Văn hóa - Văn nghệ

Lan man chuyện sách

TRUNG VIỆT 15/12/2024 08:41

“Tôi mãi yêu sách như xưa, chết không hối cải”. Đây là lời trong email Nguyễn Hoài Quảng gửi cho tôi. Ở tuổi 50, lại trầm tĩnh, đang hành nghề đứng bục giảng, tôi tin anh không quá lời.

3 (3)
Nguyễn Hoài Quảng cùng sách của mình. Ảnh: T.V

Tài sản của mọi người

Căn nhà nhỏ của anh ở Hội An, sách bày khắp nơi, cả trên giường ngủ. Khi Quảng mở cửa phòng để chứng thực, tôi thấy có con mèo đang khoanh ngủ trên một cuốn sách.

“Em mê sách hồi nhỏ, là do má em làm thủ thư trường làng. Lớn lên, từ năm 2 đại học, cứ mỗi tháng em gom tiền mua. Thấy hay quá, lao vào đọc. Riết tới chừ đi làm, mỗi tháng nhịn tiêu 1 triệu để mua”.

Và tiếp trong email: “Xưa đọc được câu “Trời không phụ người đọc sách” (Độc nhân thiên bất phụ ) lấy làm khoái, sau đọc được câu của Mạnh Tử - “Tin hết vào sách thì chẳng thà đừng đọc sách còn hơn” (Tận tín thư vô thư), mới ngộ ra cái thú tao nhã và sự trưởng thành của người đọc sách”.

Quảng sở hữu khoảng 3.000 cuốn sách. Tôi từng phỏng vấn một người chơi sách thuộc hạng “vua biết mặt, chúa biết tên”, khi nói chuyện mượn không trả thì anh cố giấu ấm ức. Tất nhiên mà, vì nó là bạn tri âm, là của quý, tuột khỏi tay sao không bực và tiếc được.

Tôi đem chuyện này hỏi, thì Quảng từ tốn rằng, ai tới mượn đọc, cần em cho luôn, cho chứ không phải tặng, nghe khách sáo. Với bạn bè, em nói con tụi bay ưng, tau cho đọc vô tư, trả hay không, không thành vấn đề, ưng thì tau cho. Anh coi có thích cuốn nào, anh cứ lấy.

Tôi nghe mà nhớ: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người. (Voltaire).

Quý, mê, nhưng sẵn sàng trong tư thế buông, tuột cho gió cuốn đi. Hỏi ai chơi sách như Quảng không?

Và tôi thấy xấu hổ. Năm ngoái, tôi ngó lại vài lần sách mình, quyết định gửi lên núi tặng bạn làm ngành văn hóa, vốn mê sách mà không có điều kiện mua. Dù thấy mấy chục năm không đụng tới những bộ sách đông tây gắn với chuyện học, con cái cũng không cần thứ mình có, nhưng cho đi đâu phải cứ nói là làm liền.

Lan tỏa giá trị

Thấy trong chùa có một cái rương cũ, tôi ngạc nhiên hỏi sao thầy có được, sư trụ trì kể: Cái này là của một gia đình trong xóm. Họ bán cho mấy người buôn đồ cổ ở Hội An. Ông biết chuyện bèn tới và mua, giá bằng mấy người kia, và cuối cùng họ bán cho ông.

Rương, thì nhà nào ở nông thôn một thuở chưa xa cũng có. Rương gỗ, bề ngang cỡ 1m, chiều dài 1,5m và cũng có thể nhỏ hơn. Có hai loại là có bánh xe đi kèm 2 khuy hai đầu nhằm để kéo. Loại này “đẳng cấp” hơn loại không có bánh xe và khuy.

Cửa để mở rương là một tấm ván cỡ 40cm nằm giữa mặt trên cùng của rương. Lúa gạo, tiền vàng, nói chung là tài sản, gia bảo giấu ở trong rương. Cho nên giữ rương khác chi giữ nhà không cho nó sụp. Cái rương ở chùa là loại thứ nhất.

“Lý do họ bán cho tôi, cũng bằng giá bán người khác, là do tôi nói - rằng anh bán cho tôi, chùa sát nhà, lúc rảnh anh qua chùa uống trà, nhìn thấy nó, là như thấy ông cố anh hồi đó hay nằm ngủ trên đó, nó như ở nhà anh, chứ anh bán đi xa, coi như mất bởi sẽ không bao giờ thấy được nữa. Họ nghe có lý, bèn bán.

Ở đây tôi nghĩ, bảo vật, gia bảo là thứ trao truyền trong gia đình, nhưng đâu phải người nào, thời nào cũng có ý thức giữ gìn. Vậy thì bán hay cho, đều nên đúng chỗ, hoặc nếu ai thích quá, cần quá, nếu thấy được, thì nên trao họ, bởi họ có nhu cầu thật sự”.

Gia bảo, bảo vật đâu dừng lại ở độ quý hiếm, kỷ niệm gắn với nó, rồi gia truyền, mà nó càng thêm quý khi mang giá trị văn hóa. Và tùy vào quan niệm.

Tôi đã gặp một người, họ nói sẵn sàng cho hết tủ sách này, nhưng kiên quyết giữ một tập san Tuổi Ngọc trước 1975, bởi nó in bài thơ đầu đời của ông, mà từ đó như mồi lửa đưa ông vào con đường văn chương truân gian như đường vào nước Thục trong thơ Lý Bạch.
Nhưng giữ hay cho, tùy. Giữ chưa chắc đã tỏa sáng hết độ quý giá. Cho chưa hẳn đã chôn vùi một giá trị. Độ trân quý, biết sử dụng, kích thích lan tỏa giá trị, phụ thuộc vào người sử dụng.

Tôi quay lại với chuyện của Nguyễn Hoài Quảng, tôi cho rằng đó là cách ứng xử thanh thản, quay mặt lại với mấy câu khuyết danh trên. Bởi biết đó là kiến thức chung của nhân loại, nó đến hay đi, đều có giá như nhau.

Sẽ có ý kiến rằng, sách mới in đây đó, tràn lan, gia bảo bảo vật chi, muốn là ra tiệm mua, cho thường thôi. Thưa rằng, không nói là sai, nhưng chưa hẳn là đúng. Nếu đóng đinh nó là đồ gia bảo có giá trị lớn về văn hóa, tuổi thọ cao, quý hiếm, thì cũng là một quan niệm. Với một người chơi sách, một cuốn sách khiến họ mê say hơn hẳn tòa nhà trơ khấc kia về cảm xúc.

Thời gian sẵn sàng cho mọi thứ có giá hết, cao hay thấp thôi. Nhưng như đã nói, yếu tố cộng đồng được cộng cảm giá trị, mà qua đó cho thấy tác động của nó trong việc định hình một triết lý sống nào đó, càng hay hơn. Cho nên, cho mà nhận biết là nên cho, đó mới là thật quý vậy!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan man chuyện sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO