành y tế năm 2024 cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở (nhóm III, nhóm IV) trên cơ sở đề án vị trí việc làm được phê duyệt.

Sở Y tế cũng đã trình UBND tỉnh Kế hoạch tuyển dụng viên chức bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng hạng III tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế. Đồng thời, trình xin chủ trương xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ đối với đội ngũ bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế.

Đối với cơ chế tự chủ tài chính tại các TTYT hiện nay, theo Sở Y tế, các TTYT được quy định thuộc đơn vị tự chủ tài chính tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Đối với hệ dự phòng, y tế xã, ngân sách đảm bảo; đối với hệ điều trị, trong trường hợp thu không đảm bảo chi, ngân sách cấp bổ sung để đảm bảo chi lương cho người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao.

Tuy nhiên, để bổ sung kinh phí chi thường xuyên phải chờ quyết toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng tiến độ quyết toán bảo hiểm y tế rất chậm, nên không kịp thời có căn cứ trình bổ sung kinh phí chi trả lương cho người lao động.

Được biết, Sở Tài chính và Sở Y tế đang phối hợp để rà soát về phương án tự chủ của các đơn vị y tế. Theo đó, căn cứ phương án dự kiến mức độ tự chủ của đơn vị sẽ giảm xuống, đồng thời điều chỉnh mức tính đúng tính đủ và sẽ hỗ trợ theo tiến độ thu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng tại cuộc đối thoại trực tiếp và trực tuyến với cán bộ quản lý và công chức, viên chức ngành y tế mới đây, yêu cầu Sở Y tế tổ chức rà soát chi tiết về nhu cầu nhân lực của y tế tuyến cơ sở cũng như phối hợp với các Sở Tài chính và Sở Nội vụ đề xuất phương án tối ưu để gỡ khó cho các TTYT. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, đối với các TTYT miền núi phải tính toán lại về cơ chế tự chủ, không thể để y tế miền núi đã khó lại càng khó hơn.

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn bủa vây y tế cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO