Một sợi dây nghĩa tình bền chặt dù địa giới hành chính được chia tách đã 25 năm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nghĩ về nhau và hỗ trợ như tình thân, không chỉ trong liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng...
CỔ CÒ, MỘT QUÃNG NỮA THÔI
Thời điểm thông dòng con sông Cổ Cò - một mạch kết nối tự nhiên, lịch sử quan trọng của Quảng Nam và Đà Nẵng - dường như đang đến gần, khi nhìn vào quyết tâm của lãnh đạo hai địa phương và chuyển động thực tế trên công trường.
Quyết tâm và chuyển động
Dự án khơi thông sông Cổ Cò có tổng chiều dài 28km, trong đó đoạn qua Quảng Nam dài 19,7km. Trên toàn tuyến sông quy hoạch 15 cầu, trong đó Quảng Nam có 12 cầu. Đã đầu tư xây dựng 3/12 cầu. Tất cả cầu được đầu tư đảm bảo tĩnh không thông thuyền sông cấp IV. Nạo vét luồng đảm bảo chuẩn tắc sông cấp IV, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2023. Hiện Quảng Nam cũng đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thiết kế đô thị (1/2000) tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An.
Ngược về quá khứ, ý tưởng khơi dòng sông Cổ Cò đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đề cập và bàn thảo ở các báo cáo trong những năm 1990.
Từ thời điểm đó, các cấp quản lý đã trăn trở và nhìn thấy được việc nạo vét con sông này không chỉ là nối mạch con nước tự nhiên mà còn khơi lại dòng chảy thấm đẫm lịch sử - văn hóa của xứ Quảng, mở ra hoài bão, khát vọng chỉnh trang, nâng tầm vùng đất mở một thời này.
Trong hành trình khoảng 20 năm từ khi dự án này thành hình, đã có nhiều thời điểm việc khơi thông sông Cổ Cò tưởng như đi vào ngõ cụt. Với quyết tâm và nhận thức được trách nhiệm, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã kiên định về việc phải hoàn thành bằng được dự án này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 khẳng định: “Hiếm có dự án trọng điểm nào tại địa phương có sự góp mặt xuyên suốt của rất nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để theo dõi, thúc đẩy tiến độ.
Các phần việc của dự án đều đã được phân rã, các đơn vị tùy theo nhiệm vụ cũng đã ký cam kết thực hiện đúng tiến độ và lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, theo dõi sát sao dự án này đến khi hoàn thành”.
Trong tổng 28km toàn tuyến qua hai địa phương, khu vực trọng tâm gặp nhiều vướng mắc trong thời gian qua là đoạn từ Km14+00 (phường Điện Dương) đến Km19+070 (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) bởi khu vực này lòng sông đã bị bồi lấp nặng cộng thêm mặt bằng sạch thi công gặp khó khăn bởi vướng đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn đặt quyết tâm hoàn thành trong năm 2023.
Cầu Nghĩa Tự nằm trong khu vực này được xem là hạng mục chậm nhất của dự án. Theo cam kết đã ký, Điện Bàn phải bàn giao mặt bằng đường dẫn hai đầu cầu Nghĩa Tự trước ngày 30.12.2022. Còn lại, quá trình triển khai dự án này ở hai đầu sông đoạn qua TP.Đà Nẵng cũng như TP.Hội An cơ bản ổn.
Diện mạo mới trên dòng Cổ Cò
Khi tiến độ nạo vét vẫn đang được triển khai tích cực, những công trình hình thành trên và bên dòng sông chính là những điểm nhấn quan trọng để tạo diện mạo ấn tượng cho dự án, và hơn hết chính là thông điệp trao gửi về việc dự án sẽ và phải sớm được hoàn thành.
Ngày 29.4 tới đây, cầu Nguyễn Duy Hiệu (cầu Ông Điền) sẽ thông xe kỹ thuật. Đơn vị thi công cũng phấn đấu đến 30.5.2022 hoàn thành toàn bộ cầu và đường dẫn. Điểm nhấn lớn trên sông Cổ Cò này khi hoàn thiện sẽ rút ngắn một phần con đường từ Đà Nẵng vào Hội An và góp phần giải tỏa áp lực giao thông cho vùng nội đô đô thị di sản.
Mới nhất, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Nghĩa Tự với tổng mức đầu tư 315 tỷ đồng (thời gian thực hiện từ 2022 - 2025). Bộ mặt đô thị Điện Dương bên dòng Cổ Cò sẽ khởi sắc hơn rất nhiều khi dự án hoàn thành.
Cây cầu mới này cũng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương bởi mật độ lưu thông qua khu vực này khá lớn và cầu cũ hiện không còn đáp ứng được nhu cầu.
Cuối năm ngoái, TP.Đà Nẵng cũng đã khánh thành đưa vào sử dụng công trình đường và cầu mới qua sông Cổ Cò - trục giao thông chính kết nối trung tâm Đà Nẵng, sân bay với các khu vực đông nam thành phố và đông bắc Quảng Nam
Không chỉ phần nào khởi sắc về diện mạo, hai địa phương cũng tính đến phương án quản lý bền vững dòng sông này một khi thông dòng. Và quy hoạch vẫn là bước đi quan trọng nhất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện Quảng Nam đã triển khai lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông du lịch và quy hoạch chung của 2 địa phương. Quy hoạch này là “chìa khóa” kiểm soát mọi chuyển động phát triển của khu vực này trong khuôn khổ, tránh phá vỡ hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên - xã hội ven sông Cổ Cò.
SAN SẺ DÒNG NƯỚC LÀNH
Vận hành, chia sẻ lợi ích của một hệ thống sông có tác động liên tỉnh, liên ngành là điều không dễ dàng. Với quy trình điều phối trên tinh thần trách nhiệm và chia sẻ, Quảng Nam - Đà Nẵng cơ bản đang quản lý ổn định hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
Chuyển động của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có tác động mật thiết đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai địa phương. Do chuyển động của tự nhiên, dòng nước từ sông Vu Gia về Đà Nẵng thường xuyên bị thiếu hụt, gây ra tình trạng nhiễm mặn dai dẳng.
Để khắc phục phần nào thực trạng này, từ năm 2019 Quảng Nam và Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức đắp đập tạm bằng bao cát, nâng đỉnh đập trên sông Quảng Huế (Đại Lộc) lên cao trình +3,2m nhằm hạn chế lượng nước chuyển từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia. Thực tế cho thấy, từ năm 2020 đến nay tình trạng nhiễm mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ đã được cải thiện đáng kể.
Quyết định thành lập Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2017 có thể xem là bước ngoặt để hai bên chủ động, nhịp nhàng hơn trong việc đưa ra giải pháp ở mỗi lần hai địa phương gặp sự cố liên quan đến các tác nhân thuộc lưu vực sông này.
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, hằng năm Quảng Nam đều ban hành kế hoạch điều tiết nước các hồ thủy điện, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, chủ động tính toán phối hợp với các nhà máy thủy điện điều chỉnh kế hoạch vận hành phù hợp với nhu cầu dùng nước của khu vực hạ du.
Về những việc cần làm trong thời gian tới, theo TS. Vũ Thị Thu Lan - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, hai địa phương vẫn chưa ban hành được kế hoạch chiến lược, kế hoạch tổng thể về sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, phòng ngừa thảm họa do nước.
Bên cạnh đó, chưa có quy hoạch lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, dẫn đến chưa thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên nước theo lưu vực sông. Do đó, hai bên cần phối hợp xúc tiến sớm các vấn đề này để khai thác tài nguyên nước nói riêng và cả hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung một cách hiệu quả nhất.
Quảng Nam - Đà Nẵng, điển hình của ý chí và tinh thần vượt khó“
"Đà Nẵng - Quảng Nam là ví dụ điển hình nhất của ý chí và tinh thần vượt khó của mảnh đất trong chiến tranh với tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất; trong thời kỳ xây dựng và phát triển đã luôn nỗ lực sáng tạo, không cam chịu khó khăn để vươn lên phát triển.
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phải ý thức sâu sắc về giá trị lịch sử to lớn của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng, từ đó đặt quyết tâm chính trị trong xây dựng và phát triển quê hương.
Hai địa phương cần khơi dậy khát vọng phát triển vì một Việt Nam hùng cường. Tinh thần và khát vọng ấy phải được truyền đi rộng rãi, lan tỏa đến từng cấp ủy, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên và từng người dân”.
(Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ngày 10.4.2021)
KẾT NỐI SẢN PHẨM OCOP QUẢNG NAM
Sản phẩm OCOP Quảng Nam sẽ được quảng bá, giới thiệu thường xuyên tại các sự kiện, hội chợ thương mại của Đà Nẵng, giúp kết nối nhà sản xuất và người mua, tạo điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm địa phương ra thị trường.
Dự kiến ngày 29.4, Cơ sở sản phẩm xanh Hương Bột (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) cùng các doanh nghiệp khác sẽ mang sản phẩm của mình tham gia Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2022.
Đây là kết quả hợp tác, phối hợp giữa 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ tại Đà Nẵng.
Bà Lê Thị Hương - chủ Cơ sở sản phẩm xanh Hương Bột nhìn nhận: “Đây là cơ hội để Hương Bột trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, nhất là khách du lịch Đà Nẵng, qua đó giúp lan tỏa thương hiệu sản phẩm cơ sở đi xa. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng khi tham gia sự kiện này khi mang theo 3 dòng sản phẩm gồm bột ngũ cốc, trà đậu rang mộc và muối sả ớt lá chanh”.
Có 18 đơn vị sản xuất, doanh nghiệp OCOP Quảng Nam tham gia Chương trình với 23 sản phẩm. Theo đại diện Sở Công Thương, việc đưa sản phẩm OCOP địa phương ra Đà Nẵng không chỉ giúp người bán gặp trực tiếp người mua mà còn là cơ hội để tăng cường kết nối giao thương, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề với các đơn vị phân phối Đà Nẵng cũng như các địa phương trong nước.
Giữa tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác ngành Công Thương và NN&PTNT của hai địa phương, hai bên đã thống nhất tăng cường liên kết, phối hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng Quảng Nam tại Đà Nẵng.
Theo đó, hàng năm Đà Nẵng sẽ chủ trì phối hợp với Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời có thể mời thêm một số tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị cùng tham gia. Sản phẩm OCOP Quảng Nam sẽ được ký kết đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng đặc sản vùng miền, kể cả các siêu thị lớn ở Đà Nẵng như Lotte, Coop mart, Vin Mart…
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong khuôn khổ hội chợ hành lang kinh tế Đông - Tây tổ chức tại Đà Nẵng tháng 8 này, Đà Nẵng cũng sẽ dành cho Quảng Nam một ngày giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp nông thôn, OCOP đến với đối tác, khách hàng.
Dù vậy, đây cũng chỉ là bước dạo đầu, về lâu dài ngành công thương hai địa phương sẽ phối hợp tổ chức thường kỳ hơn các hoạt động hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, bởi Đà Nẵng có thuận lợi về hạ tầng (Trung tâm hội chợ triển lãm), đặc biệt thị trường khách hàng đa dạng.
NGHĨA TÌNH BỀN CHẶT
1. Văn hóa Chăm cùng các hiện vật hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đang lưu giữ là minh chứng rõ nhất về mạch văn hóa cùng quan tâm. Đại diện Sở VHTT&DL Quảng Nam cho biết, thời gian qua, hai địa phương đã có sự hỗ trợ, phối hợp trong việc phân chia và bàn giao hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Quảng Nam.
Tính đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam 468 hiện vật và ảnh tư liệu. Đồng thời Bảo tàng Quảng Nam đã chuyển giao cho Bảo tàng Đà Nẵng 50 hiện vật gốm sứ Chu Đậu thế kỷ XV - XVI được khai quật tại vùng biển Cù Lao Chàm. Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ Quảng Nam phục chế 15 hiện vật, tư liệu, hình ảnh để phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.
Giai đoạn 2016 - 2021 TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thực hiện các chính sách an sinh xã hội với tổng số tiền là 92,7 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam đã sử dụng nguồn kinh phí này cùng với nguồn kinh phí của ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình mang tính chất an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, hỗ trợ thông qua ngân sách cấp tỉnh là 70,7 tỷ đồng; hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện là 22 tỷ đồng.
Chừng 5 năm trước, chúng tôi may mắn gặp lại những chứng nhân lịch sử của một căn cứ cách mạng đậm dấu ấn hào hùng. Trong buổi kỷ niệm 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà (2017), các đại biểu vẫn chưa thôi tự hào về một vùng căn cứ đủ sức để đưa ra những kế hoạch cụ thể, trong đó có trận đánh lịch sử để giải phóng Đà Nẵng.
Đặc khu Quảng Đà với những dấu son lịch sử là nơi quyết định đến tình hình cách mạng ở địa phương thời đó. Với nhiều cán bộ lão thành, thì mảnh đất này chính là ngôi nhà quen thuộc, là mảnh đất quê hương của mình.
Với tầm quan trọng trong lịch sử, năm 2012, Di tích lịch sử văn hóa Đặc khu ủy Quảng Đà (căn cứ Hòn Tàu) được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2015, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã thống nhất dự án trùng tu, bảo tồn và phục dựng Khu di tích Hòn Tàu.
Dự án bảo tồn Khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà tại khu vực núi Hòn Tàu được triển khai xây dựng vào cuối năm 2015 với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng, do ngân sách Quảng Nam đầu tư và UBND TP.Đà Nẵng hỗ trợ một phần.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, TP. Đà Nẵng đã trích hỗ trợ 8 tỷ đồng để dự án bảo tồn Khu di tích Đặc khu ủy Quảng - Đà triển khai. Đến nay, Khu căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà đã hoàn thiện các hợp phần chính bao gồm tuyến đường đấu nối với tuyến ĐH8 của huyện Duy Xuyên vào khu di tích, nhà bia tưởng niệm, nhà đón tiếp, trưng bày...
2. Ký ức người dân Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ không bao giờ quên được những ngày dịch giã khắc nghiệt. Quảng Nam đã chia lửa cùng Đà Nẵng trong những ngày thành phố chỉ toàn “vùng đỏ” với dịch Covid-19. Những bao gạo, mớ rau, quả bí, chai dầu phộng... từ các vùng quê xứ Quảng được chuyển đến TP.Đà Nẵng.
Trong quãng thời gian tháng 7, 8 năm ngoái, những chuyến xe ắp đầy nông sản với dòng chữ “Quảng Nam đồng lòng, chung sức cùng TP.Đà Nẵng chống dịch” ngày mấy chuyến ra phố. Không chỉ là sự hỗ trợ trong lúc ngặt nghèo, điều này còn biểu hiện cho nghĩa đồng bào, tình anh em tương thân tương ái.
Trong các đợt Covid-19 bùng phát, Quảng Nam nhiều lần hỗ trợ Đà Nẵng nông sản và nhu yếu phẩm. Hình ảnh em bé gùi trên lưng buồng chuối, mớ rau rừng để gửi đến ủng hộ người thành phố lan truyền trên mạng xã hội những ngày tháng chống dịch đã qua vẫn còn sức gợi về tình đồng bào giữa Quảng Nam - Đà Nẵng. “Hướng về đồng bào - San sẻ yêu thương” cùng những nghĩa cử được Ủy ban Mặt trận các cấp kêu gọi người dân hưởng ứng, luôn mang lại hiệu ứng tích cực.
Trên các phương diện giáo dục, y tế, Đà Nẵng luôn là địa chỉ đầu tiên để người Quảng Nam nghĩ tới để cải thiện chất lượng cuộc sống. Hai địa phương phối hợp đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành dịch vụ.
Các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GD-ĐT Quảng Nam tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh THPT, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó từ nguồn kinh phí của các trường đại học, hỗ trợ đào tạo cho giáo viên các kỹ năng về công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng…
Và Quảng Nam - Đà Nẵng, là một mạch văn hóa Quảng - Đà, vẫn trợ lực nhau trên mọi mặt của đời sống, như chưa hề có cuộc chia ly từ 25 năm trước...