(QNO) - Phát triển nghề truyền thống của gia đình qua 30 năm, chị Nguyễn Thị Diệu Thuý (SN 1991, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đã học hỏi, cập nhật xu hướng phát triển thương hiệu xôi chè Kỳ Trung - dịch vụ bày trí mâm cúng. Dự án này đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Dự án/Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh.
Từ căn bếp của mẹ
Cứ mỗi độ chuẩn bị lễ tết, rằm hay nhà ai có đám tiệc, cúng kính, xóm chợ đò Kỳ Trung (Tam Tiến, Núi Thành) đều đến nhà chị Thúy đặt xôi, bánh chưng, bánh tét. Căn bếp lúc nào cũng đỏ lửa và thơm lừng mùi nếp đó đã nuôi lớn những đứa con, học hành thành tài.
Chị Thuý kể, năm 2008, chị theo học ngành Y ở TP.Đà Nẵng, rồi tranh thủ ngoài giờ học đi làm thêm cho các nhà hàng tiệc cưới. Tại đây, chị được tiếp cận với các hình thức bày trí xôi khá bắt mắt, so với mâm xôi ở quê thì hấp dẫn hơn nhiều. Từ đó, chị nung nấu ý định cải tiến nghề truyền thống của gia đình. Giai đoạn 2011 - 2012, chị làm việc ở Bệnh viện Quân y 17 Đà Nẵng và may mắn biết được công thức nấu xôi vừa đẹp vừa ngon của bộ phận hậu cần nơi đây.
"Trước đây, mẹ mình nấu xôi trắng, xôi đậu khá đơn giản. Khi đi làm, dự các sự kiện lớn, đón tiếp lãnh đạo, bộ phận hậu cần của bệnh viện chuẩn bị các món xôi rất lạ, xôi đủ màu sắc mà làm từ gấc, cẩm đỏ, cẩm tím, lá dứa...
Từng loại xôi, các cô bếp đều có công thức riêng và mình xin học để về nhà làm thử cho mẹ xem. Có lẽ từ lúc này, khi thử nghiệm thành công, mình đã muốn nâng cấp căn bếp của mẹ lên một hình thức mới" - chị Thuý chia sẻ.
[VIDEO] - Chị Thuý chia sẻ lý do khởi nghiệp từ mâm cúng xôi chè:
Gia đình chị Thuý gặp biến cố nên chị quyết định nghỉ việc ở bệnh viện và về quê sinh sống. Chị tìm những giống cây có lá tạo màu ở miền Bắc, tận dụng mảnh vườn sau nhà trồng đầy đủ các loại gấc, cẩm, bồ ngót. Mang những loại nước lá này nấu với xôi để tạo màu trang trí. Chị nhận cung cấp xôi chè cho các đám tiệc, lễ đình ở khu vực Tam Kỳ và các địa phương lân cận.
Nghiên cứu sản phẩm thương mại
Theo chị Thuý, dịch vụ xôi chè ngoài xôi và chè ra còn rất nhiều sản phẩm khác là bánh bao, rau câu, hoa... Cầu kỳ nhất là mâm cúng thôi nôi, tùy vào tuổi của đứa trẻ hợp với màu nào thì mâm cúng sẽ được bày trí đúng tông màu đó. Nhờ xanh, tím, đỏ của các loại nước lá mà chị Thuý chế biến đáp ứng được bất cứ màu nào cho gia chủ.
Bên cạnh đó, các loại bánh bao cũng được tạo hình theo tuổi là con giáp của đứa trẻ. Những xu hướng mới lạ này khiến cho khách hàng rất ưu thích dịch vụ của chị.
Tuy nhiên, điểm thu hút và tạo niềm tin với khách hàng từ dịch vụ xôi chè Kỳ Trung là chất lượng. Nhờ áp dụng phương thức hấp xôi đặc biệt mà hạt nếp để lâu vẫn không bị cứng, hương vị thơm và an toàn cho sức khỏe. Từ việc chủ động được vùng nguyên liệu nên giá thành dịch vụ trong từng sản phẩm của chị Thuý cũng phù hợp với hầu hết người dân kể cả thành thị và nông thôn.
Một mâm cúng đầy đủ xôi chè, bánh bao, rau câu, hoa... có giá từ 1,5 triệu đồng. Hiện nay, mỗi tháng trung bình chị Thuý được khách hàng đặt khoảng 80 mâm mang về doanh thu hơn 120 triệu đồng.
Hiện mô hình xôi chè Kỳ Trung cũng đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 người với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2023, được sự động viên của Hội LHPN xã Tam Phú, chị Thuý đưa mô hình xôi chè Kỳ Trung của mình tham gia cuộc thi Dự án/Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và đoạt giải Khuyến khích.
[VIDEO] - Chị Thuý nói về những điểm khác biệt của xôi chè Kỳ Trung:
Theo chị Thuý, vất vả nhất của nghề này là phải thức khuya, dậy sớm. Có những gia đình họ cúng theo giờ, cúng rất sớm, 3 giờ sáng đã cúng, nên chị cũng làm cả đêm rồi tờ mờ sáng đi bày trí. Có ngày 4-5 mâm cúng, các chị em trong nhà phải chia nhau ra đi để kịp giờ đẹp của gia chủ.
"Ngoài dịch vụ bày trí mâm cúng xôi chè thì sắp tới, mình sẽ tập trung vào sản xuất những sản phẩm có thể thương mại được như bộ xôi chè 3 màu, rau câu cá chép, bánh bao thần tài,... để phục vụ những ngày lễ cố định. Kinh tế vẫn còn khó khăn nên trước mắt mình sẽ tối ưu liên tục quy trình sản xuất để giữ nguyên giá thành phục vụ khách hàng một cách tốt nhất" - chị Thuý nói.