Chính quyền - đoàn thể

Kỷ niệm 40 năm thành lập xã Tam Sơn (Núi Thành):Miền sơn cước chuyển mình

HOÀNG ĐẠO 22/03/2024 09:16

Bằng sự đồng lòng vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Sơn (Núi Thành) đã khiến miền sơn cước này thay da đổi thịt, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

tam-son-4.jpg
Xã Tam Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Đ

Qua thời gian khó

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Công - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn thường xuyên gợi lại ký ức “đầy rẫy khó khăn” của vùng đất này cách đây 40 năm.

Ông nói, nhân dân muốn mua bán, trao đổi hàng hóa với vùng đồng bằng hoặc để đến được trung tâm xã chỉ có tuyến đường độc đạo là theo những chuyến đò qua lòng hồ Phú Ninh.

Khi mới thành lập, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống hầu như chưa có gì. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nhiều vùng đất mới khai hoang, chưa áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng rất thấp. Bởi vậy đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Lúc bấy giờ điện thắp sáng, đường giao thông là ước mơ lớn nhất của người dân Tam Sơn.

Ông Nguyễn Xuân Công kể: “Toàn hệ thống chính trị Tam Sơn lúc bấy giờ bám vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Núi Thành, xã Tam Sơn các nhiệm kỳ để thực hiện từng bước, trước hết là tập trung vào sản xuất, mở đường dân sinh. Nhưng nguồn lực có hạn nên chỉ đáp ứng ở mức thiết yếu nhất”.

Từ khi đất nước chuyển qua thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước dành nhiều chính sách cho miền núi thì Tam Sơn cũng bắt đầu chuyển mình. Đặc biệt, tháng 4/2000, xã Tam Sơn có điện.

Đến năm 2004, tuyến đường Tam Anh - Tam Sơn hoàn thành; năm 2009 cầu Thuốc Hột được đầu tư xây dựng đã xóa đi chuyện đò giang cách trở.

Từ nhiều nguồn vốn, Tam Sơn tiếp tục đầu tư đưa điện về các khu dân cư xa xôi, làm các công trình giao thông qua sông, suối, xây dựng trường học, trạm y tế...

Ông Trần Công Hiệu - Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn nhìn nhận: “Đến nay, tuyến đường ĐT617 từ Tam Hiệp đi Tam Trà qua Tam Sơn và đường ĐH3, ĐH8 Tam Anh - Tam Sơn, đường đi Tam Lãnh, Tam Dân (Phú Ninh)… đã được cải tạo, nâng cấp mở rộng và thảm nhựa.

Từ sự tham gia tích cực của nhân dân đã bê tông hóa, cứng hóa gần 27,4km giao thông liên thôn, liên xã, phá thế độc đạo về giao thông, bị cô lập trong mùa mưa. Đây là điều kiện quan trọng để kích thích phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp Tam Sơn vươn lên”.

Ông Trần Công Hiệu cho biết thêm, trên lĩnh vực sản xuất, xã Tam Sơn đã đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới, đến nay nhiều cánh đồng lúa năng suất đạt từ 45 - 50 tạ/ha.

Nhận định lợi thế của xã miền núi trong việc phát triển kinh tế rừng, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã xác định cơ cấu kinh tế: lâm nghiệp - nông nghiệp - chăn nuôi và dịch vụ.

Phát huy thế mạnh

Phát huy lợi thế về cây lâm nghiệp, ngoài thực hiện các dự án trồng rừng thuộc Chương trình 327, 661 của Chính phủ về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì người dân xã Tam Sơn tập trung mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu với các cây chủ lực là sắn, keo… Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

tam-son-7.jpg
Tam Sơn hôm nay đã thay da đổi thịt. Ảnh: H.Đ

Ngoài ra, địa phương cũng khuyến khích và hỗ trợ người dân trong xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi, kinh tế gia trại, trang trại. Đến nay, có 30 hộ đầu tư trang trại chăn nuôi, tổng đàn gia súc hơn 3.500 con và 23 hộ phát triển kinh tế vườn cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Đại Hưng (người dân thôn Thuận Yên Đông) cho biết, được chính quyền địa phương vận động cải tạo vườn đồi và hỗ trợ vay vốn chính sách, vợ chồng ông miệt mài gầy dựng mô hình kinh tế theo hướng này.

“Đến nay, chúng tôi có một trang trại với con 26 heo nái, duy trì đàn heo thịt 200 con, ao nuôi 100 con cá chình và đại lý thức ăn gia súc..., nhờ đó cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm” - ông Hưng chia sẻ.

Ngoài tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, Tam Sơn cũng chú trọng xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển văn hóa xã hội. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã có điện sinh hoạt.

Mạng lưới bưu chính, sóng viễn thông được phủ sóng đến tất cả các thôn. Hệ thống trường học trên địa bàn xã đều được đầu tư xây dựng khang trang. Ngoài ra, Trạm y tế xã cơ bản đáp ứng việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Sau 8 năm đồng lòng xây dựng nông thôn mới, đến năm 2021 Tam Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 4,2% (59 hộ).

“Nhân dân đã đồng hành với Đảng bộ, chính quyền suốt 40 năm qua nên Ban Chấp hành Đảng bộ với quyết tâm cao nhất, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến là giải quyết việc làm, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế để người dân được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng miền núi” - ông Trần Công Hiệu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm 40 năm thành lập xã Tam Sơn (Núi Thành): Miền sơn cước chuyển mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO