Đời sống

Ký ức những ngôi làng Bhlô

ĐĂNG NGỌC 02/02/2025 10:00

(Xuân Ất Tỵ) - Bhlô theo nghĩa Cơ Tu là huyền thoại. Lần theo những câu chuyện kể từ ký ức về vùng đất nằm bên dòng sông Kôn này, chúng tôi đã có một hành trình trải nghiệm, khởi đi từ quá khứ...

1515561f4e64f43aad75.jpg
Đã xanh màu trở lại ở những ngôi làng Bhlô. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Ngày hội Đại đoàn kết, những cụ ông Cơ Tu bước đi chậm rãi trên con đường bê tông rộng thoáng. Như muốn tìm lại ký ức ngày cũ, họ kể với nhau về những đóng góp của cộng đồng địa phương cho cách mạng. Bởi ngay mảnh đất họ đang đứng, từng là căn cứ địa, bàn tay người Cơ Tu đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội đánh thắng kẻ thù...

Làng cách mạng

Làng Bhlô Sơn, Bhlô Bền, Bhlô Cha’đao (xã Đh’rây ngày trước) nay thuộc thôn Pho và Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) qua câu chuyện của các già làng, từng là căn cứ địa có nhiều cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến, các làng Bhlô nằm ẩn dưới cánh rừng hoang vu, hiểm trở, là điều kiện thuận lợi cho hoạt động cách mạng.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Alăng Đàn, nhân chứng của làng Bhlô Sơn cũ (nay là thôn Bhlô Bền) vẫn nhớ như in những tháng năm lịch sử, cùng đồng bào Cơ Tu vùng lên đánh giặc. Ông từng thoát chết trong trận sập hầm trú ẩn của làng Bhlô Sơn vào năm 1967 do quân Mỹ dội bom B52. Dấu tích xưa còn nguyên, dưới chân núi Choóih bên kia dòng R’lang bây giờ, hàng chục cán bộ và người dân địa phương vẫn còn mất tích.

Một góc đời sống mới ở thôn Bhlô Bền. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

“Một tuần trước khi xảy ra sự việc, bộ đội và du kích xã Đh’rây có trận phục kích chặn đánh nhóm quân địch đang hành quân vào làng tại đồi Dốc Sơn, cách làng khoảng 500m. Bị phục kích bất ngờ, quân địch rút lui. Toàn bộ người dân được huy động vào hầm trú ẩn đề phòng địch phản kích. Nhưng không ai có thể ngờ, rạng sáng hôm sau, đúng vào ngày 27/7/1967, địch dùng máy bay B52 ném bom xuống làng. Khu vực hầm trú ẩn trúng bom khiến 42 cán bộ và nhân dân bị chôn vùi trong lòng đất” - ông Đàn kể.

Sau giải phóng, làng Bhlô Sơn (thôn Sơn sau này và nay sáp nhập thành Bhlô Bền) chưa tới 100 người còn sống. Năm 2006, để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh của dân làng ngày trước, chính quyền huyện Đông Giang xây dựng Bia tưởng niệm, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Góp sức cho kháng chiến

Già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang giai đoạn 1962 - 1975 kể, thời điểm chiến tranh ác liệt, đồng bào Cơ Tu ở vùng thấp, trong đó có các làng Bhlô Sơn, Bhlô Cha’đao, Bhlô Bền... đóng góp rất nhiều của cải, tinh thần cho cuộc chiến.

f86348935fe8e5b6bcf9.jpg
Thế hệ trẻ ở các làng Bhlô ý thức cao trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Đặc biệt là nuôi giấu cán bộ, nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật sống sót nhờ sự cưu mang, che chở của cộng đồng. Một số thanh niên các làng Bhlô thoát ly hoạt động cách mạng, trong đó có nhiều người là bộ đội, tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, mang về chiến tích vẻ vang.

Ngồi hỏi chuyện các già làng, mới biết ở những ngôi làng Bhlô này, có một điều trùng hợp, là các làng đều có rừng cây lòn bon cổ thụ, ngót nghét hàng trăm năm tuổi. Những năm 1962 - 1963, chiến tranh khốc liệt, nhiều tháng trời bộ đội địa phương chịu cảnh đói khát, khổ cực. Lương thực không đủ cung ứng, có thời điểm rừng cây lòn bon trở thành “nguồn sống” giúp bộ đội chống đói, có sức tiếp tục chiến đấu.

5098f605b900035e5a11.jpg
Di tích lịch sử Làng Đào trở thành đại chỉ đỏ cho thế hệ trẻ tại địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Hôm nọ, theo chân cán bộ đoàn xã Sông Kôn tham quan Khu di tích lịch sử Làng Đào (tên gọi cũ là Bhlô Cha’đao) được xây dựng tại thôn Pho, nhiều người xúc động khi nghe thuyết minh về địa điểm cách mạng này. Những năm đầu 1960, vùng đất Bhlô Cha’đao từng là nơi làm việc của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà. Tháng 1/1963 ghi dấu mốc quan trọng ở làng khi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ V. Năm 2018, nơi này được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh...

Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (Đông Giang) nói, bước ra từ khói lửa chiến tranh, những ngôi làng Bhlô ngày trước đã xanh màu trở lại. Với ý thức vượt qua khó khăn, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, trở thành điển hình của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. “Sông Kôn đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang. Danh hiệu đó có phần đóng góp rất lớn của các làng Bhlô xưa” - bà Ngơi nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức những ngôi làng Bhlô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO