Nông nghiệp - Nông thôn

Làng chiếu truyền thống Bàn Thạch tìm cách phục vụ du khách

TRIÊU NHAN 10/05/2025 12:09

(QNO) - Làng chiếu cói Bàn Thạch (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) nằm “lơ lửng” giữa ba dòng sông: Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang đang gặp khó trong thị trường tiêu thụ nên nỗ lực tìm hướng đi mới để làng nghề hồi sinh.

Vang bóng một thuở

Theo nhiều lão niên làng chiếu Bàn Thạch, làng nghề đã ra đời cách đây hơn 300 năm. Một số tư liệu lại cho rằng, làng nghề có lịch sử cũng ngót hơn 400 năm, thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Tại những lễ hội lớn như Festival Huế, Ấn tượng Mỹ Sơn hay Lễ hội Bà Thu Bồn, các lễ hội của miền Trung, Đà Nẵng… từng có sự góp mặt của chiếu Bàn Thạch. Nơi đây, ngoài việc trưng bày sản phẩm chiếu truyền thống, với đủ kích cỡ để bán cho khách du lịch, nghệ nhân còn trình diễn các công đoạn dệt chiếu để du khách chiêm ngưỡng...

Dệt chiếu cói phục vụ du lịch ở Đông Bình. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Dệt chiếu cói phục vụ du lịch ở thôn Đông Bình. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Vùng đất Đông Bình và các thôn phụ cận của xã Duy Vinh từng là vùng trồng cây cói (cây lác) rộng hàng chục héc ta cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt chiếu. Làng chiếu Bàn Thạch nổi danh với những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rỡ, đẹp và bền chắc.

Thời kỳ đỉnh cao, làng Bàn Thạch có tới hơn 50% cư dân theo nghề dệt chiếu. Chợ Bàn Thạch là ngôi chợ phiên, là nơi duy nhất chỉ bán mỗi chiếu ở Quảng Nam. Chợ này hội đủ các loại chiếu, không chỉ chiếu Bàn Thạch mà chiếu từ các nơi như Bình Định, miền Tây tràn về với hoa văn, mẫu mã đẹp, giá thành đa dạng…

chieu ban thach 3
Bà Võ Thị Ngọc, một tiểu thương buôn chiếu Bàn Thạch gắn bó với nghề suốt 40 năm, từ khi bà còn con gái. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Bà Võ Thị Ngọc, một tiểu thương buôn chiếu ở làng Bàn Thạch chia sẻ: “Tôi đã theo nghề buôn chiếu 40 năm, không biết có phải duyên kiếp hay không mà gắn bó mãi. Mẹ tôi là một tiểu thương buôn chiếu gần 50 năm ở đây, sau này tôi cũng theo nghề của mẹ. Một thời nghề này vui lắm, thu nhập rất cao, những ghe, xe chở chiếu của chúng tôi chở đi khắp nơi, từ bán ở chợ Bàn Thạch, đi khắp xã Duy Vinh, rồi huyện Duy Xuyên, vào Nam, ra Bắc. Nhưng rồi do biến động thị trường, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn nên chiếu Bàn Thạch không còn chỗ đứng. Một phần cũng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường đã khác xưa".

chieu ban thach 6
Người dân làng chiếu Bàn Thạch mong muốn phát triển du lịch cộng đồng, cũng là cách để níu giữ nghề truyền thống. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Mỗi ngày, bà Ngọc thu gom được 30-40 đôi chiếu do người dân Đông Bình làm ra để bỏ mối. Làng chiếu Bàn Thạch hiện còn duy trì 70-80 khung dệt thủ công, song phần lớn các khung dệt này chỉ được người dân sử dụng dệt chiếu lúc nông nhàn hoặc khi có người đặt mua.

chieu ban thach 2
Chiếu cói phục vụ du lịch với nhiều kích cỡ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nỗ lực tìm hướng đi

Một vài hộ dân ở làng Bàn Thạch nỗ lực tìm hướng đi như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào các công đoạn dệt chiếu cói, nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm mới, đẹp mắt, song các cơ sở này cũng không thể cạnh tranh trên thị trường. Một số cơ sở dệt chiếu cói tại Duy Vinh như cơ sở ông Đỗ Hải, bà Võ Thị Trang (thôn Đông Bình), cơ sở dệt chiếu của bà Nguyễn Thị Quế và con gái (thôn Trà Nhiêu) đón đầu xu hướng, thị hiếu của khách du lịch đến với các vùng quê Duy Vinh.

Với thương hiệu “chiếu Bàn Thạch”, "chiếu cói Trà Nhiêu", các cơ sở này là một trong những điểm đón tiếp du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề dệt chiếu. Nơi đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, tự tay dệt nên những chiếc chiếu nằm, những chiếc chiếu nhỏ bé có thể cầm tay làm quà lưu niệm…

cay coi
Công đoạn phơi sợi cói đã nhuộm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Du khách được các nghệ nhân hướng dẫn cách chẻ lác, phơi lác, nhuộm lác, dệt chiếu… Với mỗi đoàn du khách tới tham quan, các cơ sở này thường được các công ty lữ hành, hướng dẫn viên trích lợi nhuận cho người dân, bên cạnh việc bán sản phẩm. Cơ sở chiếu Bàn Thạch của bà Võ Thị Trang, ông Đỗ Văn Đại, ông Đỗ Hải còn sản xuất ra các sản phẩm chiếu lớn nhỏ, đa dạng kích thước, hoa văn tinh xảo, tạo sự thích thú cho du khách.

"Mỗi chiếc chiếu nhỏ xíu, miếng lót bình trà, nồi cơm... được bán với giá 50 nghìn đồng/cái. Bình quân mỗi thợ lành nghề chỉ cần dệt được 10 sản phẩm/ngày cũng có thể sống được, chưa kể có những khoản phụ thu khác. Trong khi đó, một thợ lành nghề dệt mỗi ngày 2-3 chiếc chiếu nằm, sau khi trừ các khoản chi phí, chỉ thu lại được tầm 50 nghìn đồng/người/ngày" - ông Đỗ Văn Đại nói.

chieu coi 7
Cánh đồng cói (lác) ở Đông Bình, xã Duy Vinh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Võ Ngọc Thái - Trưởng thôn Đông Bình, xã Duy Vinh cho hay, xu hướng gắn làng nghề truyền thống với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng sẽ góp phần giúp người dân làng nghề được hưởng lợi, có thể trụ vững với nghề.

"Hiện, một vài cơ sở dệt chiếu, nấu rượu truyền thống đã có thể "sống được" khi có khách nước ngoài tới tham quan, trải nghiệm. Song, cũng chỉ mới một vài cơ sở được hưởng lợi, trong khi làng nghề còn cả chục hộ còn giữ nghề, còn lưu giữ tới 70 khung dệt chiếu" - ông Thái nói thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng chiếu truyền thống Bàn Thạch tìm cách phục vụ du khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO