Triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là Nghị quyết 39) và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (gọi tắt là Nghị định 108), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 177-KH/TU ngày 18.6.2015 và Công văn số 1849-CV/TU ngày 29.7.2015 để chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh triển khai quán triệt nghị quyết và nghị định trên đến toàn thể cán bộ, đảng viên; cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2140/KH-UBND ngày 22.5.2015 để chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện, thị, thành phố thực hiện. Theo Nghị quyết 39, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thi tuyển công chức cấp xã thuộc Đề án 500 (khóa I, II) năm 2014. Ảnh: TẤT CẢNH |
Tinh giản, sáp nhập
Triển khai thực hiện Nghị định 108, đến nay toàn tỉnh đã giải quyết cho 608 trường hợp được tinh giản biên chế, chiếm tỷ lệ 18,93% so với số lượng đăng ký (3.054 người) và 1,49% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Trong đó, cơ quan Đảng, đoàn thể có 19 người được tinh giản, giảm 1,1%. Khối chính quyền có 589 người được tinh giản, giảm 1,5% so với tổng biên chế khối nhà nước; trong đó cán bộ - công chức: 113 người, viên chức: 491 (gồm GD-ĐT: 368 người, y tế 76, sự nghiệp khác 47); cán bộ quản lý doanh nghiệp: 4. Tỉnh cũng đã tổ chức sáp nhập các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc các sở, ban, ngành thành 3 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc tỉnh. Sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp thành Chi cục Kiểm lâm; sáp nhập Chi cục Khai thác nguồn lợi thủy sản và Chi cục Nuôi trồng thủy sản thành Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở NN&PTNT. Việc sáp nhập các cơ quan nêu trên bước đầu đã thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, đảm bảo quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, bộ máy nhà nước có nguy cơ “phình” ra là do việc đánh giá cán bộ theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá những người thuộc quyền quản lý vẫn còn nể nang, xuê xoa. Vì vậy kéo theo bộ máy nhà nước còn rườm rà, đông người. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều tổ chức hội, có hội ít hội viên nhưng vẫn tồn tại, dù họ không hưởng lương, chỉ có phụ cấp thôi nhưng cũng gây sức ép rất lớn cho ngân sách. “Tôi ví dụ ở cấp xã, có hội chỉ 7 hội viên, nhiều thì hơn 20 hội viên nhưng tồn tại một bộ máy, có chủ tịch, các phó chủ tịch hẳn hoi. Thực tế tôi đi kiểm tra thì biết đội ngũ này rất ít việc để làm. Sắp tới sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp các bộ máy trên, cũng như tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Những đơn vị nào có tính chất trung gian, hoạt động không hiệu quả thì cương quyết sắp xếp, sáp nhập để giảm biên chế, gọn bộ máy” - ông Lê Văn Dũng nói.
Còn yếu khâu đánh giá cán bộ
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, gần 2 năm nay, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường thực hiện các chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy, tổ chức. Trong đó xác định trách nhiệm của các cấp ngành, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai việc thực hiện. “Sau khi quán triệt nhận thức, đến nay đã có 50 sở, ban ngành, địa phương xây dựng đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. So với Nghị định 132 trước đây (Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8.8.2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế - PV), Nghị định 108 hiện nay có một số quy định phù hợp để thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện đăng ký vào diện tinh giản. Tuy nhiên, đó là dựa trên tinh thần tự nguyện, còn nếu làm căng cơ theo quy định là buộc thôi việc những người không đáp ứng được yêu cầu công việc thì công tác này còn rất hạn chế” - ông Dũng nói.
Người trong cuộc có chung nhận định, điều khó nhất hiện nay trong công tác tinh giản biên chế chính là khâu đánh giá, nhận xét cán bộ. Điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết 39: “Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu”. Việc nhận xét, đánh giá tại các cơ quan, đơn vị thường có tư tưởng dễ người dễ ta, ngại va chạm, không dám nói thẳng nói thật. Chính vì vậy, trong xếp loại hàng năm, hầu hết cán bộ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiếm người không hoàn thành nhiệm vụ nên khó rơi vào diện tinh giản theo Nghị định 108. Một số cơ quan, đơn vị cho rằng, biên chế ở thời điểm thực hiện tinh giản biên chế chưa đảm bảo theo chỉ tiêu giao, nên việc tinh giản biên chế tối thiểu đảm bảo 10% đến năm 2021 khó thực hiện. Ngoài ra, do áp lực công việc nên các cơ quan, đơn vị luôn có nhu cầu tăng biên chế. Tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng nói, Nghị quyết số 04-NQ/TU Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 (ban hành ngày 12.8.2016) yêu cầu hàng năm phải giao chỉ tiêu để đến năm 2020 toàn tỉnh giảm tối thiểu 10% tổng số biên chế. Tuy nhiên, thực hiện giao chỉ tiêu tinh giản biên chế cho từng cơ quan, đơn vị không có nghĩa là cào bằng, mà căn cứ vào vị trí việc làm, nhu cầu, nên có những đơn vị được giao dưới 10%, nhưng cũng có những đơn vị được giao hơn 10%.
VĂN HÀO