Khó kiểm soát sâm Ngọc Linh trên thị trường

VĨNH LỘC 13/10/2023 06:53

Gần đây, trên các trang mạng xuất hiện nhiều sản phẩm được giới thiệu là “sâm Ngọc Linh” với giá khá rẻ, thậm chí chỉ bằng 1 - 5% giá sâm Ngọc Linh Nam Trà My đang bán trên thị trường, gây ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Dù vậy, việc kiểm soát, xử lý các hành vi này rất khó khăn.

Sâm Ngọc Linh được bày bán ở Nam Trà My. Ảnh: V.L
Sâm Ngọc Linh được bày bán ở Nam Trà My. Ảnh: V.L

Lập lờ sâm Ngọc Linh

Ông N.V.T. (TP.Đà Nẵng), chủ một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết vừa mua một ký sâm Ngọc Linh trên mạng có giá chỉ 1,9 triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần so với sâm Ngọc Linh mua tại các hội chợ.

“Tôi mua về cắt lát ngâm mật ong để dành tặng đối tác cuối năm. Chắc chắn nó không thể là sâm Ngọc Linh Trà My chính gốc vì quá rẻ, nhưng người bán nói chất lượng cũng không thua kém gì. Với lại, mình mua tặng chứ có dùng đâu, mà mấy ai phân biệt được sâm nào là Ngọc Linh chính hiệu” - ông T. giải thích.

Gần đây, thông tin về sâm Ngọc Linh giá rẻ xuất hiện nhiều trên mạng internet. Tại trang facebook có tên “Sâm Ngọc Linh”, mỗi ngày có hàng chục thông báo rao bán sâm Ngọc Linh với giá chỉ vài trăm đến vài triệu đồng một ký.

Liên hệ một nickname có tên Hùng Đinh, người này thừa nhận những củ sâm Ngọc Linh này được nhập từ Trung Quốc nên giá thấp hơn sâm Trà My vài chục lần. Cụ thể, sâm nguyên thân lá loại 3 củ/kg giá 1,8 triệu đồng/kg; loại 5 - 6 củ/kg giá 1,1 triệu đồng/kg… Với loại củ (không thân, lá) giá 1,1 triệu đồng/kg (10 củ/kg), loại 4 củ/kg giá 1,5 triệu đồng/kg… “Bên họ trồng quy mô lớn nên giá mềm chứ chất lượng cũng tương đương” - người này khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My, sở dĩ những cây sâm trên giá rẻ vì hầu hết có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc như Lai Châu hoặc nhập từ Trung Quốc, hàm lượng dược liệu và saponin rất thấp, thậm chí bằng không nên vô giá trị.

“Đây là một dạng mạo danh sâm Ngọc Linh vì nó có hình dáng giống đến 80% sâm Ngọc Linh, chỉ khác nhau ở màu sắc và mắt củ sâm, đặc biệt là không có saponin. Nếu không xét nghiệm hoặc ít am hiểu về sâm Ngọc Linh khó thể nhận biết được.

Tất nhiên, một số người tiêu dùng vẫn hiểu với giá rẻ như vậy khó thể là sâm Ngọc Linh Trà My, chỉ sợ một số cơ sở kinh doanh gian dối nhập về trộn lẫn bán với giá trị của sâm Ngọc Linh chính hiệu thu lợi bất chính, nên khách hàng cần mua ở những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng” - bà Nga khuyến cáo.

Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My chủ yếu kinh doanh các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh như sâm củ, rượu ngâm củ sâm, rượu ngâm lá sâm, sâm mật… Nhiều khách hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh… cũng đặt mua.

Thiếu thiết bị kiểm định

Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của Việt Nam vì quý hiếm, dược tính cao, hiện tại chủ yếu được trồng tại Nam Trà My và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Riêng tại Nam Trà My, tổng diện tích sâm trồng khoảng 630ha, bình quân sau 5 năm thì thu hoạch. Không chỉ củ mà hạt, hoa, lá đều có giá cao, thậm chí một ký sâm có giá bán đến 200 trăm triệu đồng.

 

So với nhiều loại dược liệu khác, sâm Ngọc Linh rất khó trồng và thời gian để sâm đạt chất lượng có hoạt tính cũng rất lâu. Việc nhập nhằng sản phẩm mang tên “sâm Ngọc Linh” trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu quốc bảo mà còn mang đến sự hoài nghi, hoang mang cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tấn Luận - chủ cửa hàng đặc sản Quảng Nam “Nhân Hồng Đức” cho biết, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh của cửa hàng sụt giảm từ 20 - 30%.

“Nếu sâm nguyên thân củ còn có thể phân biệt chứ nếu cắt lát ra chế biến như ngâm mật ong thì chịu, nên khách hàng hoài nghi cũng đúng, nhất là với các hoạt động mua bán online trên mạng. Tôi mong các cấp ngành liên quan cần quyết liệt kiểm tra, phát hiện xử lý sâm mạo danh để giữ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh” - ông Luật nói.

Có thể khẳng định, sự xuất hiện của sâm “nhái” đã ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Dù vậy, khó có giải pháp quản lý và xử lý triệt để, đặc biệt với các giao dịch diễn ra trên mạng.

Theo ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, mặc dù đơn vị thường xuyên ra quân tăng cường kiểm tra các thông tin về mua bán sâm Ngọc Linh nhưng hầu như chưa phát hiện hoặc xử lý vụ nào do không bắt được tang vật.

“Các giao dịch diễn ra trên mạng, khi người mua đồng ý họ mới giao hàng chứ không trữ sâm tại chỗ nên mình kiểm tra không thấy gì, nếu có phát hiện cũng rất khó xác định sâm giả hay thật vì phải giám định chất lượng.

Chúng tôi đang phối hợp với an ninh mạng rà soát lại những người kinh doanh sâm trên mạng (zalo, facebook…), mời lên làm việc, khuyến cáo họ kinh doanh mua bán sâm đúng chất lượng, không lừa dối khách hàng” - ông Tịnh nói.

Tại lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 vừa diễn ra đầu tháng 8 tại Nam Trà My, ban tổ chức phát hiện hơn 2kg sâm nghi sâm giả nên không cho giao dịch tại hội chợ.

Ông Trịnh Minh Quý - Trưởng ban Kiểm định sâm Ngọc Linh thừa nhận, tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó bởi việc giám định sâm Ngọc Linh hiện nay hầu hết dựa vào kinh nghiệm và mắt thường, chưa có thiết bị máy móc kiểm định hỗ trợ.

“Năm 2019 UBND tỉnh có chủ trương bố trí kinh phí cho huyện trang bị hệ thống máy móc nhưng sau đó giao lại cho Sở NN&PTNT, từ đó đến nay không nghe nói gì. Bây giờ muốn kiểm định sâm giả hay thiệt phải gửi qua Kon Tum hoặc ra Bộ Công an nhưng mà lâu nay mình cũng chưa làm chuyện này” - ông Quý nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát sâm Ngọc Linh trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO