(QNO) - Với thế mạnh về tài nguyên bản địa, đặc biệt là các loại dược liệu và sự đa dạng bản sắc văn hóa, những năm qua, vùng cao Quảng Nam đã có nhiều dự án khởi nghiệp nổi bật. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vùng cao vươn xa ra thị trường lớn vẫn còn nhiều thách thức.
Anh Ríah Cường (SN 1991, thôn Arooi, xã Ga Ry, Tây Giang) theo học ngành Công nghệ thông tin ở Trường Đại học Quảng Nam với mong muốn tiếp cận, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật để về áp dụng, đóng góp cho quê nhà.
Làm quen với nhiều mô hình kinh tế, năm 2015, anh Cường về quê đào ao nuôi cá, sau đó anh thấy nhu cầu thị trường đối với cây đẳng sâm quá lớn nên anh đã đầu tư trồng gần 1ha loại sâm này.
Một thời gian sau, anh Cường tiếp cận với dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, anh được đưa đi học các kỹ năng phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên bản địa và cách tổ chức một số mô hình mới phù hợp với điều kiện núi rừng. Anh xác định, muốn nâng cao giá trị cho hàng nông sản và dược liệu vùng cao thì một mình anh sẽ không đủ nguồn lực.
Anh Cường cùng với 11 thành viên khác cũng là người đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang thành lập HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh. Sau này khi dự án phát triển, HTX kết nạp thêm một số thành viên là người Kinh, gia tăng nguồn lực tài chính.
Hiện nay, HTX đã phát triển nhiều dòng sản phẩm trong đó, có cao đẳng sâm, mứt đẳng sâm, rượu đẳng sâm và một số loại dược liệu đóng gói khác như ba kích, nấm lim, thất diệp nhất chi hoa... Chúng tôi cũng mở rộng liên kết với hơn 20 hộ dân ở các xã A Tiêng, Lăng, Ch'ơm, Ga Ry để xây dựng vùng nguyên liệu 20ha đẳng sâm và 20ha sâm ba kích.
Ríah Cường
Năm 2022, sản phẩm sâm hầm gà của HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Sản phẩm được đánh giá cao về mặt chất lượng và vươn ra thị trường ở các thành phố lớn.
Nhắc đến dược liệu Nam Trà My hay cơ sở trồng và bán sâm Ngọc Linh nơi đây có lẽ không thể bỏ qua thương hiệu Mười Cường của chị Hồ Thị Mười. Chị Mười là người Ca Dong, công tác tại Trung tâm Kỹ thuật mông nghiệp huyện Nam Trà My 20 năm nay. Ngoài thời gian làm giờ hành chính, nữ cán bộ này còn xuống từng thôn, nóc để cùng với người dân nghiên cứu cách làm kinh tế từ nông sản và dược liệu địa phương.
Chị Mười là người đồng bào đầu tiên, tiên phong trong việc đóng gói các sản phẩm dược liệu của vùng cao Nam Trà My như sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam, chè dây, nấm lim xanh, sâm nam... đưa ra thị trường. Năm 2019, mô hình kinh tế của chị được công nhận là dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Sau đó, chị có 2 sản phẩm là chè dây túi lọc và trà giảo cổ lam được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện cơ sở của chị Hồ Thị Mười có khoảng 10 dòng sản phẩm có tính thương mại hoá cao được chế biến từ các loại dược liệu. Khởi nghiệp ở vùng cao Nam Trà My gặp khó khăn do đường sá xa xôi, cách trở, chị Mười ý thức được sức mạnh của truyền thông và bao bì, nhãn mác.
Chị đầu tư khá "mạnh tay" vào việc nâng cấp mẫu mã cho thật bắt mắt, để tiếp cận được những thị trường khó tính. Hướng đi này đang mang lại hiệu quả tích cực khi sản phẩm của chị được trưng bày bên cạnh các dòng sản phẩm sang trọng của những công ty, tập đoàn lớn nhưng vẫn thu hút khách hàng.
Với diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu 10ha, chị Mười đã và đang triển khai trồng các loại dược liệu đặc trưng của Nam Trà My như sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam, sâm nam... Ngoài ra, chị còn liên kết, hợp tác sản xuất với hơn 100 nhóm hộ dân khác tại địa phương, tạo thành cộng đồng khởi nghiệp vùng cao.
Chị Bhling Thị Đôi (SN 1994, thôn Cha Lăng, xã Ch'ơm, Tây Giang) có 3ha đất rừng sản xuất. Không trồng keo lá tràm như những hộ dân trong khu vực, chị Đôi chọn cách xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho các thương lái. Chị trồng đẳng sâm xen dưới cây bắp, trồng gừng và đậu. Năm 2023, chị thu hoạch được gần 800kg sâm bán cho HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh và gần 5 tấn gừng bán cho thương lái. Tuy nhiên, mô hình của chị đang gặp bất ổn do liên kết thu mua sản phẩm thiếu bền vững.
Khi mình bán cho HTX ở địa phương thì họ chịu trách nhiệm lên chở, sau đó về chế biến thành phẩm. Nhưng bán cho thương lái ở nơi khác đến thì bị ép giá liên tục. Họ lấy lý do là chi phí vận chuyển cao, tiền chở mấy tấn gừng từ núi xuống đồng bằng tốn đến vài triệu đồng. Họ trừ vào tiền hàng thì cuối cùng tôi không lời được bao nhiêu. Công trồng, chăm sóc, đi hái từ núi về nhà tập kết, cộng lại không bằng tiền xe.
Bhling Thị Đôi
Còn trường hợp của HTX sinh thái rừng xanh rau sạch do chị Koor Thị Nghệ (xã Ga Ry, Tây Giang) làm giám đốc, khi đã đầu tư thiết bị máy móc để nâng cao giá trị nông sản miền núi bằng việc sấy khô, bảo quản, chế biến thô thì gặp vấn đề về nguồn điện. Ở vùng biên giới này, hạ tầng điện lưới quốc gia chỉ mới đảm bảo cho việc sinh hoạt, nên khi sản xuất với các loại máy cần công suất lớn thì điện lưới không đủ đáp ứng.
"Điện lưới hiện tại chỉ có 1 pha, trong khi các loại máy móc tôi đang sử dụng cần nguồn điện 3 pha nên tôi phải thuê xưởng sản xuất ở nơi khác rất xa vùng trồng. Có những khu vực điện chưa tới được, chúng tôi còn phải dùng máy nổ để phát điện. Chi phí sản xuất vì vậy mà đội lên rất nhiều. Sản phẩm khi đưa ra thị trường rất khó cạnh tranh".
Chị Koor Thị Nghệ
Ngoài những khó khăn về đường sá đi lại xa cách, hệ thống điện chưa được đồng bộ thì ở vùng cao cũng thường xuyên gánh chịu những thiên tai như lũ quét, sạt lở, mưa đá.
Vào mùa mưa, giao thông buôn bán từ vùng cao xuống đồng bằng gần như đứt hẳn. Gần đây nhất vào ngày 24/4, xã Ga Ry (Tây Giang) đã trải qua trận mưa đá lịch sử, nhiều diện tích cây trồng của người dân bị hư hỏng hoàn toàn.
Chị Đỗ Ngọc Ánh Tuyết (SN 1985, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) đưa sản phẩm heo đen F1 sấy khô và rượu nếp than (chưng cất từ rượu cần bản địa) vào danh mục sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh và mở rộng thị trường ra các tỉnh thành lớn trên cả nước. Năm 2023, chị Tuyết bán ra thị trường hơn 1 tấn thịt sấy khô thành phẩm và hàng trăm lít rượu nếp than.
[VIDEO] - Các chủ thể khởi nghiệp nói về những khó khăn trong quá trình kinh doanh sản xuất ở vùng cao:
Nắm được nhu cầu thị trường, chị Tuyết lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp từ phương pháp thủ công sang máy móc bán tự động để đảm bảo số lượng thành phẩm đầu ra. Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính hạn hẹp, chị Tuyết không đủ tiền đầu tư mà tính đến việc vay ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi.
Không gặp khó khăn về nguồn lực tài chính nhưng anh Trần Quang Tuấn (SN 2000, xã Trà Linh, Nam Trà My) lại phải gác lại kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và thương mại các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của mình vì thiếu nhân sự chất lượng cao. Với 3 vườn sâm ở 3 xã Trà Linh, Trà Cang và Trà Nam có số lượng sâm Ngọc Linh hơn 10.000 cây, trong đó có khoảng 5.000 cây đang trong lứa thu hoạch từ 5 tuổi trở lên, anh Tuấn dự định sẽ sản xuất các sản phẩm thương mại như nước cốt, tinh sâm, trà sâm,...
Trên thực tế, nhiều nhà máy, khu nghiên cứu dược liệu và sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My mở ra với quy mô khá hoành tráng về mặt thiết bị kỹ thuật nhưng cũng nhanh chóng đóng cửa do thiếu nguồn nhân sự.
Trở lại vùng cao Tây Giang những ngày đầu tháng 5, trên những ngọn đồi trước đây người dân chỉ biết trồng keo nay đã được thay thế bằng các vườn dược liệu quy mô lớn. Nhiều mô hình kinh tế tập thể như: HTX, tổ hợp tác được thành lập, tạo cơ sở pháp lý cho nguồn nguyên liệu mà người dân sản xuất được. Phần lớn các đơn vị này đã ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp, nhà máy ở đồng bằng để cung cấp nguyên liệu thô phục vụ sản xuất các sản phẩm chế biến sâu.
Ông Trần Đức An - Giám đốc Điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum cho biết, nhiều năm qua, đơn vị đã ký kết thu mua sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My và đẳng sâm của huyện Tây Giang. Trong chuyến khảo sát chất lượng đẳng sâm ở 2 xã Ch'ơm và Ga Ry vừa qua, ông An sẽ tiến tới ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho người dân nơi đây.
[VIDEO] - Ông Trần Đức An - Giám đốc Điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum:
Hầu hết dự án khởi nghiệp ở vùng cao đang có xu hướng tập trung sản xuất dược liệu thô, cung ứng cho các công ty, tập đoàn chuyên sản xuất thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm liên quan tới dược liệu, thuốc... với những biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế rõ ràng và ổn định. Trong đó, có hộ kinh doanh Mười Cường, mô hình trồng sâm Ngọc Linh của anh Trương Quang Tuấn, HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh, HTX sinh thái rau sạch rừng xanh... cũng đang theo hướng này.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho biết, những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam phát triển rộng khắp từ rừng xuống biển. Những dự án khởi nghiệp ở vùng cao có sự đột phá về số lượng và chất lượng khi phát huy thế mạnh về tài nguyên bản địa từ nông sản và dược liệu.
Đặc biệt, các dự án còn đầu tư cho sản phẩm khá chỉn chu về mặt hình ảnh, bao bì, nhãn mác. Chủ thể khởi nghiệp còn biết dựa trên văn hoá vùng cao của đồng bào mình, kể những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm, tạo điểm nhấn khi đưa ra thị trường.
Vì vậy, ngoài việc phát huy thế mạnh bản địa thì các chủ thể khởi nghiệp ở vùng cao cần liên tục học hỏi, trau dồi kỹ năng cần thiết để vận hành mô hình sản xuất kinh doanh của mình. Trang bị các phương pháp nuôi trồng dược liệu theo những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu làm được những việc này, tôi tin rằng, vùng cao Quảng Nam sẽ có thương hiệu mạnh về dược liệu mà nhiều địa phương khác không có được.
Ông Phạm Ngọc Sinh
Tuy vậy, ông Sinh cũng nhìn nhận, các dự án khởi nghiệp ở vùng cao vẫn còn bị hạn chế nhiều về điều kiện hạ tầng giao thông, nguồn lực tài chính và con người. Trong đó, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng quản lý kinh doanh của các chủ thể khởi nghiệp cũng còn nhiều thiếu sót so với mặt bằng chung hiện nay.
Thực hiện: PHAN VINH
Đồ họa: MINH TẠO