Lượng nước tích trữ ở các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cũng như các hồ thủy lợi lớn hiện dồi dào, nhưng cần sử dụng hợp lý để chủ động thích ứng mùa khô năm 2025 dự báo sẽ khá khốc liệt.
Lần đầu đưa ra kịch bản dự báo
Nhờ lượng mưa trong mùa mưa năm 2024 tương đối dồi dào, phân bố đều, lượng nước tích trữ của các hồ chứa trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (VG-TB) cũng như các hồ, cụm hồ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 90% dung tích thiết kế. Đây là một thuận lợi lớn trước khi bước vào mùa khô năm 2025 dự báo sẽ khốc liệt.
Năm 2025, lần đầu tiên một kịch bản dự báo nguồn nước trên lưu vực sông VG-TB được chuyên gia về nước đưa ra. Kịch bản dự báo được chuyên gia của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) đưa ra nhân cuộc họp tổng kết Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông VG-TB và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2024 vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng.
Có nhiều năm gắn bó với hoạt động nghiên cứu, điều phối lưu vực sông VG-TB, theo TS. Lê Hùng - đến từ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khả năng nguồn nước trên lưu vực VG-TB trong mùa cạn 2025 ở “trạng thái bình thường”.
Nhận định này dựa trên cơ sở hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của 5 hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực VG-TB và 2 hồ chứa lớn tại Đà Nẵng là Đồng Nghệ và Hòa Trung cũng như dự báo khí tượng, thủy văn trên các lưu vực sông.
Trong số 3 trường hợp diễn biến trong mùa khô năm 2025 được đưa ra trong kịch bản, trường hợp lượng mưa được duy trì ở mức thấp hơn giá trị trung bình các tháng mùa kiệt là đáng lo ngại nhất.
TS. Lê Hùng phân tích, dù về tổng thể thì nguồn nước của 5 hồ chứa cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở hạ du. Tuy nhiên, nếu nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao trong các tháng nhiều khả năng xảy ra nắng nóng (tháng 4, 5, 6/2025) thì nguồn nước của 5 hồ chứa có nguy cơ không đáp ứng đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du.
Tiết kiệm nước và tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa
Theo các chuyên gia, để hạn chế thấp nhất nguy cơ thiếu nước trong mùa khô 2025, các hồ chứa thủy điện lưu vực VG-TB cần vận hành duy trì mực nước các hồ trong vùng đảm bảo.
Khi xảy ra sự cố nào đó làm cho mực nước giảm xuống dưới giới hạn min của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông VG-TB (Quy trình 1865) thì cần vận hành tiết kiệm để nhanh chóng đưa mực nước hồ chứa về vùng đảm bảo.
Đối với lưu lượng xả của các hồ, cần đảm bảo vận hành duy trì giá trị Qmin theo Quy trình 1865 để đảm bảo dòng chảy trên sông luôn duy trì tối thiểu, tránh các trường hợp dòng chảy nhỏ hơn Qmin như mùa kiệt năm 2023 làm mặn xâm nhập sâu lên sông Túy Loan.
Đại diện Chi cục Thủy lợi Quảng Nam (Sở NN&PT-NT) thông tin, nguồn nước tại các hồ thủy lợi đến thời điểm hiện nay do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý cơ bản đáp ứng nguồn nước vụ hè thu.
Tuy nhiên, nếu tình hình thời tiết nắng nóng xảy ra liên tục, tỷ lệ thất thoát lớn và không có mưa bổ sung trong thời gian tới thì khả năng đến vụ hè thu năm 2025 nhiều hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh sẽ khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
“Những hồ có khả năng thiếu nước phải thực hiện tưới theo hướng dẫn kỹ thuật tưới khoa học cho cây lúa, tưới ướt, khô xen kẽ ở một số khu vực đủ điều kiện, phấn đấu giảm từ 15-25% mức tưới mỗi đợt ngay từ đầu vụ sản xuất đông xuân.
Tại Điện Bàn đã tiến hành đắp đập Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện đảm bảo nguồn nước ngọt cấp ổn định cho khoảng gần 2.200ha đất sản xuất nông nghiệp của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng” - đại diện Chi cục Thủy lợi Quảng Nam nói.
Theo ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, khả năng vào cao điểm mùa cạn 2025 sức ép cung cấp điện và điều tiết nước sẽ rất lớn nên đơn vị cố gắng hết sức để cân đối.
Trong quá trình điều tiết, khi có trường hợp ngoài quy định của Quy trình 1865 đơn vị sẽ phối hợp để sử dụng tài nguyên nước một cách tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đột xuất của địa phương.
“Thời gian qua, công tác dự báo khí tượng thủy văn cho lưu vực sông VG-TB đã được nâng cao đáng kể, sát với tình hình thực tế. Điều cần cải thiện hơn nữa là tăng độ chính xác dự báo cho từng tiểu lưu vực.
Ngoài ra, ở một số thời điểm trong năm, nhu cầu dùng nước của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng có khác nhau nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống các nhà máy thủy điện để vừa đảm bảo an ninh nguồn nước lẫn nhu cầu phát điện linh hoạt của thủy điện” - ông Thế cho biết.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam và nhận định các trung tâm dự báo khí hậu, từ tháng 2-4/2025, ENSO từ trạng thái La - Nina yếu chuyển dần sang trạng thái trung tính; nhiệt độ trung bình các địa phương trong tỉnh phổ biến xấp xỉ giá trị trung bình nhiều năm, có nơi cao hơn từ 0,5 - 1.00C.
Tổng lượng mưa các địa phương trong tỉnh phổ biến xấp xỉ, có nơi thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm một ít và từ cuối tháng 3/2025, các địa phương trong tỉnh xuất hiện nắng nóng cục bộ, đến tháng 4/2025 nắng nóng mở rộng về phạm vi ảnh hưởng và cường độ nắng nóng tăng lên rõ rệt.
Từ tháng 3-4/2025, tình hình xâm nhập mặn và thiếu hụt nguồn nguồn nước có khả năng tăng dần gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của các địa phương hạ lưu hệ thống sông VG-TB, sông Vĩnh Điện và sông Tam Kỳ.