Thời gian qua, Hội LHPN huyện Quế Sơn đã triển khai nhiều chương trình, mô hình nhằm giúp hội viên phụ nữ tiếp cận và sử dụng mạng internet phục vụ đời sống và công tác hội, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Kết nối, tương tác
Năm 2022, mô hình phụ nữ trên không mạng ở thôn Bình Yên (xã Phước Ninh) đi vào hoạt động với gần 40 chị em tham gia. Khi tham gia mô hình, hội viên phụ nữ được hướng dẫn truy cập, kết nối, tương tác trên mạng xã hội, quảng bá sản phẩm và nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phong trào thi đua, cuộc vận động của hội LHPN các cấp phát động…
Chị Vũ Thị Trường Giảng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bình Yên cho biết, ban đầu triển khai mô hình, không ít chị em còn rụt rè, chưa quen với công nghệ.
Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn tận tình, từ những thao tác đơn giản như tạo tài khoản, hướng dẫn tạo tin nhắn, đăng bài, cho đến việc quảng bá sản phẩm kinh doanh… Hiện nay, nhiều chị em đã thành thạo và tự tin chia sẻ kiến thức với nhau.
“Nếu như trước đây tôi phải đi đến từng nhà vận động, tập hợp hội viên thì nay việc thông tin, triển khai các phong trào của hội đều thông qua nhóm Zalo, Facebook… Mới đây, để giúp đỡ, chia sẻ với gia đình hội viên có hoàn khó khăn, Chi hội phụ nữ thôn đã vận động hơn 10 chị em tổ chức cấy, dặm hơn 6 sào lúa cho gia đình chị Hồ Thị Hai (thôn Bình Yên). Nhiều hội viên không tham gia được thì họ hỗ trợ bữa ăn, nước uống giúp gia đình chị Hai”- chị Giảng nói.
Không chỉ sử dụng mạng xã hội, internet vào hoạt động của tổ chức hội, mà hầu hết hội viên trên địa bàn xã Phước Ninh đang hoạt động trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều biết ứng dụng mạng xã hội, internet để quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến.
Chị Đoàn Thị Thương, chủ cơ sở bột ngũ cốc Hạt Thương (thôn Dùi Chiêng, xã Phước Ninh) chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ, khách hàng chủ yếu là người địa phương. Nhưng từ khi sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, bán hàng, tôi đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nhiều khách hàng ở xa như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, thậm chí có nhiều khách hàng ở nước ngoài cũng liên hệ đặt hàng. Đến nay, doanh thu của cơ sở tăng đáng kể, tôi cũng tự tin áp dụng công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Đồng hành với hoạt động hội
Theo Hội LHPN huyện Quế Sơn, mô hình “Tập hợp phụ nữ trên không gian mạng”, đến nay đã lập được 7 nhóm zalo để trao đổi công việc với 133 thành viên tham gia, trong đó có 132 thành viên là hội viên và 1 thành viên là nam giới.
Đối với cấp xã đã thành lập được 49 nhóm Zalo, các chi hội thành lập được 199 nhóm Zalo với 4.007 thành viên. Huyện hội cũng đã thành lập được 126 nhóm/hội/câu lạc bộ trên Face; tham gia nhóm/hội/câu lạc bộ trên Face đa số là hội viên phụ nữ, trong đó có cán bộ công nhân viên chức, lao động tự do, nông dân…, với độ tuổi chủ yếu là trên 30 tuổi.
Để giúp phụ nữ tiếp cận nhanh với mô hình công nghệ số này, Hội LHPN huyện Quế Sơn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng số, đặc biệt là kỹ năng kinh doanh online, sử dụng các ứng dụng internet, bảo vệ an toàn thông tin trên mạng.
Hội LHPN huyện còn thành lập các nhóm hỗ trợ trên Zalo, Face để hội viên trao đổi, học hỏi lẫn nhau nhằm lan tỏa, truyền cảm hứng cho các chị em khác mạnh dạn ứng dụng mạng internet vào công việc và sản xuất.
Bà Phan Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Sơn cho biết, việc thành lập các nhóm/hội/câu lạc bộ zalo, face đã giúp các cấp hội LHPN ở Quế Sơn truyền tải kịp thời thông tin đến các thành viên chính xác và tiết kiệm; lan tỏa được hoạt động hội, phong trào phụ nữ đến với chị em.
Thông qua các nhóm/hội/câu lạc bộ Zalo, Face, hội LHPN các cấp cũng đã vận động, kết nối giúp đỡ hội viên khó khăn với các hình thức như: Phiên chợ online mỗi tuần (Hội LHPN thị trấn Đông Phú), chương trình bán hàng gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo (Hội LHPN xã Quế An), chương trình bán hàng online giúp người khiếm thị (Hội LHPN xã Quế Châu)…
“Mô hình phụ nữ làm chủ không gian mạng tại Quế Sơn không chỉ giúp nâng cao nhận thức và năng lực số của hội viên, mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng hành của hội LHPN các cấp và tinh thần học hỏi, đổi mới của hội viên phụ nữ, mô hình này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” - bà Dung nói.