Nhiều hộ dân chèo thuyền thúng du lịch xã Cẩm Thanh (Hội An) đã làm đơn gửi UBND thành phố và UBND xã Cẩm Thanh xin phép cho tồn tại dịch vụ hát trên sông với du khách.
Cam kết giảm tiếng ồn
Trong đơn ngày 29/11, những hộ dân này cho biết, từ khoảng năm 2015 - 2016 nhận thấy nhu cầu khách du lịch đến rừng dừa ngày càng nhiều nên họ đã tập hợp lại, tổ chức đưa đón khách tham quan.
Trong quá trình làm du lịch, qua học hỏi ở những nơi khác và nhu cầu của khách châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…) về vui chơi giải trí, những người dân Cẩm Thanh đã tổ chức quay thuyền thúng kèm hát nhạc cho nhau nghe trên sông. Dịch vụ này đã thu hút khách du lịch ngày càng đông, giúp tạo thu nhập giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tuy nhiên, kể từ khi có thông báo cấm hát trên sông, hàng loạt tour du lịch đã bị hủy gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, những hộ dân chèo thúng làm đơn xin được tạo điều kiện tồn tại dịch vụ hát trên sông với khách, đồng thời cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về âm thanh, âm lượng, địa điểm tổ chức.
Tính đến ngày 15/12, Cẩm Thanh có 1.347 phương tiện thuyền, thúng đăng ký hoạt động vận chuyển khách du lịch. Ông Phạm Văn Mẫn - đại diện Cơ sở vận chuyển thuyền thúng du lịch Bá Lộc Coconut (Cẩm Thanh) cũng là người đứng đơn kiến nghị, đề xuất dịch vụ hát trên sông nên được duy trì vì đáp ứng nhu cầu thực tế của khách.
“Hiện nay khoảng 80% khách tham quan rừng dừa là người Hàn Quốc, trong khi tâm lý khách Hàn rất thích vui chơi giải trí, rừng dừa không có nhạc họ sẽ không đến và tìm nơi khác. Nếu Nhà nước kiên quyết cấm thì chúng tôi cũng phải tuân thủ thôi nhưng chắc chắn lượng khách đến rừng dừa sẽ giảm” - ông Mẫn nói.
Ông Đỗ Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, khi nhận được đơn kiến nghị, địa phương vẫn chưa có phương án trả lời.
“Thật ra, các văn bản của tỉnh không nói cấm tiệt. Mặc dù người dân đề nghị rút lại đơn nhưng xã cũng đã báo cáo lên thành phố và đang chờ ý kiến. Trước mắt vẫn phải kiên quyết xử lý tình trạng tiếng ồn công suất lớn trên sông, còn vấn đề để cho dân hoạt động hát múa hay không thì chúng tôi chờ ý kiến thành phố” - ông Chiến cho biết.
Thành lập HTX quản lý thuyền thúng
Ngày 16/10, UBND tỉnh đã ban hành văn bản gửi UBND TP.Hội An và Sở VH-TT&DL về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch trên địa bàn Hội An. Nội dung văn bản nêu rõ, ngày 22/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07 về đẩy mạnh công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.
Thời gian qua các ngành, địa phương trong đó có Hội An đã tích cực xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh môi trường du lịch tại điểm đến… Tuy nhiên, tới nay môi trường du lịch ở một số điểm đến tại Hội An vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại gây ảnh hưởng tới khách du lịch.
Cụ thể, Khu rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) vẫn còn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc sử dụng loa công suất lớn, cò mồi, tự ý nâng giá dịch vụ…, gây bức xúc trong nhân dân và du khách. Văn bản đề nghị UBND TP.Hội An phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm các tình trạng nêu trên.
Ông Đỗ Chiến cho biết, sau khi nhận được văn bản của tỉnh và thành phố, các lực lượng chức năng của xã đã tăng cường ra quân, quyết liệt xử lý các trường hợp sử dụng loa công suất lớn, kể cả phối hợp Công an thành phố xuống tuần tra xử lý tiếng ồn. Bước đầu đạt được kết quả tích cực nhưng quá trình triển khai cũng vướng nhiều hạn chế như không có thiết bị đo tiếng ồn, chưa kể để bắt được quả tang phải bố trí lực lượng rình phục.
“Thời gian qua, xã cũng bố trí các hoạt động hát hò khoan, vãi chài… ở khu rừng dừa nhưng cũng không sôi động bằng người dân hát trên sông. Họ hát đủ loại tiếng Hàn, Trung, Thái đều có cả, tuy xô bồ nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận sông nước phải ồn ào, sôi động mới vui, chứ im lặng quá cũng buồn.
Dù vậy, hiện tại địa phương cũng chưa có loại hình gì để thay thế việc hát múa trên sông. Nếu thành phố thống nhất cho quy hoạch lại ở những vị trí cụ thể, âm thanh giảm, không ảnh hưởng đến khu dân cư, tôi nghĩ cũng được chứ không đến nỗi phải cấm triệt để. Chúng tôi đã báo cáo lên thành phố và đang chờ ý kiến, thật sự xã đang lúng túng chuyện này” - ông Chiến bộc bạch.
Cũng theo ông Chiến, sắp tới xã sẽ nghiên cứu thành lập HTX thuyền thúng du lịch để thuận tiện cho việc quản lý, kiểm soát. Đồng thời quy hoạch nạo vét khu vực phía dưới chân cầu Cửa Đại dành cho khách không thích tiếng ồn có thể dạo chơi tham quan nhằm đưa các hoạt động du lịch đi vào nền nếp văn minh theo đúng các quy định UBND tỉnh và thành phố.