Môi trường

Lodo và nỗi trăn trở về sinh vật biển

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN 11/08/2024 08:45

Lodovico Ruggeri người Ý, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hải Bàn tại Hội An. Ông cũng đã sống ở Hội An hơn 20 năm nay với rất nhiều trăn trở của một người yêu và tôn trọng tự nhiên.

Lodovico Ruggeri ( ngoài cùng bên phải) và tác giả ( áo đỏ bên trái ) tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V được tổ chức tại Đà Nẵng.
Lodovico Ruggeri ( ngoài cùng bên phải) và tác giả ( áo đỏ bên trái ) tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V được tổ chức tại Đà Nẵng.

Dịp hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V” chủ đề “Bảo tồn biển”, tổ chức tại TP.Đà Nẵng hồi cuối tháng 7/2024, tôi tình cờ gặp Lodovico Ruggeri - mọi người hay gọi ông là Lodo.

Khai phá du lịch lặn biển

Lodo có dáng vóc cao lớn, khuôn mặt đượm nét phong trần, rắn rỏi của người sống ở vùng biển chịu nhiều gió sóng. Nhưng sự chân thành, mộc mạc của ông khiến người đối diện cảm giác gần gũi.
Lodovico Ruggeri nói tiếng Việt rất sõi.

Ông có công ty chuyên khám phá đảo và các hoạt động dưới nước tại cụm đảo Cù Lao Chàm TP.Hội An. Được sinh sống và làm việc ở Hội An là niềm yêu thích và cũng là mơ ước của ông.

Ông kể: “Năm 2001, tôi đến Việt Nam và phát hiện ra Cù Lao Chàm - một quần đảo rất giống các đảo của Ý quê hương tôi (ngoại trừ những cây dừa). Đảo được bao phủ bởi rừng, bờ đá, trên đảo chính có bãi biển đẹp, 2 làng chài nhỏ. Và có lẽ là rạn san hô đẹp nhất Việt Nam” - Lodo nói.

Lặn biển ngắm san hô ở đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam
Lặn biển ngắm san hô ở đảo Cù Lao Chàm, Hội An.

Trước năm 2000, Cù Lao Chàm hoàn toàn không được coi là địa điểm du lịch tiềm năng của Hội An. Cả Quảng Nam khi ấy chỉ có Khu đền tháp Mỹ Sơn và làng gốm Thanh Hà được cho là các điểm du lịch và được chính quyền địa phương quảng bá.

Lúc đó, ông hỏi vài người Việt Nam là tại sao nơi đây (đảo Cù Lao Chàm - NV) chưa được xem là một địa điểm du lịch ở Hội An? Câu trả lời ông nhận được là: Cù Lao Chàm không có trung tâm thương mại, không có máy lạnh, không có điện. Ý tưởng về một khu du lịch sinh thái vẫn chưa có ở đây.

Và Lodo nhìn thấy cơ hội để đi đến thành lập công ty chuyên khám phá đảo và các hoạt động dưới nước cùng một nhóm bạn yêu thiên nhiên của ông. Công ty của họ bắt đầu triển khai hoạt động vào năm 2002, dần dần phát triển bổ sung các dịch vụ cho đến ngày nay.

Hiện tại, Công ty TNHH Du lịch Hải Bàn tại cụm đảo Cù Lao Chàm của Lodo được nhiều người biết đến với các chuyến du ngoạn lặn biển quanh các hòn đảo nhỏ tại Cù Lao Chàm. Công ty của ông đã mang lại thu nhập cho nhiều gia đình ở Hội An và Cù Lao Chàm.

Trăn trở về hệ sinh thái biển

Lodo luôn có suy nghĩ làm gì để không gây ảnh hưởng đến sinh vật biển.

Ông cho biết, các hoạt động của du khách tại khu vực rạn san hô luôn được huấn luyện viên và chuyên gia hướng dẫn tuân thủ nghiêm túc các quy định, thông tin về rạn san hô, cách ứng xử dưới nước trước khi xuống nước.

“Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức về hệ sinh thái dưới nước và yêu cầu du khách hết sức chú ý việc hài hòa với thiên nhiên trong lúc trải nghiệm. Đây là điều mà người quản lý, huấn luyện viên của tất cả công ty có hoạt động lặn biển nên làm với khách hàng của mình.

Phong phú và đa dạng các loài sinh vật biển tại Cù Lao Chàm
Phong phú và đa dạng các loài sinh vật biển tại Cù Lao Chàm.

Chúng ta là người giám sát rạn san hô, hướng dẫn khách về hành vi có trách nhiệm với rạn san hô, đồng thời cũng sẽ làm những việc như khảo sát rạn san hô, thông báo cho Khu bảo tồn biển khi phát hiện những hành vi, những chuyện không bình thường đối với rạn san hô và sự đa dạng sinh học biển” - Lodovico Ruggeri nói.

Hoạt động hơn 20 năm, Lodovico Ruggeri đã chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội ở cụm đảo Cù Lao Chàm cũng như những tác động đến hệ sinh thái biển tại nơi đây.

Nghề khai thác thủy sản tại đảo ban đầu đã dần chuyển sang du lịch và các hoạt động phục vụ du khách. Tuy vậy, khai thác thủy sản vẫn là phần quan trọng vì du lịch chưa tạo đủ thu nhập cho các hộ dân trên đảo đảm bảo cuộc sống.

Có rất nhiều lý do khác nhau gây tác động xấu đến môi trường từ những nguyên nhân tự nhiên cho đến hoạt động của con người. Ở Cù Lao Chàm, nguyên nhân chính khiến hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng là đánh bắt trái phép trong và xung quanh khu bảo tồn.

Lodovico Ruggeri đưa ra dẫn chứng, các khu vực được bảo vệ rất nhỏ và không có khoảng cách giữa khu vực cấm khai thác và khu vực được phép khai thác. Kết quả, ngư dân khai thác trên chính rạn san hô hay bên ngoài bằng những phương thức công nghệ và gần như tận diệt.

Lưới được bao quanh rạn san hô và những ngư dân xua đuổi cá từ trong vùng bảo vệ đi ra ngoài để chúng mắc lưới. Lưới vẫn được để tại chỗ cả ngày lẫn đêm nên ngay cả những loài cá muốn vào vùng san hô để đẻ trứng, tái sinh nguồn hải sản cũng bị mắc vào. Kết quả, những năm qua là hầu hết loài cá lớn và cá nhỏ đều biến mất…

Giải pháp bảo vệ bền vững Cù Lao Chàm

Tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Lodovico Ruggeri đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ hệ sinh thái dưới nước tại đảo Cù Lao Chàm.

Lodovico Ruggeri phát biểu tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V
Lodovico Ruggeri phát biểu tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V.

Phân bổ thêm nguồn kinh phí cho hoạt động tuần tra tại đảo nhằm ngăn chặn các tàu đánh cá không hợp pháp cũng như cần mở rộng phạm vi tuần tra là điều đầu tiên ông đề xuất.

Điều thứ hai, Lodo cho rằng, giáo dục cũng là chìa khóa để đảm bảo du lịch có trách nhiệm và bền vững tại các rạn san hô. Các nhà điều hành tour nên hợp tác để dạy du khách về lịch sử rạn san hô, các phương thức quản lý truyền thống và tính dễ bị tổn thương của nó.

Trường học cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của vòng đời các loài sinh sống trong các rạn san hô. Các buổi hội thảo với học sinh tiểu học và trung học với các chuyên gia về biển nên được thường xuyên tổ chức.

Để bảo vệ các loài cá, Lodo cho rằng cần tạo một vùng đệm (tối thiểu 500m2) bên ngoài khu vực được bảo vệ và yêu cầu không được phép đánh bắt cá. Bằng cách này, cá sẽ được tự do ra vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (theo đó, các khu vực được bảo vệ không còn bị bao quanh bởi lưới nữa).

Ý tưởng rất đơn giản: cá đến, đẻ trứng, cá con ra biển và quay trở lại vào năm tới để cung cấp nguồn trứng mới, tạo ra số lượng cá tăng theo cấp số nhân trên các vùng biển xung quanh.

Ông nêu một số kinh nghiệm trên khắp thế giới cho thấy chỉ cần có vùng cấm khai thác trong vài năm, các khu bảo tồn đều ghi nhận được sự gia tăng đáng kể về kích thước cá khai thác được, hoạt động khai thác thủy sản mang lại lợi nhuận cao và bền vững.

“Chúng ta chỉ cần kiên nhẫn và chờ đợi kết quả trong ba năm là đủ. Sau đó, chúng ta chỉ cần tiếp tục duy trì những gì chúng ta đã làm đựợc” - Lodo nói.

Sau buổi hội thảo, Lodovico Ruggeri gửi tin nhắn cho tôi. Ông gửi gắm những ước muốn chân thành về hành động bảo tồn, bảo vệ những loài sinh vật biển như cá, san hô… đang còn sót lại trong biển đảo Cù Lao Chàm - những điều quý giá cần được giữ gìn và phát triển trong tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lodo và nỗi trăn trở về sinh vật biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO