(PR) - Phỏng vấn ngược, hiểu đơn giản là đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, là bước quan trọng giúp bạn đánh giá liệu công ty và công việc bạn đang nhắm đến có phù hợp với mục tiêu, giá trị cá nhân và định hướng phát triển của bản thân hay không. Kỹ năng này nếu được thực hiện đúng cách không chỉ mang lại những thông tin giá trị mà còn giúp bạn để lại dấu ấn tích cực với nhà tuyển dụng, cụ thể là:
Hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của bản thân: Những câu hỏi bạn đặt ra sẽ giúp bạn xác định kỳ vọng sát với thực tế cho vị trí ứng tuyển, giảm thiểu rủi ro “ghép đôi” với một công việc không phù hợp.
Đánh giá sự tương thích với môi trường làm việc: Mỗi công ty đều có văn hóa, phong cách quản lý và tầm nhìn riêng. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ được nêu sơ qua trên tin đăng tuyển của các trang tuyển dụng Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội… Phỏng vấn ngược sẽ giúp bạn hiểu chi tiết hơn và xác định liệu công ty có đáp ứng được các tiêu chí mà bản thân coi trọng hay không.
Thể hiện mức độ quan tâm và sự chuyên nghiệp của bản thân: Đặt những câu hỏi sắc sảo và có chiều sâu chứng minh bạn không chỉ đến để tìm việc mà còn có mong muốn thấu hiểu và đóng góp lâu dài cho doanh nghiệp.
Phỏng vấn ngược: Nên hỏi câu gì? Tại sao?
Anh/chị có thể mô tả chi tiết hơn những nhiệm vụ chính của vị trí này không?
Thông thường, bảng mô tả công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra chỉ mang tính tổng quan. Thực tế, nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí sẽ có sự khác biệt đáng kể tùy theo nhu cầu của công ty. Thông qua câu trả lời của nhà tuyển dụng, bạn có thể nắm được khối lượng, mức độ phức tạp của công việc và nhận định những kỹ năng cần có để hoàn thành tốt vai trò của mình. Điều này giúp bạn tránh được sự hụt hẫng khi thực tế công việc khác xa so với kỳ vọng ban đầu.
Những kỹ năng, kinh nghiệm nào quyết định thành bại của em ở vị trí này?
Nhà tuyển dụng thường ưu tiên những kỹ năng hoặc kinh nghiệm mà họ không thể đào tạo trong ngắn hạn. Nắm được điều này, bạn có thể tự đánh giá bản thân đáp ứng bao nhiêu phần trăm yêu cầu công việc và cần nhanh chóng bổ sung những kỹ năng, kinh nghiệm nào trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện những kỹ năng nổi bật của mình và tự kết nối bản thân với những tố chất nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Thử thách lớn nhất mà vị trí này phải đối mặt là gì?
Công việc nào cũng có 2 mặt thuận lợi và thách thức. Hiểu rõ những thử thách của vị trí ứng tuyển giúp bạn chuẩn bị tâm lý tốt hơn khi đối diện với những khó khăn trong tương lai. Đồng thời, nếu bạn có ý tưởng để giải quyết thử thách đó, bạn có thể chia sẻ ngay trong buổi phỏng vấn để gây ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
Đội nhóm của em có bao nhiêu người? Phong cách làm việc của đội nhóm ra sao?
Thành công trong công việc không chỉ đến từ nỗ lực của cá nhân mà còn phụ thuộc vào sự phối hợp của đồng đội. Câu hỏi này giúp bạn hình dung quy mô của đội nhóm, mức độ phức tạp trong việc kết nối giữa các thành viên, phần nào đánh giá được bản thân có thể hòa nhập và làm việc hiệu quả trong môi trường đó hay không. Bên cạnh đó, hiểu phong cách làm việc của đội nhóm cũng giúp bạn cân nhắc khả năng đóng góp và học hỏi từ các thành viên khác.
Cấp trên trực tiếp của em có phong cách quản lý như thế nào?
Người quản lý có ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm và sự phát triển của bạn trong môi trường mới. Biết được phong cách quản lý của họ và cách họ hỗ trợ nhân viên trong công việc cũng như cuộc sống giúp bạn đánh giá bản thân có phù hợp với phong cách quản lý đó hay không, từ đó dự đoán về khả năng gắn bó của bản thân.
Văn hóa công ty chú trọng vào những giá trị nào?
Văn hóa công ty là một trong những yếu tố quyết định liệu bạn có thể gắn bó lâu dài với tổ chức hay không. Vì lẽ đó, câu hỏi phỏng vấn ngược này không chỉ giúp bạn khám phá giá trị thực sự của công ty, đánh giá mức độ tương thích với tam quan của bản thân mà còn thể hiện sự quan tâm đến những giá trị ngoài công việc, chẳng hạn như sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức.
Công ty có chính sách nào để hỗ trợ nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay không?
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ngày càng được coi trọng trong các tổ chức hiện đại để xây dựng và duy trì “lòng trung thành” trong đội ngũ nhân viên. Nếu công ty có các chính sách linh hoạt, chăm sóc tốt cho đời sống tinh thần của nhân viên, đó là một điểm cộng lớn giúp bạn duy trì năng lượng và động lực trong công việc.
Lộ trình phát triển/thăng tiến cho vị trí như thế nào?
Một công ty chú trọng đến lộ trình phát triển của nhân viên thường có chính sách giữ chân nhân tài tốt hơn so với những công ty khác. Do đó, câu hỏi này không chỉ cung cấp thông tin về triển vọng thăng tiến ở vị trí ứng tuyển mà còn thể hiện bạn là một ứng viên có mục tiêu, định hướng sự nghiệp rõ ràng và đang suy nghĩ đến việc gắn bó lâu dài với tổ chức.
Công ty có chương trình đào tạo hoặc hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho nhân viên không?
Một công ty chú trọng đầu tư vào các chương trình đào tạo thường có xu hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân sự không ngừng học hỏi để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Đây là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn phát triển bền vững và liên tục cập nhật những kỹ năng mới trong ngành nghề mà mình theo đuổi.
Trong 1-3 năm tới, công ty đặt ra những mục tiêu gì và vị trí này đóng vai trò như thế nào trong các mục tiêu đó?
Biết được chiến lược dài hạn của công ty giúp bạn đánh giá mức độ ổn định và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nếu vị trí của bạn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này, đó là dấu hiệu tích cực cho thấy công việc của bạn có giá trị lớn đối với tổ chức. Bên cạnh đó, câu hỏi này còn thể hiện bạn không chỉ quan tâm đến vai trò cá nhân mà còn chú ý đến bức tranh tổng thể và tương lai của doanh nghiệp.
Kỹ năng phỏng vấn ngược không chỉ giúp bạn thu thập thông tin cần thiết mà còn khẳng định sự chuyên nghiệp, tư duy phân tích và mong muốn gắn bó lâu dài. Một công việc phù hợp không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của cá nhân, đem lại cảm giác thỏa mãn và động lực làm việc mỗi ngày. Hãy tận dụng cơ hội này để đưa ra quyết định đúng đắn, giúp bạn tiến gần hơn đến một sự nghiệp viên mãn và thành công.