Kiểm tra liên ngành thủy nội địa: Phát hiện nhiều sai phạm

CÔNG TÚ 21/12/2023 09:15

Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa cấp tỉnh khi triển khai thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện nhiều sai phạm; qua đó yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình trên nước.

Lực lượng liên ngành kiểm tra điều kiện hoạt động của phương tiện vận chuyển khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: C.T
Lực lượng liên ngành kiểm tra điều kiện hoạt động của phương tiện vận chuyển khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: C.T

Phát hiện nhiều sai phạm

Thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa (ĐTNĐ) năm 2023 đã triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) của bến khách ngang sông, bến hàng hóa, công trình xây dựng, nhà hàng nổi.

Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành cho biết, phương tiện hoạt động tại bến thủy nội địa như Tam Hòa 1, Tam Hòa 2, Tam Hải (Núi Thành), Bạch Đằng, Cù Lao Chàm (Hội An) đã được đăng kiểm lại, lắp đặt biển báo hiệu đường thủy, nội quy hoạt động, niêm yết giá vé, thiết bị phòng cháy chữa cháy, tời bến… “Như vậy, nhiều bến đã khắc phục vi phạm đã chỉ ra qua quá trình kiểm tra năm 2022” - ông Lê Ngọc Sơn đánh giá.

Ngoài triển khai công tác tuyên truyền, Tổ kiểm tra liên ngành ĐTNĐ cấp tỉnh cho biết, qua kiểm tra một đợt của năm 2023 đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 15 trường hợp với số tiền xử phạt 61,5 triệu đồng. Trong đó, có 13 trường hợp vi phạm về phương tiện chở khách, chở hàng hóa, thuyền viên và người điều khiển phương tiện…

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Sơn chia sẻ còn đó một số bến chưa khắc phục hạn chế của năm 2022 hoặc lực lượng liên ngành mới vừa phát hiện sai phạm trong năm 2023. Chẳng hạn, bến Đồi Đá Đen (hồ Phú Ninh), có 3 phương tiện không hoạt động đang neo đậu tại bến và đã hết hạn kiểm định.

Tổ đã đề nghị chủ bến không được đưa các phương tiện này hoạt động khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Hay với bến khách ngang sông Tam Quang (Núi Thành), chủ bến chưa khắc phục hạn chế đã chỉ ra trong năm 2022, nay chưa có sự thống nhất cùng đơn vị khai thác phương tiện vận chuyển hành khách về việc khắc phục sai phạm.

Với bến khách ngang sông thôn 6 Tam Hải - thôn 1 Tam Giang (Núi Thành), một số hộ dân tự ý dùng phương tiện là ghe có động cơ không đủ điều kiện để đưa đón khách. Thực tế nêu trên đã vi phạm các quy định pháp luât về đảm bảo trật tự ATGT trên ĐTNĐ.

Tổ kiểm tra đã đề nghị chủ bến thông báo nghiêm cấm đưa các phương tiện không đủ điều kiện an toàn vào hoạt động tại hai đầu bến. Tổ kiểm tra liên ngành còn cho biết, chủ bến, người điều khiển phương tiện hầu hết tại bến khách ngang sông không hướng dẫn hành khách mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi cầm tay khi vận chuyển khách.

Kiểm tra nhà hàng nổi, tổ đã “tuýt còi” 3 phương tiện trên các tuyến sông do tỉnh quản lý. Những phương tiện này chưa kiểm định lại nhưng vẫn đang hoạt động. Trên lòng hồ các thủy điện Sông Tranh 2 và Sông Bung 4, phương tiện thủy thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người chủ yếu là do người dân sử dụng đi lại làm rẫy, đánh bắt thủy sản...

Cần chấn chỉnh quyết liệt

Lực lượng liên ngành chỉ rõ, các nhà hàng nổi hoạt động hơn 10 năm nay, nhưng chưa được đăng kiểm, cho nên nguy cơ mất ATGT và tiềm ẩn tai nạn giao thông là rất cao.

Nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình trên sông không thực hiện đúng phương án đảm bảo ATGT thuộc ĐTNĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa thực hiện rà quét, thanh thải kịp thời sau khi hoàn thành dự án.

Hầu hết chủ bến, người điều khiển phương tiện tại các bến khách ngang sông không hướng dẫn hành khách mặc áo phao, hoặc dụng cụ nổi cầm tay trong suốt quá trình vận chuyển.

Thành viên tổ liên ngành cho hay, một số địa phương có bến khách được cấp phép, nhưng bố trí phương tiện khai thác không đảm bảo theo quy định. Có trường hợp, cấp có thẩm quyền lơ là để người dân tự ý dùng phương tiện là ghe có động cơ không đủ điều kiện để hoạt động đưa, đón khách sang sông, vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Những địa phương chung quanh các lòng hồ chưa kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện và thực hiện công tác quản lý phương tiện theo phân cấp.

Ông Lê Ngọc Sơn cho biết, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên ĐTNĐ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tai nạn giao thông thủy, tổ kiểm tra đã tham mưu Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh đề nghị UBND cấp huyện, hoặc kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý bến khách ngang sông, phương tiện thủy nội địa thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý theo quy định pháp luật và phân cấp.

Đặc biệt, địa phương phải chú ý về đăng kiểm, đăng ký, trang bị an toàn kỹ thuật phương tiện hoạt động tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và các sông. Chú trọng kiểm tra an toàn phương tiện, người điều khiển, trang bị cứu sinh, về chấp hành trọng tải chở khách.

Cùng với đó, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo lực lượng chuyên trách của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong vận tải hành khách.

Chủ đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đúng biện pháp thi công đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt; thanh thải phần đất đổ xuống lòng sông không đúng quy định khiến luồng, ATGT phương tiện và thoát lũ bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm tra liên ngành thủy nội địa: Phát hiện nhiều sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO