(VHQN) - Đêm. Những đứa trẻ rọi đèn chơi bắt còng, hò nhau nằm trên cát, nghiêng tai úp mặt để nghe tiếng sóng, nghe tiếng gió rượt đuổi cả khoảng trời vắt mỏng mảnh trăng non. Cát chui vào lều, chui vào cả giấc mơ vì một đêm bọn trẻ con được thỏa thích cùng biển.
Đó là một phân đoạn trong chuyến trải nghiệm cùng biển. Và hẳn nhiều du khách sẽ hào hứng lên lịch ngay cho gia đình và bạn bè khi biết còn nhiều điều khám phá với tour ngắn ngày ở đó.
Một đêm về biển
Chín giờ đêm. Qua ánh sáng từ đèn pin gắn trên trán, người thanh niên tên Tùng phụ mẹ gỡ nang mực. Chừng 30kg là đơn hàng khuya nay hai mẹ con phải giao cho nhà hàng lớn trên phố. Phiên chợ đêm tầm 8-10 giờ tối là tan. “Sáng mai chừng 4 rưỡi cũng chỗ này đông gấp chục lần, tha hồ mà ngắm” - Tùng nói.
Trong loang loáng ánh đèn, tôi nhìn theo chiếc thúng chai xoay tròn. Đôi hồi lỡ đụng ngọn sóng lớn thúng chồm lên như con ngựa bất kham. Những người đàn ông đẩy thúng ra. Bằng động tác nhún người, họ trèo vào thúng trong tích tắc cái chớp mắt.
Mô tả dài dòng vậy thôi, chứ từ khi thúng rời mép cát mép sóng cho tới khi tay họ ngoáy dầm liên tục để bơi ra những con tàu ngoài kia, chắc vài chục giây.
Như các nhà sáng tạo nội dung số quan niệm, thì ở 3 giây đầu tiên của hoạt cảnh đó, họ đã hút mắt chúng tôi không rời. Và giữ ở lại nguyên khung hình đó vài chục phút, cho tới khi họ nhận cá từ tàu, quay về bờ và giao cho những phụ nữ đang ngóng đợi.
Nhịp điệu dồn dập đó, lại ào đến trong tôi giai điệu fox của bài The Wellerman do Nathan Evans hát. Bài hát được cho là sáng tác ở New Zealand trong khoảng từ năm 1860-1870. Kiểu như thể loại đồng dao hay dân ca ở xứ mình, nên chẳng biết biết tác giả là ai. Dựa vào thời điểm bài hát ra đời, người ta đoán nó được viết bởi một tên cướp biển hoặc một thợ săn cá voi.
Trong vài thập kỷ, The Wellerman là bài hò phổ biến nhất trong lúc ngư dân đánh bắt cá voi. Bài hát gợi cho tôi mặc định về đàn ông ở biển. Với họ, mọi bão tố dường như đều mất hút, khó thể nhìn thấy, không kịp nhìn rõ.
Đêm đặc hơn, hình như họ chủ yếu nhận ra nhau qua giọng nói, để biết ghe nào “bạn hàng” mối của mình. Họ gấp gáp khiêng thùng chạy cho kịp những tươi dong của tôm cá.
Đàn bà ở chợ đã nhẵn mặt nhau nhưng người bán kẻ mua vẫn mặc cả xôn xao. Rồi nhẩm tính nhanh lời lãi chuyến biển đêm bên thúng cá vừa đổ ào xuống.
Mặc ầm ĩ, những người đàn ông im lặng với công việc của mình. Chèo thúng. Chuyển cá tôm. Khiêng lên bờ. Hết thì lăn thúng, thu dọn ngư cụ, kéo vào sát bờ.
Xong những công việc đó, họ ngồi thừ ra bên thúng. Ngó chợ. Ngó biển. Đốt điếu thuốc. Tợp ngụm rượu. “Mệt chớ, nhưng không đi biển thì biết làm chi”… Ai đó trả lời bâng quơ cho câu hỏi lơ ngơ của khách phương xa.
Theo trend “bỏ phố về biển”
Hẳn nhiều du khách, sau những chương trình team building và tiệc tối, sẽ được trải nghiệm chợ đêm làng biển như tôi.
Trên dọc bãi biển từ Tam Kỳ vào Núi Thành, chừng 3 năm gần đây rộ lên các homestay của những người trẻ là người của làng. Như Cá Voi Xanh hay Rạn San Hô (Tam Tiến, Núi Thành), Nhà của Bin (Tam Hải, Núi Thành)…
Điểm nhấn khi khách lưu trú ở đây, thường là chợ cá sớm, ngắm bình minh lên, tham gia các trải nghiệm như câu mực, câu tôm tít, kéo lưới, mua hải sản ở chợ và tự chế biến. Tất nhiên chèo súp, tắm biển và check-in là không thể thiếu.
Cách họ làm du lịch, khiến nhiều người mê. Bởi họ lớn lên ở làng, hiểu biết đủ giúp họ tạo ra những sản phẩm du lịch hợp lòng khách. Những vị khách ưa quay về với nguyên sơ của làng của biển, khám phá những gì tuổi thơ vốn thuộc về.
Và quan trọng, chi phí cho chuyến đi như vậy thường khá rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Đáp ứng nhu cầu xê dịch và khám phá văn hóa.
Như Thảo và Tùng Anh – hai bạn trẻ rời phố về biển. Làm việc cho dự án phi chính phủ, công việc “freelancer” (làm việc tự do) cho họ cơ hội trải nghiệm ở các môi trường sống khác nhau.
Hơn 1 năm nay, họ thuê dài hạn một căn nhà sát Cửa Lở (Tam Hải), vừa dành làm nơi ở, vừa biến tấu để không gian này trở thành nơi hội ngộ bạn bè và những người yêu biển.
“Nhà của Bin” được truyền tai nhau trong giới… mê đi. Để từ nay đến đầu tháng 9, căn nhà không còn trống lịch. Cộng đồng “làng bỏ phố về biển” đang ngày một sôi động. Họ tạo thành một kết nối từ cả dịch vụ trải nghiệm đến lưu trú.
Du lịch khám phá, trải nghiệm những nơi chưa có nhiều người biết đến như vùng biển, đảo, vùng núi còn hoang sơ, bản làng vùng cao đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn.
Ở đó du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, được sinh hoạt như người dân bản địa. Nắm bắt xu hướng này, những người trẻ đã khai thác thế mạnh của mình để đầu tư. Và bước đầu họ đã thành công.
Bạn tôi, dân gốc Tam Tiến nói rằng, cách đầu tư này theo kiểu win – win (đôi bên cùng thắng). Từ ngày có các homestay, chợ cá Tam Tiến và làng Hà Quang dường như được... cả thế giới biết đến. Và chủ nhân các homestay ở đây cũng ăn nên làm ra nhờ chợ cá.
Hơn cả trend, hay phong trào ồn ào dăm quãng ngắn, nếu có chiến lược bài bản thì hẳn bỏ phố về biển là một phương cách kinh tế biển giúp nhiều người khởi nghiệp thành công.
Có thể mọi dấu chân từ quang gánh nặng của đàn ông đàn bà ở chợ biển đều tan nhanh bên mép sóng. Nhưng nếu biết cách khai thác văn hóa khác biệt ở đó, thì mọi thứ đều bám sâu mà trụ lại, như mấy gốc dương già phía đầu làng…