Nhờ sự tiếp sức từ phía chính quyền địa phương và tinh thần nỗ lực của doanh nghiệp, đến cuối năm 2020 sản phẩm khăn lụa Mã Châu của Công ty TNHH lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã đạt 4 sao cấp huyện theo tiêu chuẩn OCOP và đang chờ công nhận cấp tỉnh.
Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu cho hay, năm nay dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai liên tục ập đến nhưng tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị vẫn cơ bản ổn định. Đặc biệt, thời gian qua công ty nỗ lực đầu tư cải tiến máy móc nên năng lực sản xuất tăng gấp 4 - 5 lần so với cách đây 2 năm.
“Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất hơn 10.000m vải lụa các loại như lãnh, the, đũa, so, vôn, xuyến... mang về doanh thu khoảng 1,7 tỷ đồng. Đồng thời giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 9 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng” - ông Phương nói.
Bên cạnh đó, với việc được chính quyền địa phương chọn xây dựng sản phẩm OCOP và đánh giá đạt tiêu chuẩn 4 sao, đơn vị xác định đây là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, chứng nhận OCOP đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín sản phẩm và quyết định chốt đơn của khách hàng. Mặt khác, thông qua “sân chơi” này, công ty có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Trong đó, chính quyền huyện Duy Xuyên hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, công cụ, in ấn mẫu mã, bao bì... góp phần hoàn thiện công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài việc cung cấp sản phẩm cho các đại lý, khách hàng lớn ở những thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... năm 2020 này doanh nghiệp còn xây dựng một số kênh bán lẻ sản phẩm lụa truyền thống và tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tận dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng ở trong và ngoài nước.
Về dự định tương lai, ông Trần Hữu Phương chia sẻ: “Năm 2021, nếu được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện, chấp thuận chủ trương thuê đất lâu dài thì tôi sẽ bỏ ra ít nhất 6 tỷ đồng xây dựng một bảo tàng về làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tái hiện toàn bộ quy trình sản xuất lụa để phục vụ phát triển du lịch kết hợp với bán các loại sản phẩm truyền thống. Cơ sở hạ tầng tuy không sánh được với những khu vực khác, chẳng hạn như làng lụa Hội An nhưng tôi có thể đảm bảo yếu tố độc đáo, mang phong cách riêng biệt. Tôi cũng mong muốn tái hiện bến đò tơ và đón du khách đi bằng đường sông nước ngay tại đó. Mặt khác, mở một showroom quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngay tại khối phố Châu Hiệp của thị trấn Nam Phước... Các hoạt động này nhằm tạo sự cộng hưởng, khẳng định và phát triển thương hiệu đến người tiêu dùng một cách hiệu quả”.